Thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là làm cho mạch nước được bền vững

Sau 10 năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2012-2022), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng khẳng định sức sống mãnh liệt của triết lý hướng về cội nguồn, một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng hội tụ, lan tỏa giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt.

Xa xưa, làng Trẹo, nay là thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, là ngôi làng duy nhất sinh sống dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, nên được giao trông nom, hương khói cho tiên tổ. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, người dân nơi đây lại thành tâm sửa soạn mâm cơm dâng lên các vua Hùng. Theo truyền thống, lễ vật chính có bánh chưng, bánh giầy và cơm tẻ, bao hàm triết lý nhân sinh, ghi nhớ công lao buổi đầu gây dựng nên bờ cõi đất nước của Vua Hùng và sự trân quý thành quả lao động của người nông dân.

Ông NGUYỄN ĐẮC THỦY
Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ
"Tục lệ này phản ánh một tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất đậm của cư dân xung quanh khu di tích lịch sử Đền Hùng, từ những tín ngưỡng rất phong phú và ý nghĩa như vậy, thì ban tổ chức Giỗ Tổ hàng năm phát động tại các hộ dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tự nguyện tổ chức mâm cơm tri ân nhân ngày Giỗ Tổ".

Dần dần, như một lẽ rất tự nhiên. Cứ đến ngày Giỗ Tổ, nhiều gia đình trên khắp đất nước cũng làm mâm cơm dâng lên bàn thờ tổ tiên. Tập quán từ ngàn đời, nay được nâng lên một tầm cao hơn là thờ cúng tổ tiên chung của dân tộc, biểu thị sự lan tỏa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

GS. TS. NGUYỄN CHÍ BỀN
Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam
“Toàn bộ nghi lễ thờ cúng Hùng Vương thể hiện tấm lòng của con cháu đối với người Thánh Tổ của nhà nước Văn Lang theo như huyền thoại, nên là việc Phú Thọ khởi dựng được cho người dân suy nghĩ đồng lòng làm mâm cơm giỗ Tổ theo tôi rất là có ý nghĩa”.

Ngược dòng lịch sử, những triều đại phong kiến đều rất chú trọng và khuyến khích người dân thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nhà Hậu Lê, Tây Sơn và nhà Nguyễn liên tục sắc phong cho các đền thờ của Vua Hùng tại Phú Thọ. Ngay sau Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc Lệnh quy định những ngày lễ lớn hàng năm. Trong đó có ghi Giỗ tổ Hùng vương ngày 10/3 âm lịch được nghỉ một ngày. Ngày nay, mỗi khi đến ngày Quốc lễ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đến dâng hương, thành kính tri ân công đức Tổ tiên, kế tục truyền thống Uống nước, nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc.

Giáo sư Sử học LÊ VĂN LAN
Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Khu di tích lịch sử đền Hùng
“Chúng ta còn có một văn bản rất quý, rất có giá trị của chính Quang Trung, Nguyễn Huệ đã ban một tờ chiếu, một bản sắc văn về cho làng Hy Cương, dưới chân núi Đền Hùng, dặn dò là phải cẩn thận việc thờ cúng Hùng Vương. Và ông còn đánh giá việc thờ cúng, thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Đền Hùng là làm cho mạch nước được bền vững”.

Sau 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ý thức bảo lưu và phát triển giá trị tín ngưỡng ngày càng khắc sâu trong tâm trí người dân Việt. Lễ hội Đền Hùng là thời khắc để cảm nhận sâu sắc nhất về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, giá trị đoàn kết mà cha ông ta đã để lại. Có lẽ hiếm có một dân tộc nào trên thế giới, tổ tiên chung lại có ý nghĩa lớn lao và tập quán thờ tự được thực hành một cách kính cẩn, trang trọng đến như vậy!

Thực hiện : Thanh Nga Thùy Linh Tùng Dương

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thuc-hanh-tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-o-den-hung-la-lam-cho-mach-nuoc-duoc-ben-vung