Thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách

Thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg là một trong tám nhiệm vụ trọng tâm về cải cách thể chế năm 2024.

Nhận thức về công tác xây dựng pháp luật được nâng lên

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa họp Phiên thứ 7, đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm qua và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Trong đó, về cải cách thể chế, Bộ Tư pháp cho biết, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng hoàn thiện và phát triển, cơ bản đầy đủ, cân đối trên mọi lĩnh vực. Từ 1/7/2016 đến 31/7/2023, các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề nghị xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 78 luật, 59 nghị quyết của Quốc hội, 30 pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hơn 900 nghị định, 267 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật được đề cao. Tính công khai, minh bạch của các quy định trong hệ thống pháp luật cùng với việc phát huy dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật được bảo đảm tốt hơn. Kỹ thuật lập pháp đã có những bước cải tiến rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng của các luật, pháp lệnh, nghị quyết. Nhận thức của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, nhân dân về pháp luật và công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được nâng lên…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cải cách thể chế vẫn nặng nề về giải pháp tình thế, do đó, thường bị động trước yêu cầu phát triển nhanh của đời sống xã hội. Rất nhiều vấn đề do cuộc sống đặt ra chưa được giải quyết tốt ngay mà chỉ đến khi trở nên gay gắt mới giải quyết, gây tổn thất và lãng phí.

Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tuyên truyền pháp luật về giao thông cho học sinh.

Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tuyên truyền pháp luật về giao thông cho học sinh.

Đồng thời, trong hệ thống pháp luật còn một số quy định được hiểu, áp dụng chưa thống nhất. Một số văn bản còn chưa bảo đảm tính dự báo nên tần suất sửa đổi, bổ sung còn nhiều; việc cho phép một luật sửa nhiều luật tuy tiết kiệm về thời gian, đơn giản về thủ tục, quy trình, nhưng dẫn đến khó khăn cho việc theo dõi, giám sát và thi hành.

Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Trong nhiều trường hợp, hệ thống pháp luật bộc lộ sự hạn chế khi không theo kịp sự phát triển, vận động của tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh…

8 nhiệm vụ trọng tâm

Vì vậy, trong thời gian tới, công tác cải cách thể chế đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, bám sát mục tiêu và 5 quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 27- NQ/TW, bảo đảm xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội…

Thứ hai, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, không để phát sinh thủ tục, quy định kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Quy định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách, phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật…

Thứ tư, đa dạng hóa nguồn pháp luật, đề cao và coi trọng đạo luật, đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình văn bản quy phạm pháp luật. Xác định đúng, rõ các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng hình thức pháp lệnh; luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp; khắc phục tình trạng luật thiếu tính ổn định, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham những, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm tốt hơn tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật ngay trong chính hoạt động xây dựng pháp luật.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tổ chức bộ máy, chế độ công vụ đầy đủ, đồng bộ trên cơ sở Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp.

Thứ bảy, tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thể chế về phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, các yếu tố thị trường và các loại thị trường, bảo đảm mọi người dân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật.

Thứ tám, thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách và Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thuc-hien-hieu-qua-cong-tac-truyen-thong-chinh-sach-166340.html