THỰC HIỆN QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA: VĂN HÓA SẼ GÓP PHẦN PHÁT HUY LỢI THẾ CỦA VÙNG, MIỀN

Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Trên cơ sở Quy hoạch này, các quy hoạch vùng, tỉnh, ngành mới được triển khai, tạo thành hệ thống đồng bộ, bảo đảm cho sự phát triển chung, thống nhất của cả nước. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội hy vọng rằng, khi thực hiện quy hoạch đặc biệt quan trọng này, giá trị văn hóa sẽ góp phần phát huy tối đa lợi thế của vùng, miền, để văn hóa trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển bền vững đất nước.

ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM – NỀN MÓNG XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA MỚI – DÂN TỘC, KHOA HỌC, ĐẠI CHÚNG

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: TẾT NGUYÊN ĐÁN - NHỮNG GIÁ TRỊ MANG ĐẬM CỐT CÁCH, VĂN HÓA, TINH THẦN VIỆT

Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước

Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước

Theo Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phát triển kinh tế đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030; trong đó, vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8 - 8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm.

Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; trong đó, vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 14.500 USD, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 10.500 USD. Tỷ trọng GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/ năm. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%. Trong các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về xã hội đến năm 2030, với lĩnh vực văn hóa sẽ là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước…

Về định hướng phát triển hạ tầng xã hội cấp quốc gia, Quy hoạch xác định, ưu tiên đầu tư các cơ sở hạ tầng xã hội chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, các vùng động lực. Quan tâm xây dựng hạ tầng xã hội tại các địa bàn khó khăn, bảo đảm hài hòa, cân đối giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội. Hình thành mạng lưới an sinh xã hội đồng bộ, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Trong 7 định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia, Quy hoạch nêu rõ, phát triển văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội; phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân và gắn với việc hình thành, phát triển các không gian văn hóa của đất nước. Xây dựng các cơ sở văn hóa quốc gia trở thành những thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước.

Xây dựng, nâng cấp các bảo tàng quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại. Cải tạo, nâng cấp các thư viện cấp quốc gia, thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học… Xây dựng, nâng cấp các cơ sở nghệ thuật biểu diễn quốc gia tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế. Đầu tư phát triển, tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hóa, nhất là các di sản được UNESCO công nhận. Hình thành kinh tế thể thao chuyên nghiệp; phát triển mạng lưới cơ sở thể dục thể thao quốc gia đồng bộ, hiện đại, có một số công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, về định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Ủy ban Kinh tế cho rằng, định hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao cần dựa trên chủ trương của Đảng và có hướng tiếp cận mới, tư duy mới, vừa phù hợp với điều kiện của Việt Nam, vừa đáp ứng xu thế chung của quốc tế. Trong đó, đối với lĩnh vực thể thao, cần quan tâm đến việc phát triển và tạo không gian phát triển kinh tế thể thao, xã hội hóa lĩnh vực thể thao để giảm bớt việc sử dụng ngân sách nhà nước, trên cơ sở đó nghiên cứu, hoàn thiện định hướng phát triển mạng lưới thể thao cơ sở, nhất là nội dung liên quan đến phát triển mạng lưới Khu liên hợp thể thao quốc gia, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia với việc phát huy hiệu quả trong thực tế. Ngoài ra, đề nghị cân nhắc bổ sung thêm các chỉ tiêu cơ bản cụ thể cho phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng vùng, từng khu vực.

Đối với lĩnh vực văn hóa, cần làm rõ định hướng xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là những giải pháp tích cực nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam có tiềm năng lớn như thủ công truyền thống, du lịch di sản; phát huy vai trò ngày một lớn của các doanh nghiệp văn hóa ngoài công lập… trên cơ sở đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng, tính hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu xã hội gắn với đặc điểm của từng vùng miền trong bối cảnh có sự thay đổi về nhu cầu thụ hưởng văn hóa và bối cảnh hội nhập về văn hóa; bổ sung các nội dung về đầu tư, nâng cấp xây dựng không gian văn hóa. Mặt khác, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa phải gắn với du lịch tại các trung tâm du lịch và các điểm đến du lịch quốc gia.

Đánh giá về Quy hoạch tổng thể quốc gia, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, điều đáng mừng là Quy hoạch đã có sự quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Như chúng ta biết, các thiết chế văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển văn hóa. Nếu có những thiết chế văn hóa đủ tầm như các bảo tàng, nhà hát, thư viện hay triển lãm, chúng ta sẽ có cơ sở để tổ chức các sự kiện xứng tầm với sự phát triển của đất nước. Điều tích cực là chúng ta đã đưa được những thông điệp đó vào Quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng quan trọng là sẽ triển khai như thế nào? Tuy nhiên, vì văn hóa là sự kết tinh các giá trị theo thời gian, sự kết tinh này cũng được phân vùng, theo khu vực nên chúng ta cần có những lưu ý khác liên quan đến Quy hoạch tổng thể quốc gia trong lĩnh vực văn hóa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, các nhà nghiên cứu vẫn nói nhiều đến việc chúng ta có nhiều vùng văn hóa khác nhau, mỗi vùng có đặc trưng, giá trị và đặc điểm riêng. Những đặc điểm riêng về văn hóa này cũng có thể ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể của quốc gia. Như chúng ta thấy rằng khu vực phía Bắc Bộ có những vùng văn hóa tiêu biểu như Rối nước hay Chèo và các khu vực sinh hoạt văn hóa khác nhau. Vậy thì những sinh hoạt khác nhau về văn hóa này sẽ được thể hiện như nào trong Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đó là điều đáng lưu ý.

Do văn hóa là lĩnh vực vừa có tính bao trùm, vừa liên quan trực tiếp và gián tiếp đến tất cả các lĩnh vực của xã hội nên khi xem xét bất kỳ một quy hoạch nào cũng cần tính toán đến yếu tố văn hóa. Ví dụ, khi kinh tế được tính toán dựa vào văn hóa, kinh tế sẽ khai thác được những giá trị của văn hóa để tạo ra tính độc đáo của sản phẩm và lợi thế cạnh tranh.

Văn hóa có tính phân vùng rất rõ rệt. Sáu vùng văn hóa ở Việt Nam gồm: Vùng văn hóa Tây Bắc, Vùng văn hóa Việt Bắc, Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ, Vùng văn hóa Trung Bộ, Vùng văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên, Vùng văn hóa Nam Bộ. Mỗi vùng văn hóa đều có những đặc điểm riêng mà nếu chúng ta biết cách khai thác sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển chung của đất nước. Ví dụ, vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ với đặc trưng của chèo, rối nước, hệ thống đình, chùa, lễ hội truyền thống có thể là chất liệu tuyệt vời cho du lịch di sản. Trong khi đó, vùng văn hóa Tây Bắc, với sự đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, phong cảnh núi non hùng vỹ, có thể là nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng. Tương tự như vậy là đặc điểm hấp dẫn riêng của các vùng văn hóa khác. Các vùng văn hóa cũng là cơ sở để xây dựng các thiết chế văn hóa cấp vùng để thể hiện bản sắc của cả vùng. Tránh tình trạng tỉnh nào cũng có một thiết chế văn hóa giống hệt nhau, vừa tạo nhàm chán, vừa không tạo được điểm nhấn, vừa gây lãng phí nguồn lực...

PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao quan điểm phát triển trong Quy hoạch, trong đó ở quan điểm thứ hai có “phát huy tối đa lợi thế của vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, hay quan điểm thứ tư “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Đây là những quan điểm thực sự xuất phát từ văn hóa và gắn bó với sự phát triển văn hóa.

Tuy nhiên, trong các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ sự hẫng hụt cảm xúc khi chỉ tiêu về văn hóa được xếp ở mục b) xã hội và không có bất kỳ một chỉ tiêu nào mang tính định lượng (như vốn mặc định cứ văn hóa thì là định tính): “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các đời sống xã hội. Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước”.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nếu so với các lĩnh vực khác có những chỉ tiêu rất cụ thể để từ đó có thể dễ đánh giá khi thực hiện quy hoạch như y tế “Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%” hay giáo dục “Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân. Có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất trên thế giới...”, thì rõ ràng việc không có chỉ tiêu định lượng khiến lĩnh vực văn hóa khó được quan tâm cụ thể, khó có thể huy động nguồn lực đối với những dự án, công trình quan trọng, tạo dấu ấn cho sự phát triển văn hóa quốc gia.

Thực ra, văn hóa là lĩnh vực thuộc đời sống tinh thần nên việc định lượng gặp nhiều khó khăn, nhưng không có nghĩa là không thể định lượng được, đặc biệt là trong một quy hoạch quan trọng.

Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, ở đó, nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được đặt ra, có thể trở thành dữ liệu cho bản quy hoạch tổng thể quốc gia. Những kế hoạch như xây dựng Nhà hát Nghệ thuật quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hay chỉ tiêu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ ba loại hình thiết chế văn hóa gồm: Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, xã có trung tâm văn hóa... chính là những dự liệu cụ thể hoàn toàn có thể đưa vào quy hoạch tổng thể quốc gia để làm căn cứ cho sự đánh giá sau này.

Để văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, việc đặt yếu tố văn hóa vào trong quy hoạch tổng thể quốc gia là hết sức cần thiết. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội hy vọng rằng, khi thực hiện quy hoạch đặc biệt quan trọng này, giá trị văn hóa sẽ góp phần phát huy tối đa lợi thế của vùng, miền, để văn hóa trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển bền vững đất nước./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=72832