Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ: Ngân hàng chính sách triển khai - Ngân hàng thương mại chờ hướng dẫn

Dù nghị quyết đã được ban hành cách đây hơn 4 tháng nhưng thông tư, hướng dẫn giữa các bộ, ngành chưa hoàn thiện nên hiện mới có ngân hàng chính sách đã triển khai hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, còn hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn đang chờ hướng dẫn.

Tín dụng chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế

Để nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại sau đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 (Nghị quyết số 11) với nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo tinh thần nghị quyết, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được giao làm “mũi chủ công” trong triển khai thực hiện với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi giúp cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trên 33,5 tỷ đồng đến tay người thụ hưởng

Mở rộng sản xuất, kinh doanh, sửa chữa hoặc xây mới nhà ở, hay đơn giản chỉ là mua máy vi tính cho con học online… là những nhu cầu chính đáng. Song không phải ai cũng có thể thực hiện được, nhất là dịch Covid-19 ảnh hưởng một thời gian dài đã tác động đến sinh kế người dân. Anh Nguyễn Viết Tâm ở xã Tam Thanh (Phú Quý) có 3 chiếc xe kinh doanh vận tải đưa đón khách du lịch ở huyện đảo Phú Quý. Khác với đất liền nghề vận tải hành khách ở đảo Phú Quý chỉ “được mùa” khoảng thời gian 6 tháng đầu của năm lúc con sóng êm. Sau gần 2 năm qua làm ăn thua lỗ, khó khăn do dịch bệnh hiện nay công việc đang dần trở lại bình thường khi lượng khách du lịch đến đảo ngày mỗi đông, nhất là từ tháng 4 đến nay nên lúc nào anh Tâm cũng bận rộn. “Nhờ kết nối từ trước với các tour du lịch thành phố Hồ Chí Minh tôi đón khách ngay khi họ xuống tàu và đưa đến các điểm tham quan du lịch trong huyện. Cứ đến cuối tuần là đông khách nhất, nên tôi có ý định đầu tư số tiền thay đổi phương tiện vận chuyển khách, rất may tôi được tiếp cận gói vay tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Với số tiền vay 100 triệu đồng được hưởng lãi suất ưu đãi rất thấp giúp tôi yên tâm mở rộng hoạt động kinh doanh vận tải”, anh Tâm chia sẻ.

Anh Nguyễn Viết Tâm phấn khởi thụ hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ.

Anh Nguyễn Viết Tâm phấn khởi thụ hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ.

Cũng như một số ngành nghề khác, trường mầm non tư thục thời gian qua lâm vào kiệt quệ, khó khăn chồng chất do tác động của dịch Covid-19. Bà Lê Thị Quế Anh – Chủ cơ sở mầm non Ngôi sao nhỏ ở xã Nam Chính (Đức Linh) nhớ lại: Nhận thông báo cho học sinh mầm non nghỉ học thời gian dài tôi đã cắn chặt môi bởi hàng loạt chi phí khác phải gồng gánh, từ trả lãi ngân hàng, trả lương cho giáo viên, nhân viên... Trường công được nhà nước hỗ trợ nên giáo viên vẫn hưởng lương, trong khi trường mầm non tư thục không có nguồn. Cũng khoảng thời gian ấy, nhiều giáo viên ở các cơ sở mầm non phải gồng gánh mưu sinh bằng nhiều nghề như bán hàng online, có cô đã chuyển nghề đi làm công nhân hiện nay họ đã không quay lại với nghề.

Ảnh hưởng dịch Covid-19 trường mầm non tư thục là đơn vị đóng cửa sớm nhưng mở cửa trở lại muộn hơn so với các bậc học khác bởi lứa tuổi trẻ còn nhỏ, chưa tiêm vắc xin và tâm lý e ngại dịch bệnh của phụ huynh. Nghị quyết số 11 có gói vay ưu đãi 1.400 tỷ đồng cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn phục hồi, ổn định hoạt động trở lại có ý nghĩa rất thiết thực. “Cơ sở rất vui khi được xét duyệt vay số tiền 80 triệu đồng, số tiền này để sửa sang lại cơ sở vật chất sơn tường, làm lại hàng rào và mua sắm một số thiết bị dạy học”, bà Lê Thị Quế Anh cho biết thêm.

Phòng giao dịch NHCSXH Đức Linh giải ngân cho Trường mầm non tư thục vay vốn

Phòng giao dịch NHCSXH Đức Linh giải ngân cho Trường mầm non tư thục vay vốn

Giải ngân ngay khi được bố trí vốn

Triển khai các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11, trên cơ sở kế hoạch vốn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và đề xuất nhu cầu vốn của các sở, ngành có liên quan, UBND tỉnh phê duyệt trình Trung ương kế hoạch nhu cầu vốn 5 chương trình tín dụng giai đoạn 2022-2023 là 979 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 531,6 tỷ đồng và năm 2023 là 447,4 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã được Trung ương giao vốn 5/5 chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ với số vốn được giao trong năm 2022 là 171,6 tỷ đồng; trong đó 4 chương trình được giao 100% theo kế hoạch tỉnh xây dựng, riêng chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được giao 40 tỷ đồng/kế hoạch xây dựng là 400 tỷ đồng.

Bà Võ Thị Minh Thảo – Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh cho biết, thực hiện chỉ tiêu được giao, chi nhánh NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã phối hợp các đơn vị có liên quan, UBND cấp xã giải ngân ngay sau khi NHCSXH Trung ương huy động được nguồn vốn. Từ ngày 27/4/2022 đến nay, toàn tỉnh đã cho vay 4 chương trình với số tiền giải ngân trên 33,5 tỷ đồng/702 món vay, hoàn thành 25,1% chỉ tiêu được giao. Trong đó, cho vay chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 593 món/30,9 tỷ đồng. Giải ngân cho 8 khách hàng vay nhà ở xã hội với số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Giải ngân 1,24 tỷ đồng/100 hộ gia đình để mua máy tính cho 124 học sinh, sinh viên và 240 triệu đồng cho 3 cơ sở giáo dục mầm non vay để sửa chữa phòng học và mua sắm trang thiết bị dạy học.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 - 2025 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai cho vay ngay, sau khi có hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành có liên quan.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thuc-hien-nghi-quyet-11-cua-chinh-phu-ngan-hang-chinh-sach-trien-khai-ngan-hang-thuong-mai-cho-huong-dan-97810.html