Thực hành Then được công nhận di sản văn hóa thế giới: Trăn trở bảo tồn và phát triển

Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam ngày 13/12 chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đàn tính - hát Then của Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đàn tính - hát Then của Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Việc ghi danh nghi lễ Then sẽ làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc khác nhau.

Độc đáo điệu hát niên đại 600 năm

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, hát Then xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI vào thời nhà Mạc lên Cao Bằng xây dựng thành quách. Theo truyền thuyết, trong số quan lại của nhà Mạc có hai vị tên là Đế Phụng và Đế Đáng rất yêu âm nhạc và thích ca hát, họ đã chế tạo ra tính tẩu và lập ra hai tốp hát để phục vụ cung đình.

Về sau dân chúng thấy hay nên bắt chước và được lưu truyền trong dân gian. Theo thời gian, hát Then - đàn tính được lan rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Hơn 600 năm qua, Then đã trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Then là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình thầy Then (ông Then, bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới...

Khi các thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Tùy theo mục đích của việc cầu cúng mà thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn trước bàn thờ Then những vị thần bản địa khác nhau.

Thầy Then thường sử dụng các đồ vật như: Kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông... để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại bàn thờ Then ở nhà của thầy Then. Thầy Then mặc lễ phục và vừa hát tiếng dân tộc mình vừa gảy tính tẩu, xóc chùm xóc nhạc, phất quạt; có buổi lễ còn có tốp nữ múa phụ họa.

Then luôn luôn được trao truyền bằng truyền khẩu khi thực hành nghi lễ, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ. Các thầy Then đóng vai trò chính yếu trong việc chuyển giao các kỹ năng và bí quyết liên quan, một số thầy Then có thể thực hiện khoảng 200 nghi lễ một năm.

Di sản Thực hành Then tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai) và một số địa phương khác ở Việt Nam.

Về cơ bản, hát Then - đàn tính ở mỗi vùng miền đều có cung quãng giống nhau nhưng về lời hát thì có nhiều dị bản để phù hợp với đặc điểm, cũng như phong tục của từng địa phương. Đàn tính được cấu thành từ 6 bộ phận gồm: Bầu đàn, cần đàn, dây đàn, khóa đàn, ngựa, mặt đàn. Người Tày rất coi trọng việc hoàn thành đàn tính tẩu.

Khi trình diễn, họ thường tổ chức lễ cúng nhỏ để xin phép tổ sư. Đàn tính được treo trang trọng trên vách gần bàn thờ tổ sư, những khi đi đâu, người Tày thường bọc đàn tính trong vải đỏ và bầu đàn luôn hướng về phía trước mặt mình. Đàn tính chủ yếu được dùng để đệm hát và có thể diễn tấu một mình hoặc nhiều cái cùng một lúc.

Then chỉ có một vài giai điệu khác nhau nhưng sự hấp dẫn của Then chính là sự phong phú đa dạng của ca từ. Lời Then có tới 35 chương đoạn khác nhau, phụ thuộc vào người biểu diễn và mục đích của nghi lễ. Người làm Then cổ thường vừa hát Then vừa chơi đàn tính kết hợp sử dụng chùm nhạc xóc trong các nghi lễ như cầu mưa, cầu lửa, giải hạn cầu may, cầu được mùa…

Then còn là chiếc cầu nối giữa con người với thế giới thần linh và đất trời. Chính vì thế, Then là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Mặt khác đây cũng là dịp để cả gia đình, dòng họ ôn lại những điều tâm niệm chung về những phẩm chất truyền thống đã được trau dồi như: sự đoàn kết, gắn bó trong gia đình, những quy ước chung của dòng họ nhằm duy trì kỷ cương chung như: tôn trọng người già, tôn trọng truyền thống văn hóa, lệ tục của dòng họ; đồng thời nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình có ý thức và trách nhiệm về cội nguồn, với tổ tiên với gia đình, dòng họ và chính bản thân mình.

Về mặt nghệ thuật dân gian, Then được thể hiện sinh động bằng lời ca, tiếng nhạc, điệu múa dân gian hết sức phong phú và hấp dẫn. Trong một cuộc hát Then, âm nhạc là yếu tố quan trọng và xuyên suốt khi trình diễn.

Hát Then có nhiều bài bản, làn điệu khác nhau, nhưng đều tuân theo một bài bản và kết thúc có kết quả giống nhau. Người trình diễn hát Then theo hình thức diễn xướng tổng hợp vừa hát, đệm đàn và múa để thể hiện nội dung câu hát, đôi khi còn biểu diễn cả những trò nhai chén, dựng trứng, dựng gươm...

 Nghi lễ hát Then.

Nghi lễ hát Then.

Nội dung và ý nghĩa của các bài hát Then thường là lấy hồn lấy vía siêu lạc ở các chốn về, hoặc săn bắt bắn lấy những con thú trên rừng về để giải hạn, khao tổ tiên, khao mẫu sinh hay mẹ sinh (mẫu ban lộc sinh đẻ). Then được cho là có nhiều tác dụng như chữa bệnh, giải hạn, cầu tài, cầu lộc, thể hiện một nền văn hóa đa dạng của dân tộc.

Nỗ lực bảo vệ và phát triển

Trong cơ chế thị trường, không gian diễn xướng cho loại hình nghệ thuật này cũng đang bị co hẹp. Lớp trẻ thì không quá mặn mà với nghệ thuật truyền thống của cha ông, nhiều thanh niên dân tộc hiện nay còn không biết tiếng mẹ đẻ, vì vậy việc bảo tồn “đặc sản” này đã khó mà việc phát triển nó lại càng khó hơn.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Then, trong những năm học gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đưa hát Then vào môi trường học đường. Các nhà trường từ bậc tiểu học đến THPT ở Lạng Sơn đã gắn việc gìn giữ hát Then với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hoạt động giáo dục truyền thống và hoạt động ngoại khóa trong mỗi tháng. Khi đưa hát Then vào hoạt động giáo dục, đa số học sinh thấy gần gũi và nhanh chóng hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của hát Then trong đời sống của đồng bào Tày, Nùng từ bao đời nay.

Bình Liêu (Quảng Ninh) cũng là địa phương có nhiều hình thức để bảo tồn và phổ biến làn điệu hát Then trong đời sống xã hội. Phòng VHTT huyện đã sưu tầm 70 bài hát Then - đàn tính qua các thời kỳ, sưu tầm được 2 trích đoạn Then cổ, cải biên nhưng vẫn giữ những nét đặc trưng làn điệu hát Then, hướng dẫn thành lập 11 câu lạc bộ hát Then ở mỗi xã nhằm tập hợp các nghệ nhân, những người biết hát và yêu thích hát Then để luyện tập, phục vụ cộng đồng ở nơi cư trú.

Ngoài ra huyện còn hỗ trợ mỗi câu lạc bộ (CLB) 20 triệu đồng để duy trì hoạt động. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn tập luyện, dàn dựng sinh động hóa, sân khấu hóa các tiết mục biểu diễn.

Chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo cho những nghệ nhân hát Then, tạo điều kiện mời những nghệ nhân am hiểu Then, biết sáng tác Then và đánh đàn tính đến truyền dạy các CLB mới thành lập, giúp họ bắt nhịp nhanh chóng với phong trào chung.

Nghệ nhân Lương Thiêm Phú chia sẻ: “Ngoài việc làm, đánh đàn tính, truyền dạy hát Then cho các thành viên, tôi còn truyền dạy cho 30 học viên ở 2 lớp hát Then - đàn tính của huyện Tiên Yên; tổ chức giao lưu với CLB bạn; tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ với CLB nước bạn Trung Hoa vào các dịp lễ, Tết”.

Một địa phương khác là Thái Nguyên nhiều năm qua rất chú trọng đầu tư thành lập CLB Dân ca của các tộc người. Trong đó loài hình hát Then đàn tính đã đứng vững được tại các “sân chơi” văn hóa bổ ích với cuộc sống cộng đồng. Các tổ, đội văn nghệ Tỉn Keo (xã Phú Đình), Khau Diều (xã Điềm Mặc), Làng Chủng, Đồng Mon (xã Trung Hội), Nà Lọm (Phúc Chu), CLB dân ca dân Vũ Xã (Bảo Linh)… đã đóng góp rất lớn cho công tác bảo vệ và phát huy các làn điệu hát Then đàn tính ở địa phương. Hiện nay Tuyên Quang có gần 60 nghệ nhân Then, hơn 100 thầy Tào, thầy Pụt, gần 100 CLB hát Then, đàn tính hoạt động thường xuyên…

Bên cạnh những bài Then được đặt lời mới theo điệu cổ, các nghệ nhân cũng chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn những bài then cổ vì theo nhiều người, chính những bài Then cổ là kết tinh các giá trị tinh túy nhất của hát Then. Đến nay, nhiều cuốn sách Then cổ do các nghệ nhân sưu tầm, sao chép đã trở thành tài liệu tập huấn trong các lớp học then ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Ngoài ra, bảo tồn và phát triển Then được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Phục vụ tham quan, du lịch theo yêu cầu, dưới mô hình sân khấu, ngoài trời, phòng chờ… Nhiều du khách trong nước, quốc tế về đây đã say giai điệu then, tính đến mê mẩn.

Lưu diễn ở nước ngoài

Hát Then còn có dịp “chu du” trên xứ người. Vào cuối năm 2017, đoàn nghệ nhân Then của hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn có chuyến lưu diễn tại Pháp do Viện Văn hóa thế giới Pari mời sang. Nhớ lại chuyến lưu diễn đó, Nghệ nhân Ưu tú Triệu Thị Tiên (Lạng Sơn) chia sẻ: “Xem buổi diễn có khán giả người Pháp, người Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Mông Cổ, nhất là bà con Việt kiều tại Pháp. Chúng tôi diễn trong 75 phút, ngoài ra còn được thêm 75 phút giao lưu với khán giả. Rất phấn khởi!”.

Những năm gần đây, các Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính toàn quốc được tổ chức luân phiên tại các tỉnh miền Bắc. Mới đây, Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính toàn quốc lần thứ VI diễn ra tại tỉnh Hà Giang thu hút rất đông sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên của nhiều đoàn nghệ thuật đến từ 14 tỉnh, thành trên cả nước.

Trong những ngày diễn ra liên hoan, những âm thanh của đàn tính, lời Then vang lên khắp các bản làng từ thành phố Hà Giang đến những con đường quanh co trên Cao nguyên đá Đồng Văn… làm say đắm biết bao du khách và đồng bào các dân tộc nơi đây.

Tham gia Liên hoan vừa qua có rất nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ hát Then ở mọi lứa tuổi… Có những nghệ nhân đã trên 90 tuổi nhưng có những nghệ sỹ rất trẻ khi tuổi đời còn chưa đến đôi mươi, điều này cho thấy sức sống ngày càng mãnh liệt của loại hình nghệ thuật này.

Trần Thành An, 19 tuổi, thành viên của Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Cao Bằng cho biết đã học hát Then từ năm 14 tuổi chia sẻ: “Em đã nghe hát Then từ bé, chất Then đã ngấm trong người và khi lớn lên mới nhận thấy mình yêu Then, tình cảm với Then ngày một lớn hơn… Từ đó bắt đầu em đi tìm học Then. Do có mẹ là người dân tộc Tày và sinh sống ở Cao Bằng, nghe hát Then từ bé nên việc học cũng dễ hơn. Từ lúc bé cứ nghe hát Then là chạy đến để nghe và tình yêu với Then cứ như vậy lớn lên”.

Theo số liệu kiểm kê ở 11 tỉnh, hiện có 817 thầy Then (213 nam, 604 nữ); trong đó có 439 người Tày, 328 người Nùng, 23 người Thái và 27 người ở các tộc người: Kinh, Cao Lan, Dao, Hoa…

Có thể thấy, những năm gần đây, các địa phương đã chú trọng bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then, đàn tính. Qua đó giúp cho nét văn hóa này đến gần hơn, thấm sâu vào tâm hồn thế hệ tương lai của đất nước, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật Then truyền thống của dân tộc.

TS.Trần Hữu Sơn – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai: “Với chính sách hiện nay, các nghệ nhân - những “báu vật sống” - mới chỉ được quan tâm, coi trọng về mặt tinh thần mang tính chất động viên, cổ vũ chứ chúng ta chưa quan tâm, đầu tư vật chất, dành một phần kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ cho các nghệ nhân truyền dạy làn điệu Then cho thế hệ trẻ và đào tạo người kế nghiệp”.

PGS.TS Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: “Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Then, bên cạnh việc cần phải xây dựng cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý đối với các nghệ nhân - “báu vật sống” đang lưu giữ kho tàng nghệ thuật cổ quý giá thì các cơ quan cũng phải tiến hành kiểm kê, thống kê tư liệu, tài liệu một cách nghiêm túc, tỉ mỉ di sản văn hóa hát Then từ quá khứ đến hiện tại ở các địa phương, từ đó mới đưa ra được các biện pháp bảo tồn cụ thể và hữu hiệu.

Và, một trong những vấn đề quan trọng không kém khi bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Then là phải phát huy được ý thức tự giác và sự trân trọng với di sản văn hóa của người dân. Hàng năm, các nơi cần tổ chức những hoạt động liên hoan giao lưu hát Then ở mọi cấp và có biểu dương, khen thưởng kịp thời những đơn vị làm tốt.

Đây cũng chính là đòn bẩy quan trọng để quảng bá, giới thiệu, đưa nghệ thuật hát Then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái đến được với đông đảo đồng bào trong và ngoài nước”.

Thầy Phùng Văn Thời, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Tri (Lạng Sơn): “Hiện tại, một bộ phận không nhỏ học sinh hầu như chỉ quan tâm đến nhạc trẻ mà ít quan tâm đến hát Then; cơ sở vật chất, nhạc cụ, thiết bị âm thanh chưa đáp ứng được các hoạt động truyền dạy và tổ chức biểu diễn. Kinh phí để tổ chức các lớp học không có, chủ yếu là huy động từ nguồn xã hội hóa.

Bên cạnh đó, nghệ nhân truyền dạy được hát Then tại địa phương rất ít; chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào về phương pháp truyền dạy Then trong trường học cũng như chưa có biện pháp, cơ chế để thu hút các nghệ nhân có khả năng truyền dạy đến giúp đỡ nhà trường. Do vậy, rất cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh về sự cần thiết bảo tồn, gìn giữ và phát triển hát Then, xây dựng đội ngũ truyền dạy hát Then, đầu tư kinh phí, trang thiết bị cho hát Then…”

Nghệ nhân Ưu tú Triệu Thị Tiên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn hát dân ca xứ Lạng (Lạng Sơn): “Làm thế nào để lớp nghệ nhân trẻ yêu nghề, toàn tâm, toàn ý phát triển loại hình nghệ thuật này vẫn là một nỗi trăn trở rất lớn. Khi xuống Then, nghệ nhân không được phép đặt vấn đề tiền bạc, chi phí trình diễn đều tùy tâm. Vì thế, làm thế nào để các nghệ nhân Then, nhất là lớp trẻ bảo đảm được đời sống để cống hiến là rất cần thiết”.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nghe-thuat/thuc-hanh-then-duoc-cong-nhan-di-san-van-hoa-the-gioi-tran-tro-bao-ton-va-phat-trien-485413.html