Thực hiện thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính: Còn nhiều khó khăn

Những năm qua, việc thanh toán trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) đã được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện còn nhiều khó khăn, dẫn đến tỷ lệ thanh toán trực tuyến vẫn đạt rất thấp.

Công chức Bộ phận "một cửa" UBND thành phố Lạng Sơn hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Công chức Bộ phận "một cửa" UBND thành phố Lạng Sơn hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai cung cấp 1.811 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); tích hợp 1.654 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, thống nhất đến 228 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ nhu cầu thanh toán phí, lệ phí TTHC của người dân, doanh nghiệp. Tháng 3/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 497 về việc giao chỉ tiêu “tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia” cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó đối với tỷ lệ thanh toán trực tuyến yêu cầu đạt 45%. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, việc thực hiện thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thực hiện đạt thấp.

Huyện Cao Lộc là một trong những đơn vị được đánh giá có tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt thấp. Tính đến nay, toàn huyện mới chỉ đạt 14,9% (chưa đạt so với chỉ tiêu giao của UBND tỉnh). Ông Vũ Hòa Bình, Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Cao Lộc cho biết: Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo công chức bộ phận “một cửa” toàn huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện thanh toán trực tuyến khi thực hiện các TTHC. Tuy nhiên, do thói quen sử dụng tiền mặt nên một bộ phận người dân vẫn chưa "mặn mà" với thanh toán trực tuyến. Thêm vào đó, một số TTHC có mức phí, lệ phí thấp nên nhiều người dân vẫn lựa chọn hình thức thanh toán trực tiếp.

Còn tại thành phố Lạng Sơn, là địa bàn trung tâm của tỉnh, tỷ lệ người dân được tiếp cận với công nghệ thông tin cao, tuy nhiên trong 5 tháng đầu năm 2024, bình quân tỷ lệ hồ sơ TTHC thực hiện thanh toán trực tuyến chỉ đạt 16,07%. Chị Đinh Thị Kim Nhung, khối Đèo Giang, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Tôi thấy thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia khá nhiều bước, chỉ cần làm sai, nhầm một chi tiết là lại phải thao tác từ đầu. Từ 15/6/2024 theo quy định mới muốn thanh toán trực tuyến cần có định danh mức độ 2 vì các tài khoản định danh điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia sử dụng tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an (VNeID) cung cấp để đăng ký nên tôi thấy càng phức tạp.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, bình quân tỷ lệ hồ sơ TTHC thực hiện thanh toán trực tuyến trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 17,34%, trong đó một số sở, UBND cấp huyện đạt thấp như Sở Tài nguyên và Môi trường đạt 6,48%; UBND huyện Hữu Lũng đạt 8,86%; UBND huyện Bắc Sơn đạt 11,73%...

Ông Bùi Đức Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Mặc dù, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều cố gắng triển khai tuy nhiên do thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại, sợ mất thêm chi phí và thời gian, công sức của người dân còn phổ biến, người dân và doanh nghiệp chưa thấy được các tiện ích khi thanh toán trực tuyến. Thêm vào đó, việc thực hiện quy trình thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia còn phức tạp, còn có trường hợp các cơ quan chưa nhận được tiền ngay sau khi người dân thực hiện thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ dân số sinh sống ở khu vực nông thôn khá cao nên việc tiếp cận và sử dụng các ứng dụng hiện đại còn hạn chế, do vậy cũng tác động không nhỏ đến tỷ lệ thanh toán trực tuyến khi thực hiện TTHC.

Nhằm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến, ngày 6/6/2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát động đợt thi đua cao điểm "Nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh", thời gian từ 6/6 đến hết ngày 32/12/2024. Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia thực hiện TTHC trực tuyến và thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC; tăng cường bồi dưỡng các kỹ năng, kiến thức về thanh toán trực tuyến cho đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai đợt thi đua của UBND tỉnh.

Trên thực tế, việc thanh toán trực tuyến mang lại nhiều tiện ích, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, minh bạch trong thu ngân sách nhà nước. Do vậy, từ nay đến cuối năm 2024 và các năm tiếp theo, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh cần có sự quan tâm, chủ động tăng cường hơn nữa trong triển khai thanh toán trực tuyến, thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giao của UBND tỉnh, góp phần xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh.

HOÀNG HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/thuc-hien-thanh-toan-truc-tuyen-trong-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-con-nhieu-kho-khan-5012563.html