Trong trường hợp lãi vay Công ty B phải trả có được tính là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN?

Giải đáp vướng mắc về thuế TNDN của Tập đoàn gồm nhiều công ty con là các công ty cổ phần.

Hỏi: Tập đoàn gồm nhiều Công ty con là các công ty cổ phần, chưa có công ty nào niêm yết trên thị trường chứng khoán, một số công ty con có quan hệ giao dịch liên kết, trong giai đoạn khó khăn về nguồn vốn, công ty đã vay ngân hàng theo hình thức như sau:

1. Công ty B là công ty cổ phần cần tiền đầu tư vào một khách sạn nên đã ký hợp đồng Hợp tác kinh doanh với Công ty A, dùng tài sản của bên A thế chấp để vay vốn, chuyển cho bên B, điều kiện bên B phải trả hết toàn bộ phần lãi phát sinh cho ngân hàng trong giao dịch này. Trong trường hợp lãi vay Công ty B phải trả có được tính là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN?

2. Các Công ty A, B, C có mối quan hệ liên kết; Công ty C có tiền dư trong khi Công ty B cần vốn. Công ty A huy động tiền từ C; trả lãi cho C; và cho B vay lại số tiền đó có tính lãi tương ứng. Sự việc điều chuyển vốn giữa các công ty diễn ra thường xuyên trong tháng/năm khi các bên có nhu cầu, Công ty A có được phép thực hiện việc đi vay là cho vay lại như trên? Chi phí tại Công ty B có được ghi nhận là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN?

Trả lời:

Câu 1: Căn cứ Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định:

“Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết

1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;

b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

2. Các bên liên kết tại khoản 1 điều này được quy định cụ thể như sau:

...

d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;

...”

Theo đó: thì quan hệ giữa A & B là quan hệ giao dịch liên kết. Theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2020 nêu trên, chi phí lãi vay vẫn là chi phí hợp lệ và bị giới hạn giao dịch liên liên kết 30% EBITDA.

Câu 2:

- Tại điểm b Khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định

“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT

8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây:

b) Hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng.”

Như vậy việc cho vay giữa hai doanh nghiệp phi tín dụng là hợp pháp nếu việc cho vay đó không diễn ra thường xuyên và không mang tính chất kinh doanh.

-Tại Khoản 3 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định:

“ Điều 7. Quyền của doanh nghiệp

…3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.”

Đây là một trong những quyền của doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp được tự do lựa chọn phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn. Việc phân bổ và sử dụng vốn có thể được thực hiện dưới hình thức cho cá nhân, doanh nghiệp khác vay tiền, hoặc các loại tài sản khác.

PV

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/trong-truong-hop-lai-vay-cong-ty-b-phai-tra-co-duoc-tinh-la-chi-phi-duoc-tru-khi-tinh-thue-tndn-d51366.html