Thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng

Năm 2020, với sự quan tâm lãnh đạo, vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được triển khai đồng bộ, tạo bước chuyển biến cơ bản trên các mặt tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

 Công khai thủ tục hành chính và nâng cao đạo đức, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ là giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng - Ảnh: H.N

Công khai thủ tục hành chính và nâng cao đạo đức, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ là giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng - Ảnh: H.N

Điểm nổi bật là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Nhất là Chỉ thị số 33 - CT/TW, ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản; Chỉ thị số 50 - CT/TW, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Nghị quyết 04 - NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết số 126 - NQ/CP, ngày 29/11/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020…và các chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động, đề án triển khai thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác PCTN tại cơ quan, đơn vị mình theo các quy định, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh. Nhờ vậy, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác PCTN được nâng cao rõ rệt; tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân nắm được các quy định của pháp luật về PCTN, từ đó phát huy tính tích cực trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, các cơ quan, đơn vị đã công khai, minh bạch hoạt động của mình, nhất là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, thi đua - khen thưởng và thực hiện chế độ, chính sách; các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý và sử dụng đất đai. Triển khai hiệu quả việc niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính tại nơi tiếp nhận và trả kết quả cho công dân và trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. Tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 231 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ do UBND tỉnh giao tại các cơ quan, đơn vị, trong đó chú trọng kiểm tra ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…

Đối với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, trong năm 2020, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiến hành 33 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội theo kế hoạch và 4 cuộc đột xuất tại các đơn vị; đã ban hành kết luận thanh tra 25 cuộc, phát hiện sai phạm tại 15 đơn vị với số tiền trên 2,2 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi gần 1,8 tỉ đồng, nhưng chưa xử lý vụ việc tham nhũng nào qua hoạt động thanh tra, kiểm tra. Đối với việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các địa phương, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý theo thẩm quyền 3 đơn, trong đó có 2 đơn tố cáo, 1 đơn phản ánh. Nội dung 2 đơn tố cáo liên quan đến tiêu cực của cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ. Kết quả xử lý có 1 đơn tố cáo đúng, xử lý kỷ luật 1 trường hợp với hình thức giáng chức; 1 đơn mạo danh không giải quyết. Về công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng, đang tiến hành điều tra 2 vụ theo quyết định các khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Cụ thể là vụ án “Lạm quyền trong thi hành công vụ” xảy ra ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong và vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Thương mại Thạch Hãn…

Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, toàn diện trên các mặt. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương đều quán triệt và chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác PCTN. Nội dung về công tác PCTN đã được triển khai thực hiện đồng bộ và tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện gắn với đó là tích cực chỉ đạo, thực hiện công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân về tiêu cực, tham nhũng và phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc. Nổi lên là thiếu tính hệ thống, sự gắn kết, phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện một số nội dung của công tác PCTN; công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về PCTN ở một số cơ quan, đơn vị chưa đạt yêu cầu; khả năng tự phát hiện tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa cao.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác PCTN, thời gian tới cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Tập trung cho việc tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh về công tác này. Coi trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và ý thức, trách nhiệm công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo tính công khai, minh bạch các thủ tục hành chính. Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ trong việc chấp hành các quy định về PCTN và thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác PCTN. Giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo và phản ánh liên quan đến tham nhũng; xử lý nghiêm minh các cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật về PCTN.

Anh Quân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=154558