Thực hiện Nghị quyết số 43: 'Giảm thuế VAT đồng loạt xuống 8% sẽ tốt hơn'
Chính sách giảm thuế VAT gặp một số trở ngại khi phân loại hàng hóa 8% hay 10%, nên đại biểu có ý kiến giảm thuế VAT đồng loạt xuống mức 8% sẽ tốt hơn cho DN.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 25/5, các đại biểu thảo luận ở hội trường về báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề đã chỉ ra, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án thuộc Nghị quyết số 43 không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023. Trong đó, một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các NHTM đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch)…
Đại biểu đề nghị kéo dài thời gian giảm thuế VAT
Quan tâm tới chính sách tài khóa, trong đó có việc giảm thuế VAT 2% cho DN, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, thực tế có những ngành áp dụng thực hiện việc giảm thuế VAT là phù hợp, nhưng có những ngành chưa chắc đã cần phải giảm thuế VAT 2% vì việc giảm này chỉ là giảm gián thu của DN.
“Hiện nay hầu hết các DN đã trở lại hoạt động bình thường, nhưng riêng khu vực tư còn nhiều khó khăn, cho nên hỗ trợ DN khu vực tư bằng các cơ chế chính sách để DN bớt khó khăn sẽ hiệu quả hơn việc giảm thuế VAT 2%. Ngoài ra, hiện nay NSNN cũng đang bị thất thu, do đó đề nghị Quốc hội hết sức cân nhắc việc gia hạn giảm thuế VAT 2% để đảm bảo cân đối tài chính công”, đại biểu Huân nêu ý kiến.
Cùng có ý kiến về vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nêu thực tế, chính sách giảm thuế VAT 2% cho DN đã phát huy hiệu quả cao do biện pháp này dựa trên các thủ tục thuế sẵn có. Nhưng việc giảm thuế VAT cũng đã gặp một số trở ngại khi phân loại hàng hóa nào quy định thuế VAT 8%, và loại hàng hóa nào là 10%. Nếu được quy định lại, đại biểu cho rằng gói giảm thuế VAT nên giảm đồng loạt xuống 8% sẽ tốt hơn.
Ngoài chính sách giảm thuế VAT 2%, đại biểu cũng đánh giá cao việc Chính phủ linh hoạt trong công tác điều hành, khi đưa ra các giải pháp khác để ứng phó với tình hình, như việc giảm thuế xăng dầu được đánh giá là giải pháp vô cùng thiết thực khi giá nguyên liệu toàn cầu tăng, giúp cho quá trình phục hồi kinh tế diễn ra thuận lợi hơn.
“Giải pháp gia hạn nộp thuế đến cuối năm cũng rất thiết thực, vì DN như được vay một khoản ngắn hạn với lãi suất 0%, điều này có tác dụng rất lớn đối với DN khi lãi suất tăng cao và thủ tục vay ngân hàng khó khăn. Chính sách tài khóa với việc miễn, giảm, giãn thuế đã phát huy hiệu quả cao, trong khi các khoản chi từ ngân sách như đầu tư công, hỗ trợ lãi suất tác dụng lại kém hơn”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đánh giá.
Chính vì thế về lâu dài, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cần tiến tới sử dụng công cụ lãi suất điều hành tín dụng hơn là công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng). Vấn đề này mặc dù NHNN báo cáo Chính phủ chưa thể bỏ công cụ room tín dụng, nhưng đề nghị sớm có tổng kết đánh giá chính sách và tiến tới luật hóa đối với vấn đề room tín dụng.
“Nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế ở mức lớn hơn và cần tập trung vào một số ngành cụ thể. Đối với chính sách giảm nộp thuế đến cuối năm 2024, nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm vài tháng sang năm 2025, đây là thời điểm “giáp hạt” đối với DN”, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng.
Khó xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất
Liên quan đến chủ trương và cơ chế ban hành chính sách, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) đề nghị, Chính phủ khi ban hành chính sách cần đảm bảo tính rõ ràng, tính khả thi tránh sự chống chéo dẫn đến việc nhiều Bộ, ngành và địa phương phải tổ chức xin ý kiến hoặc thêm chi phí và thời gian không cần thiết cho DN.
Đại biểu đơn cử, hiện nay vẫn còn những cách hiểu tương đối thận trọng với Nghị định số 31/2022NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ, về gói hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh dẫn đến việc triển khai rất chậm. Cụ thể như trong quá trình xác nhận đối tượng được hỗ trợ lãi suất là khách hàng sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, rất khó khăn trong việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh vốn vay sẽ được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất.
“Về nguyên tắc hỗ trợ lãi suất, quy định khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của NHTM còn chung chung, mang tính chất chủ quan từ phía thẩm định của ngân hàng. Nên cần đánh giá kỹ trong công tác dự báo, đánh giá cũng như có đề xuất cụ thể trong việc tổ chức thực hiện, triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất cho DN”, đại biểu Bế Minh Đức phản ánh.