Thực hiện nếp sống văn minh trong đồng bào dân tộc Tày
Thời gian qua, tình hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Lâm Bình nói chung và đồng bào dân tộc Tày nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Ý thức của người dân về xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng được nâng cao.
Với 88 hộ, 447 nhân khẩu, 100% số hộ là đồng bào dân tộc Tày, thôn Pu, xã Bình An nhiều năm nay không có tình trạng tảo hôn, 100% trẻ đến độ tuổi được đến trường; việc cưới, việc tang đều được thực hiện theo nếp sống mới. Ông Ma Công Suy, Trưởng thôn Pu cho biết, trước đây, nhà nào có việc cưới hoặc tang đều rất tốn kém. Trong đám cưới chỉ tính việc trả lễ, lại mặt họ hàng cũng mất khoảng 5 - 7 con lợn to, chưa kể việc thách cưới đưa cho nhà gái và cỗ bàn ăn uống 4 - 5 ngày. Nhiều gia đình sau khi nhà có việc cưới, việc tang xong phải trả nợ gần chục năm không hết. Từ ngày thực hiện nếp sống văn hóa và được tuyên truyền về việc thực hiện văn minh trong việc cưới việc tang, đồng bào đã hiểu và bỏ dần các thủ tục lạc hậu, tệ thách cưới đã không còn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lăng Can nói, xã có trên 98% số hộ là dân tộc Tày. Trong những năm qua thực hiện xây dựng đời sống văn hóa và Quy ước nếp sống văn hóa dân tộc Tày, trong đám cưới, đám ma của đồng bào đã có nhiều đổi mới theo hướng tích cực như: Làm ma khô đã dần chuyển sang làm ma tươi, thời gian làm ma đã cắt giảm (trước 2 ngày 3 đêm, nay chuyển sang 2 ngày 1 đêm); lễ vật không còn phải làm thủ tục Lùng Ta như trước (trước kia khi bố mẹ chồng qua đời, con dâu phải về mời anh em, họ hàng, hàng xóm bên ngoại góp tiền sang làm lễ Lùng Ta thì bây giờ đã cắt bỏ hủ tục này). Còn trong đám cưới người dân tộc Tày nơi đây đã giảm bớt thủ tục, nếu như những năm trước đây để cưới được vợ cho con thì gia đình bên nhà trai phải đi lại bên nhà gái 5 - 6 lần để làm các thủ tục thì nay cắt giảm chỉ còn sang dạm ngõ, định ngày rồi cưới.
Về lễ hội, đối với lễ hội truyền thống “Lễ hội Lồng tồng” của người Tày huyện Lâm Bình được tổ chức hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng, lễ hội được tổ chức lành mạnh, tiết kiệm để bà con vui xuân và cầu an, cầu cho mùa màng bội thu. Đây là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào và là lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Tày nơi đây. Vài năm trở lại đây, lễ hội được tổ chức với quy mô cấp huyện, nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng cao, nhất là đồng bào dân tộc Tày. Qua đó, giáo dục về truyền thống văn hóa tinh thần của cha ông truyền lại và cũng là dịp để tôn vinh, quảng bá về văn hóa, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
Theo đồng chí Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lâm Bình, những năm qua trong đám cưới, đám ma và lễ hội của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn được diễn ra đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc, với hoàn cảnh của hai gia đình. Các thủ tục dạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu được tổ chức theo phong tục, tập quán; không phô trương hình thức, rườm rà; không nặng về đòi hỏi lễ vật; trang phục cô dâu, chú rể đẹp và lịch sự, không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.