Thực hiện tốt công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn

ĐTO - Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (viết tắt là Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 18 ngày 17/1/2024 của Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy và mua bán người năm 2024.

Lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở nhằm phát hiện, ngăn chặn hoạt động đưa người xuất cảnh trái phép có liên quan đến mua bán người ở khu vực biên giới thuộc địa phận huyện Tân Hồng (Ảnh: T.L)

Lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở nhằm phát hiện, ngăn chặn hoạt động đưa người xuất cảnh trái phép có liên quan đến mua bán người ở khu vực biên giới thuộc địa phận huyện Tân Hồng (Ảnh: T.L)

Các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người với nhiều hình thức đa dạng như: tuyên truyền lưu động tại khu dân cư; truyền thông tại hộ gia đình, tổ, nhóm sinh hoạt của chi, tổ hội; tuyên truyền qua “Tiếng loa an ninh” về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Trong đó, chú trọng tuyên truyền thủ đoạn lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài với mục đích mua bán người và khuyến cáo những biện pháp cảnh giác, phòng ngừa đối với loại tội phạm này.

Đặc biệt, Công an tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình các hội nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội về tuyển dụng việc làm “không cần tay nghề, thu nhập cao”, xác định các địa bàn, khu vực, tuyến trọng điểm về tuyển mộ, tập kết, vận chuyển, chuyển giao nạn nhân bị mua bán để xây dựng kế hoạch chuyên đề đấu tranh với tội phạm mua bán người, nhất là thủ đoạn tuyển dụng lao động “làm việc nhẹ lương cao”, “môi giới bán thận” tại Campuchia để lừa bán vào các sòng bạc, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản. Rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho thuê lưu trú, nhà hàng, massage, karaoke, khu công nghiệp, khu du lịch để chủ động phát hiện, phòng ngừa các đối tượng hoạt động mua bán người và nạn nhân bị mua bán, ngược đãi, cưỡng bức lao động, hoạt động mại dâm.

Song song đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, thường xuyên tuần tra, kiểm soát các cửa khẩu, đường mòn, lối mở qua lại biên giới, nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xuất cảnh trái phép có liên quan đến tội phạm mua bán người. Theo ngành chức năng tỉnh, trong 8 tháng của năm 2024, đơn vị chưa tiếp nhận tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người. Riêng các cơ quan tư pháp đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố và đưa ra xét xử 1 vụ, 1 bị can về tội mua bán người (thời gian trước chuyển sang). Các lực lượng chức năng thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 132 ngày 4/10/2022 giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; duy trì đường dây nóng 02773.875111 để tiếp nhận thông tin của các nạn nhân cần giúp đỡ, tư vấn phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, chưa tiếp nhận hoặc phát hiện trường hợp nạn nhân bị mua bán.

Dự báo trong thời gian tới, các đối tượng hoạt động mua bán người có xu hướng chuyển sang sử dụng không gian mạng, lập các trang quảng cáo giới thiệu việc làm, ứng dụng hẹn hò, sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả trên mạng xã hội để kết bạn, làm quen, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, sau đó lừa bán ra nước ngoài hoặc làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke, nhà hàng, massage. Các đối tượng trong nước có sự câu kết với các đối tượng ở nước ngoài để tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang Campuchia, Myanma làm việc nhẹ lương cao, bán thận, hướng dẫn nạn nhân tự di chuyển đến khu vực giáp biên giới để vượt biên trái phép. Sau đó được các đối tượng đón và đưa nạn nhân vào làm việc trong các tổ chức lừa đảo, nếu muốn về nước phải nộp một khoản tiền chuộc lớn.

Tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống mua bán người, Công an tỉnh tham mưu, triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” và mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người năm 2024 trên địa bàn tỉnh (từ ngày 1/7/2024 đến 30/9/2024). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán với nhiều hình thức phù hợp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa mà các đối tượng có thể lợi dụng để hoạt động. Triển khai hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, rà soát, lập danh sách quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự và các đối tượng nghi vấn hoạt động mua bán người để có biện pháp quản lý, phòng ngừa hiệu quả. Phối hợp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, nhất là đường mòn, lối mở, đường tắt qua lại biên giới để chủ động phát hiện, ngăn chặn hoạt động đưa người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép có liên quan mua bán người, lừa đảo đưa người dân sang Campuchia làm việc. Nâng cao hiệu quả điều tra, khám phá các tổ chức, đường dây tội phạm mua bán người xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội để răn đe, phòng ngừa chung.

Tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát chặt, chưa có diễn biến phức tạp, chủ yếu chỉ tiếp nhận các thông tin do người dân phản ánh về việc có người thân đang lao động, học tập ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai... bị các đối tượng trên mạng xã hội lôi kéo, lừa gạt xuất cảnh sang Campuchia, Myanma bằng đường tiểu ngạch để lao động, làm việc trong các công ty núp bóng lừa đảo do người nước ngoài làm chủ. Sau đó, họ bị cưỡng bức lao động, không làm việc được thì công ty yêu cầu nộp tiền chuộc (bồi thường hợp đồng) mới cho về Việt Nam.

Dũng Chinh

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/phap-luat/thuc-hien-tot-cong-tac-phong-chong-mua-ban-nguoi-tren-dia-ban-125027.aspx