Thực hư công dụng của các sản phẩm tiết kiệm điện

Thiết bị tiết kiệm điện tràn lan thị trường với lời quảng cáo 'siêu hiệu quả', song nhiều sản phẩm bị người dùng tố 'tiền mất, tật mang', tiềm ẩn nguy hiểm.

Trong bối cảnh giá điện liên tục tăng và nhu cầu tiết kiệm chi phí sinh hoạt ngày càng cao, thị trường Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của các thiết bị được quảng cáo là "siêu tiết kiệm điện".

Chỉ vài trăm nghìn có thể tiết kiệm vài chục triệu đồng?

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, không khó để bắt gặp các bài đăng quảng cáo các sản phẩm tiết kiệm điện, từ các loại ổ cắm thông minh, thẻ tiết kiệm điện đến các thiết bị cắm trực tiếp vào ổ điện. Người tiêu dùng được hứa hẹn sẽ giảm từ 30 - 40% lượng điện tiêu thụ hàng tháng chỉ với một khoản đầu tư nhỏ.

Tại một chợ điện tử trên đường Bà Triệu (Hà Nội), hàng loạt quầy hàng bày bán các thiết bị tiết kiệm điện nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) hoặc không rõ nguồn gốc. Trong vai người mua hàng, phóng viên Báo Công Thương được giới thiệu một thiết bị tiết kiệm điện hình dạng như một bộ ổ cắm nhỏ gọn, bên ngoài in dòng chữ “Power Saver - Save up to 40% electricity”. Người bán khẳng định: “Chị cứ cắm vào ổ điện là công tơ sẽ quay chậm lại, không cần thay đổi gì trong hệ thống điện của gia đình. Chỉ 250.000 đồng thôi, tiết kiệm cả vài chục triệu tiền điện cả năm”.

Bài đăng quảng cáo về sản phẩm tiết kiệm điện. Ảnh chụp màn hình.

Bài đăng quảng cáo về sản phẩm tiết kiệm điện. Ảnh chụp màn hình.

Khi được hỏi về chứng nhận kiểm định chất lượng hoặc cơ sở khoa học cho lời quảng cáo trên, người này lảng tránh: “Cái này bên em nhập về bán lại thôi, khách trước dùng rồi khen tiết kiệm thật nên mới nhập tiếp. Bên Trung Quốc người ta sản xuất thì mình cứ dùng theo, giá rẻ, hiệu quả, có gì đâu mà lo”.

Không chỉ tại các chợ truyền thống, trên các nền tảng thương mại điện tử hay các nhóm chợ online trên các nền tảng mạng xã hội, số lượng sản phẩm “siêu tiết kiệm điện” cũng dày đặc. Với từ khóa “thiết bị tiết kiệm điện”, người tiêu dùng có thể tìm thấy hàng trăm kết quả với mức giá dao động từ 100.000 đến 500.000 đồng/sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm này đều không có thông tin rõ ràng về nhà sản xuất, mã số tiêu chuẩn kỹ thuật, hay bảo hành uy tín.

Chị Nguyễn Thị Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ trải nghiệm: “Tôi mua hai thiết bị tiết kiệm điện trên một sàn thương mại điện tử với giá 350.000 đồng, được quảng cáo là tiết kiệm được 30% điện sinh hoạt. Sau ba tháng sử dụng, hóa đơn điện không những không giảm mà còn tăng do nhà có lắp thêm điều hòa. Tôi gọi đến số hotline trên bao bì thì không liên lạc được. Thật sự cảm thấy bị lừa”.

Trái ngược với người mua, một số người bán thừa nhận bản thân cũng không chắc chắn về hiệu quả thực sự của sản phẩm. Anh Phạm Văn Thông, một chủ cửa hàng điện dân dụng tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Có nhiều mối sỉ đổ hàng về với giá rẻ nên tôi cũng lấy về bán thử. Họ đưa bảng so sánh hóa đơn điện trước và sau khi dùng, có cả video review nên tôi cũng tin. Nhưng thực tế, chưa thấy khách nào phản hồi là tiết kiệm rõ rệt cả. Chỉ là họ thấy rẻ thì mua về dùng thử”.

Tiền mất, tật mang với thiết bị tiết kiệm điện

Trên thực tế, có không ít trường hợp thiết bị tiết kiệm điện năng bị người tiêu dùng vạch trần bởi công dụng của những sản phẩm này khác xa với những lời quảng cáo "thần thánh".

Một số người dùng sau khi mua về đã tự mình kiểm tra và đăng tải video “bóc mẽ” các thiết bị này trên mạng xã hội. Trong nhiều clip thử nghiệm được chia sẻ trên YouTube và TikTok, các sản phẩm như “thẻ tiết kiệm điện” hay “hộp tiết kiệm điện công nghệ Đức” khi được đo bằng thiết bị chuyên dụng đều cho kết quả không có bất kỳ tác dụng giảm tiêu thụ điện nào. Thậm chí, một số còn gây nhiễu dòng điện hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị điện trong nhà.

Thiết bị tiết kiệm điện được rao bán. Ảnh: NVCC

Thiết bị tiết kiệm điện được rao bán. Ảnh: NVCC

Anh Trần Văn Dũng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) - kỹ thuật viên điện lạnh, kể lại trải nghiệm cá nhân: “Tôi từng được khách hàng nhờ kiểm tra một thiết bị tiết kiệm điện mua trên mạng. Sau khi mở ra xem, bên trong chỉ là một tụ điện nhỏ gắn kèm vài bóng đèn LED. Không có bảng mạch điều khiển, không có cơ chế tiết kiệm điện năng rõ ràng nào cả. Nói trắng ra thì thiết bị này chỉ là ‘vỏ rỗng’, mang tính chất đánh lừa tâm lý người mua”.

Theo các chuyên gia, hiện nay, trên thị trường không có thiết bị cắm trực tiếp nào được chứng minh có khả năng tiết kiệm điện năng. Phần lớn các thiết bị quảng cáo tiết kiệm điện trên nền tảng mạng xã hội hoạt động dựa trên nguyên lý khó kiểm chứng, nhiều sản phẩm chỉ là tụ điện đơn giản, không có vi mạch và không thể đo lường được hiệu quả tiết kiệm điện trên thực tế. Đáng chú ý, cho đến nay, sản phẩm này vẫn chưa được các cơ quan chức năng tại Việt Nam kiểm định, cấp phép và xác nhận tính hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng phát đi cảnh báo về những loại thiết bị siêu tiết kiệm điện, thẻ tiết kiệm điện thông minh được rao bán trên mạng không có hiệu quả giảm điện năng tiêu thụ. Đó là các thiết bị không được cơ quan chức năng hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận.

Không ít người tiêu dùng bị cuốn theo "làn sóng" quảng cáo, trong khi thị trường lại thiếu vắng cơ chế kiểm định và quản lý chặt chẽ đối với các sản phẩm liên quan đến tiết kiệm điện. Sự thiếu minh bạch về thông tin kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ và cơ chế hoạt động khiến người tiêu dùng dễ rơi vào bẫy tâm lý “chi phí thấp, hiệu quả cao”, để rồi phải đối mặt với hậu quả “tiền mất, tật mang”.

Minh Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-hu-cong-dung-cua-cac-san-pham-tiet-kiem-dien-388633.html