Thực hiện '5 quyết tâm, 5 đảm bảo và 5 đẩy mạnh' trong triển khai thực hiện đầu tư công

Ngày 16/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan, đại diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng, dự họp có đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: PON LƯ

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: PON LƯ

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024; kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kiến nghị giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2024. Theo đó, về phân bổ tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 669.264,6 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương là hơn 236.915,7 tỷ đồng (trong đó, vốn trong nước hơn 216.915,7 tỷ đồng, vốn nước ngoài 20.000 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương là gần 432.349 tỷ đồng. Đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639,4 nghìn tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là hơn 29,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương là 8,2 nghìn tỷ đồng của 20/44 bộ, cơ quan Trung ương và 21/63 địa phương, vốn ngân sách địa phương là 21,7 nghìn tỷ đồng của 23/63 địa phương. Về giải ngân ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt trên 29,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 30%.

Tỷ lệ giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đạt trên 78% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt hơn 35%, cao hơn trung bình của cả nước (29,39%), cải thiện đáng kể so 6 tháng đầu năm 2023 (28,23%).

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá tình hình, những mặt tích cực, kết quả đạt được, những mặt chưa được, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, những khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn”…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương 11/44 bộ, cơ quan Trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước; đồng thời phê bình một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm; đường cao tốc, đường liên vùng, đường ven biển; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được đúc kết và phân tích tình hình trong nước thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm chỉ đạo điều hành và đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện với quyết tâm cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng với tinh thần “5 quyết tâm, 5 bảo đảm và 5 đẩy mạnh”.

PON LƯ

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/thoi-su/thuc-hien-5-quyet-tam-5-dam-bao-va-5-day-manh-trong-trien-khai-thuc-hien-dau-tu-cong-74852.html