Thực hiện phương châm '3 đủ' phòng, chống đói, rét cho gia súc

BHG - Những ngày này, do không khí lạnh tăng cường, xảy ra tình trạng rét đậm, rét hại, nhiều nơi vùng cao, biên giới tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ đã xuất hiện băng giá và sương muối dày đặc trên diện rộng. Trước tình hình trên, các địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống đói, rét cho đàn đại gia súc, phương châm đủ ấm, đủ no, đủ thuốc phòng dịch là những ưu tiên hàng đầu.

Cán bộ xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) hướng dẫn hộ ông Già Mí Nô, thôn Tìa Chí Đơ chăm sóc vật nuôi trong điều kiện giá rét. Ảnh: Minh Đức (Mèo Vạc)

Cán bộ xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) hướng dẫn hộ ông Già Mí Nô, thôn Tìa Chí Đơ chăm sóc vật nuôi trong điều kiện giá rét. Ảnh: Minh Đức (Mèo Vạc)

Huyện Mèo Vạc có tổng số hơn 96.000 con gia súc; trong đó, đàn trâu, bò trên 32.000 con. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ dưới 5 độ C, vào ban đêm nhiệt độ xuống thấp dưới -2 độ C, một số nơi trên địa bàn huyện, đặc biệt là 2 xã biên giới Xín Cái, Thượng Phùng băng tuyết đã bao phủ. Để bảo vệ vật nuôi, huyện tập trung cử cán bộ trực tiếp xuống các xã, thôn, bản hướng dẫn nhân dân thực hiện công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, tuyệt đối không thả rông trâu, bò. Ngoài nguồn thức ăn dự trữ đạt gần 200 tấn, bà con còn tích trữ thêm rơm, rạ, đảm bảo đủ lượng thức ăn cho đàn trâu, bò, chưa để xảy ra thiệt hại trong chăn nuôi.

Ông Già Mí Nô, thôn Tìa Chí Đơ, xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) cho biết: “Rút kinh nghiệm của các đợt rét đậm, rét hại những năm trước, thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động của xã, tôi đã mua bạt và sử dụng các vật liệu khác để che chắn chuồng trại. Đồng thời, tận dụng nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, nguồn cỏ sẵn có để chế biến, dự trữ thức ăn tinh phục vụ đàn bò. Trước Tết nhà tôi vừa bán 2 con bò, thu được 40 triệu đồng, sau đợt rét này tôi dự tính sẽ mua thêm bò về nuôi. Đàn bò chính là cơ nghiệp để phát triển kinh tế của gia đình nên tôi luôn chú ý theo dõi, giữ ấm và tiêm đầy đủ vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho gia súc”.

Cùng với huyện Mèo Vạc, các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã, thị trấn quyết liệt trong công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Theo ghi nhận, tại các thôn Chín Chu Lìn, Vàng Chá Phìn và các điểm cao thuộc mốc biên giới 291, 291/2, 294, 296 của xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ) cũng đã xuất hiện băng giá. Toàn xã có trên 1.100 con trâu, bò. Với nền nhiệt độ xuống rất thấp, dưới 3 độ C, cấp ủy, chính quyền xã đã khẩn trương kiểm tra, nắm bắt thực tế ở cơ sở, vận động người dân kiên cố chuồng trại được trên 80% và tiến hành sưởi ấm cho đàn gia súc. Anh Vùi Xuân Trang, thôn Chín Chu Lìn cho hay: “Từ đầu mùa Đông, tôi đã sửa lại chuồng trại và chuẩn bị sẵn thức ăn thô xanh cho đàn bò. Nhờ việc tuân thủ các biện pháp chống đói, rét, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đàn bò của gia đình vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 106.553 hộ chăn nuôi trâu, bò, với tổng đàn đạt 277.770 con. Qua rà soát, có 81% số hộ làm chuồng trại kiên cố; thức ăn tinh dự trữ khoảng 17.826 tấn; thức ăn thô xanh dự trữ 277.184 tấn; thức ăn qua chế biến khoảng 19.276 tấn; diện tích trồng cỏ đạt 28.460 ha. Với sự chủ động, sát sao của các cấp, ngành chuyên môn, ý thức bảo vệ đàn vật nuôi của người dân được nâng lên, có đến 99% số hộ chăn nuôi đã ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho trâu, bò. Việc chuẩn bị tốt các điều kiện ứng phó với tình trạng thời tiết cực đoan không chỉ góp phần bảo vệ tài sản lớn của bà con mà còn đóng vai trò quan trọng để phát triển chăn nuôi bền vững, đem lại thu nhập và đời sống ổn định cho người dân - đồng chí Trinh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định..

MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202202/thuc-hien-phuong-cham-3-du-phong-chong-doi-ret-cho-gia-suc-1c82078/