Thực hiện loạt nghị quyết chuyên đề ở huyện Lạc Sơn - Tạo đột phá từ thách thức: Bài 4 - Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạc Sơn đã ban hành 9 nghị quyết chuyên đề, trong đó có 6 nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực kinh tế, 1 nghị quyết về công tác cán bộ và 2 nghị quyết về lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Được biết, huyện nằm trong số ít địa phương trong tỉnh xây dựng loạt nghị quyết chuyên đề nhằm tăng cường lãnh đạo các mặt công tác.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạc Sơn đã ban hành 9 nghị quyết chuyên đề, trong đó có 6 nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực kinh tế, 1 nghị quyết về công tác cán bộ và 2 nghị quyết về lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Được biết, huyện nằm trong số ít địa phương trong tỉnh xây dựng loạt nghị quyết chuyên đề nhằm tăng cường lãnh đạo các mặt công tác.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Lạc Sơn được chăm lo, tạo điều kiện học tập trong môi trường giáo dục tốt.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Lạc Sơn được chăm lo, tạo điều kiện học tập trong môi trường giáo dục tốt.

Những khó khăn từ thực tiễn được giải quyết kịp thời

Trước khi ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 18/7/2022 về nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, chất lượng giáo dục toàn diện của huyện đứng tốp cuối của tỉnh. Chất lượng và tỷ lệ học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh chưa cao. Việc duy trì trường đạt chuẩn quốc gia chưa thực hiện theo kế hoạch, quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém. Bên cạnh chỉ rõ nguyên nhân hạn chế, bất cập, các nghị quyết chuyên đề đưa ra những giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu.

Theo đó, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền từ huyện đến cơ sở về đổi mới GD&ĐT được tăng cường. Các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được tập trung thực hiện có hiệu quả để phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng GD&ĐT. Công tác quản lý, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục có nhiều đổi mới; hệ thống giáo dục tiếp tục được đầu tư xây dựng; công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh…

Chuyển biến tích cực của ngành GD&ĐT huyện sau khi triển khai các giải pháp và tổ chức thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành thể hiện: chất lượng giáo dục đại trà các cấp học được nâng lên, đảm bảo chuẩn đầu ra ở mỗi cấp học; chất lượng giáo dục thường xuyên của huyện hàng năm duy trì vững chắc; 24/24 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Chất lượng giáo dục mũi nhọn từ năm học 2021 - 2022 đến nay luôn xếp thứ nhất đến thứ 5 toàn tỉnh. Huyện đã xây dựng 1 trường học trọng điểm về chất lượng giáo dục. Tỷ lệ học sinh THPT trúng tuyển vào các trường chuyên nghiệp năm sau cao hơn năm trước, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Đồng chí Bùi Văn Kía, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đánh giá: Các nghị quyết chuyên đề đi vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, giúp giải quyết hiệu quả, kịp thời những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong thực tiễn. Từ đó, vai trò, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy được nâng lên. Song song với thực hiện nghị quyết chuyên đề, công tác tổ chức cán bộ, quy hoạch cán bộ cấp huyện và cấp cơ sở được thực hiện tốt. Việc đào tạo, bồi dưỡng và các chính sách đối với cán bộ được quan tâm.

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, huyện thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt thông tin các nhà đầu tư, doanh nghiệp, giải quyết và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Trong năm 2024 có thêm 8 hợp tác xã, 29 doanh nghiệp thành lập mới. Các nhiệm vụ văn hóa - xã hội được coi trọng. Hàng năm giải quyết việc làm cho trên 2.600 lao động, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 10,47%, bình quân thu nhập đầu người năm 2024 đạt 65 triệu đồng…

Để mỗi nghị quyết chuyên đề là một điểm nhấn thành công

Đảng bộ huyện Lạc Sơn xác định: Các nghị quyết chuyên đề không chỉ giúp cấp ủy giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt, mà còn tạo tiền đề quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững.

Nếu như trước đây, có những nhiệm vụ, công việc "mặc định” để chính quyền lo thì nay được "tiếp sức” thông qua xây dựng nghị quyết chuyên đề nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, sắc nét hơn trong thực hiện các nhiệm vụ, góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Đồng chí Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện ủy khẳng định: Loạt nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng; phát triển du lịch; phát triển đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút đầu tư; dồn điền, đổi thửa và phát triển sản phẩm OCOP; công tác cán bộ; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD&ĐT được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng định hướng và thực sự đi vào cuộc sống.

Thực tiễn triển khai các nghị quyết chuyên đề cũng giúp địa phương phát hiện những vấn đề hạn chế, tồn tại, đúc rút bài học kinh nghiệm như: việc sử dụng tài nguyên đất còn lãng phí, nhất là ở các dự án thuộc lĩnh vực trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái, chăn nuôi; một số dự án về lĩnh vực nông, lâm nghiệp khi triển khai không phù hợp điều kiện thực tế; một số công trình thuộc lĩnh vực kết cấu cơ sở hạ tầng chưa quy hoạch đồng bộ, tiến độ chậm; kết quả hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng dự án đã triển khai, đi vào khai thác còn ít…

Để tạo ra các điểm nhấn thành công trên từng lĩnh vực khó, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, Đảng bộ huyện Lạc Sơn đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tăng cường vận động thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, công tác quy hoạch. Đẩy mạnh quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư cho các dự án có nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân, dự án trọng điểm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư; quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp đang thực hiện dự án trên địa bàn sớm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng GD&ĐT, đào tạo nghề. Ưu tiên thực hiện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và có các giải pháp đồng bộ về cải cách hành chính…

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/201077/thuc-hien-loat-nghi-quyet-chuyen-de-o-huyen-lac-son-tao-dot-pha-tu-thach-thuc-bai-4-nang-cao-vai-tro,-nang-luc-lanh-dao,-chi-dao-cua-cap-uy.htm