Thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Xác định nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, đóng vai trò tiên quyết trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vĩnh Tường đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Nông dân xã Ngũ Kiên đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Thế Hùng

Nông dân xã Ngũ Kiên đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Thế Hùng

Nhận thấy phần đất nông nghiệp của gia đình thuộc khu vực chiêm trũng, mỗi năm chỉ cấy được 1 vụ lúa và cho hiệu quả không cao, gia đình ông Trương Quang Phú, thôn Dầu, xã Ngũ Kiên đã quyết định chuyển hướng sang đầu tư chuồng trại, chuyển đổi sang chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học.

Ông Phú chia sẻ: “Nhờ chủ trương dồn thửa, đổi ruộng của Nhà nước, gia đình tôi có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi. Ngoài diện tích ruộng của gia đình, chúng tôi thầu thêm ruộng của một số hộ dân để xây dựng trang trại chăn nuôi vịt với quy mô hơn 7.000 m2.

Các chuồng nuôi vịt đều được thiết kế khép kín, có hệ thống giàn làm mát điều chỉnh nhiệt độ. Vịt được nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, sử dụng thức ăn, nước uống theo quy chuẩn an toàn sinh học nên hạn chế dịch bệnh, đảm bảo chất lượng.

Đến thời điểm xuất chuồng, vịt được thương lái thu mua nên giá cả ổn định. Mỗi năm, trang trại của gia đình tôi nuôi 5 lứa, mỗi lứa xuất bán hơn 15.000 con, thu lãi hơn 100 triệu đồng/lứa; tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương với thu nhập hơn 8 triệu đồng/người/tháng”.

Trong quá trình thực hiện các tiêu chí, xã Ngũ Kiên luôn quan tâm, chú trọng các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Kiên Trương Trọng Nghĩa cho biết: “Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã vận động, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị canh tác…

Hiện nay, trên địa bàn xã có một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi vịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học; nuôi cá thâm canh, cá giống; mô hình trồng lúa Hương Bình tại thôn Ven; các mô hình trồng cây ăn quả…

Bên cạnh đó, xã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các ngành nghề dịch vụ, kinh doanh, tiểu thủ công nghiệp phát triển và thực hiện đồng bộ các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được quan tâm, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 61,5 triệu đồng/năm, tăng 23,2 triệu đồng/người/năm so với năm 2013…”.

Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, tiêu chí thu nhập được huyện Vĩnh Tường xác định là tiêu chí quan trọng. Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể.

Khuyến khích nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung…

Bên cạnh đó, huyện chủ trương thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện mở rộng, phát triển các làng nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm. Căn cứ vào nhu cầu thực tế của người lao động, hằng năm, huyện đều phối hợp tổ chức tư vấn xuất khẩu lao động; liên kết mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghề, dạy nghề sơ cấp ngắn hạn cho người lao động…

Thu nhập là tiêu chí không chỉ khó để hoàn thành mà còn khó trong việc giữ vững. Theo quy định của UBND tỉnh, để đạt xã chuẩn NTM nâng cao thì thu nhập bình quân đầu người/năm trên địa bàn xã phải cao gấp 1,2 lần trở lên so với quy định xã đạt chuẩn NTM (tại năm xét, đề nghị công nhận NTM nâng cao).

Trong khi đó, tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người để đạt xã NTM tăng qua các năm, đồng nghĩa với việc tiêu chí thu nhập để đạt xã NTM nâng cao cũng sẽ thay đổi theo hướng tăng dần qua các năm. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các xã của Vĩnh Tường trong việc hoàn thành, giữ vững và nâng cao tiêu chí thu nhập, đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, huyện Vĩnh Tường sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên hỗ trợ các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, nông sản an toàn theo hướng hữu cơ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập cho người dân một cách bền vững…

Lê Mơ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82236/thuc-hien-tieu-chi-thu-nhap-trong-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-kieu-mau.html