Thực hư 'hồi xuân thần tốc' từ các spa dưỡng sinh Đông y
Dịch vụ dưỡng sinh Đông y, phương pháp chăm sóc sức khỏe của y học cổ truyền, từ lâu đã được biết đến với khả năng giúp cơ thể cân bằng và duy trì sức khỏe tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số spa đã biến tướng phương pháp này thành những 'bí quyết hồi xuân' thần tốc. Các chuyên gia cảnh báo rằng những quảng cáo thổi phồng này không chỉ làm mất đi giá trị cốt lõi của dưỡng sinh Đông y, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe nếu không thực hiện đúng cách và bài bản.
Quảng cáo thần thánh
Dạo quanh các nền tảng mạng xã hội hoặc các viện thẩm mỹ, không khó để bắt gặp những lời quảng cáo có cánh về những tác dụng thần kỳ của dưỡng sinh Đông y. Thậm chí, nó còn được thổi phồng thành “liều thuốc hồi xuân thần tốc” với chị em phụ nữ.
Trên fanpage “NYCP”, dưỡng sinh Đông y được quảng cáo không khác gì một phép màu thần kỳ: “Hồi xuân thần tốc” nhờ phục hồi thận khí, khí huyết và tì vị. Đây là công thức mà họ cho là giúp bạn “trẻ mãi không già”, chỉ cần “trải nghiệm dưỡng sinh Đông y” sẽ giúp cải thiện sinh lý, sắc đẹp và sức khỏe chỉ trong vài buổi trị liệu. Câu hỏi đặt ra là, liệu Đông y có thực sự mang lại “phép màu” chỉ sau vài buổi như thế?

Đa số nhân viên ở các spa không có kiến thức sâu về Đông y.
Cũng tại fanpage này, chúng ta bắt gặp một loạt các chiêu thức khiến người xem không thể không tò mò như: “Hồi xuân là phục hồi cội nguồn sinh lực từ bên trong, không chỉ là trẻ hóa làn da”. Các bài quảng cáo còn khẳng định, nếu thận khí suy yếu, nội tiết tố sẽ rối loạn, từ đó sức khỏe sinh lý nữ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng, tất cả đều được chữa khỏi hết chỉ với một liệu trình dưỡng sinh Đông y. Cụ thể là: xoa bóp huyệt vị, ngâm chân dược liệu, ăn uống theo chế độ Đông y để phục hồi mọi thứ.
Cùng với các phương pháp kỳ diệu ấy, fanpage này còn giới thiệu “chuyên gia dưỡng sinh” - những người sẵn sàng chia sẻ bí kíp hồi xuân tự nhiên, không cần can thiệp hóa học hay phẫu thuật. Một số người tự xưng là “pháp sư dưỡng sinh”, hoàn toàn không có chứng chỉ hay bằng cấp gì, chỉ dựa vào “cái tâm” và niềm tin vào những liệu pháp này.
Không chỉ dừng lại ở đó, một spa khác cũng rầm rộ quảng cáo dưỡng sinh Đông y, nhưng với một loạt tác dụng “kỳ diệu” đến mức bạn không thể không nghi ngờ: “Chữa cảm cúm, ngủ sâu giấc hơn, chống lão hóa da, làm mềm cơ, tăng cường dưỡng chất cho các mô, làm sáng da, trẻ hóa da, chữa mụn... Vùng tim và lưng giúp điều hòa khí huyết, giảm đau lưng... và thậm chí là cải thiện sức khỏe thai sản”. Một phương pháp mà có thể “chữa tất cả”?

Dưỡng sinh Đông y được quảng cáo như một phương pháp thần kỳ để hồi xuân.
Không chỉ các fanpage mà hiện nay cũng xuất hiện rất nhiều hội nhóm về “dưỡng sinh Đông y” với hàng nghìn đến vài chục nghìn thành viên tham gia. Nội dung được đăng trong các hội nhóm này chủ yếu là các bài viết quảng cáo về các phương pháp dưỡng sinh thần kỳ và quảng cáo các sản phẩm dưỡng sinh Đông y như: phấn cấy meso, ống hơ ngải, tinh dầu gừng và ngải, mặt nạ phục hồi căng bóng... Tất cả đều được quảng cáo như những “phương pháp trẻ hóa thần thánh” giúp phụ nữ quay lại tuổi đôi mươi mà không cần phải sử dụng mỹ phẩm hay phẫu thuật. Những sản phẩm này được chào bán với giá trên trời, tuy nhiên, tính hiệu quả của chúng vẫn là câu hỏi lớn.
Một khía cạnh khác mà ít người biết đến là, trong khi các cơ sở dưỡng sinh Đông y quảng bá mình như một thiên đường trị liệu sức khỏe, thì người thực hiện các liệu pháp này lại không phải là những chuyên gia Đông y thực sự. Đằng sau những liệu pháp “hồi xuân thần tốc”, “trẻ hóa làn da” lại là những nhân viên massage, những người xuất thân từ ngành nghề hoàn toàn không liên quan đến Đông y.
Theo tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều nhân viên tại các spa, viện thẩm mỹ quảng bá dưỡng sinh Đông y đều xuất thân từ ngành nghề massage và họ không được đào tạo bài bản về y học cổ truyền. Họ chỉ đơn giản là được hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản như xoa bóp huyệt vị, ngâm chân dược liệu hay các liệu pháp thảo dược cơ bản và điều này hoàn toàn không liên quan đến các nguyên lý sâu sắc của Đông y.
Qua giới thiệu, chúng tôi may mắn có cuộc trao đổi với chị Thu H. - nhân viên làm việc tại một spa dưỡng sinh Đông y trên địa bàn quận Hà Đông. Người này cho hay, đa số các nhân viên làm trong các spa có dịch vụ dưỡng sinh Đông y đều không có kiến thức gì về Đông y. Chị H tiết lộ: “Chúng tôi chỉ học một khóa ngắn hạn, chủ yếu là về massage cơ thể và cách sử dụng các loại thảo dược để xoa bóp. Còn về lý thuyết Đông y, chúng tôi không có kiến thức chuyên sâu đâu”.

Chị N.P.L không giấu được thất vọng khi bỏ ra khoản tiền không nhỏ để theo liệu trình dưỡng sinh Đông y nhưng không có hiệu quả.
Cũng qua tìm hiểu của phóng viên, các nhân viên tại các spa có dưỡng sinh Đông y đều không biết nhiều về cơ sở lý luận của Đông y, mà chỉ áp dụng những bài học từ các khóa đào tạo ngắn ngày, do các “chuyên gia” trong ngành tổ chức. Chị Hoàng Thị M, - nhân viên massage ở một cơ sở dưỡng sinh Đông y tại quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Chúng tôi học được cách dùng các loại thảo dược như gừng, ngải cứu, nhưng không hiểu rõ về tác dụng của chúng trên cơ thể hay các nguyên lý vận hành khí huyết trong Đông y. Chúng tôi chỉ học những gì được chỉ dẫn trong khóa huấn luyện cơ bản”.
Nói về vấn đề này, bác sĩ Đông y Nguyễn Duy Thành (Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Oai) cho biết: “Các nhân viên này phải thực hiện những liệu pháp được coi là “hồi xuân”, chẳng hạn như xoa bóp huyệt vị để kích thích thận khí hoặc sử dụng các loại dược liệu ngâm chân để “điều hòa khí huyết”. Họ không hề có một nền tảng y học vững chắc để phân tích tác động của các liệu pháp này lên cơ thể người sử dụng, nhưng vẫn phải áp dụng chúng theo một kịch bản được chỉ định”.
Điều đáng nói là, những cơ sở này không hề đưa ra cảnh báo về việc các nhân viên không phải là bác sĩ Đông y hay chuyên gia y học cổ truyền. Thực tế, những lời hứa hẹn “hồi xuân” hay “làm đẹp thần thánh” chỉ được truyền đạt qua những lời quảng cáo hấp dẫn, mà không hề nhắc tới thực tế rằng không phải ai cũng có đủ trình độ để thực hiện các phương pháp này một cách an toàn và hiệu quả.
Trả lại giá trị thật cho dưỡng sinh Đông y
Thực thế, có nhiều khách hàng sau khi trải nghiệm các liệu trình dưỡng sinh Đông y cũng đã bày tỏ sự hoài nghi. Họ cho rằng, mặc dù cảm thấy thư giãn và dễ chịu sau mỗi buổi trị liệu, nhưng hiệu quả thực sự về sức khỏe, sắc đẹp hay sức sinh lý vẫn là một câu hỏi lớn.
Chị Lê Thu Hòa (phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) băn khoăn: “Gần đây tôi cũng có xem nhiều nơi quảng cáo dịch vụ dưỡng sinh Đông y nên cũng thử. Tuy nhiên, mỗi lần sử dụng dịch vụ thấy trong người dễ chịu, nhưng làm sao để biết được liệu những phương pháp này có thực sự có tác dụng lâu dài?”.
Hay, trường hợp của chị N.P.L (45 tuổi, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng khiến nhiều người hoài nghi về dịch vụ này. Chị cho hay, cuối năm 2024 chị nghe việc dịch vụ dưỡng sinh Đông y có thể cải thiện được sinh lý, hồi phục sinh lực như tuổi đôi mươi (thực tế chị không còn ham muốn chuyện vợ chồng - PV) nên chị đã tìm đến một cơ sở trên địa bàn quận Thanh Xuân. Tại đây chị N.P.L được tư vấn sử dụng 4 liệu trình massage, bấm huyện kết hợp với uống thuốc “gia truyền”. Tuy nhiên, sau khi sử dụng hết 4 liệu trình thì tình trạng của chị không hề có biến chuyển. “Sau mỗi liệu trình tôi thấy người khá thoải mái, dễ chịu như những lần đi massage thông thường. Còn về cải thiện sinh lý thì tôi không thấy thay đổi gì cả”.
Không chỉ không có hiệu quả như những lời quảng cáo “một tấc lên giời” mà nhiều spa dưỡng sinh Đông y còn trá hình để thực hiện những hành vi không đúng với thuần phong mỹ tục.
Câu chuyện về những “pháp sư dưỡng sinh” không chuyên này thực sự là một vấn đề đáng chú ý. Dường như có một khoảng cách lớn giữa những lời quảng cáo và thực tế những gì mà khách hàng đang được trải nghiệm. Liệu có nên tin vào những “liều thuốc hồi xuân thần tốc” hay không, khi người thực hiện chúng không phải là những chuyên gia thực sự của Đông y?
Đại tá, TS.BS Nguyễn Hà Thanh Tuấn, Chủ nhiệm bộ môn Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Quân y 103 chia sẻ: “Các cơ sở spa đúng nghĩa không hoàn toàn là dưỡng sinh y học cổ truyền. Ở đó họ kết hợp các thảo dược hoặc các hoạt chất, bên cạnh sự kết hợp đấy họ có thể hướng dẫn tập thở hay một số các động tác theo phương pháp của dưỡng sinh. Đồng thời, các nhân viên dùng các động tác kỹ thuật tác động lên cơ thể thì đó là massage, bấm huyệt. Chứ thực tế dưỡng sinh là tự chúng ta có những biện pháp để điều chỉnh cơ thể chính mình chứ không phải nhờ một người bên ngoài can thiệp vào cơ thể chúng ta”.

Nhiều spa dưỡng sinh Đông y còn thực hiện những dịch vụ không đúng với thuần phong mỹ tục.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, thông qua việc chúng ta luyện tập dưỡng sinh thường xuyên sẽ giúp khí huyết được lưu thông, tinh thần thoải mái, giải tỏa được các stress, nghỉ ngơi để tái tạo lại năng lượng. Nó giúp cho hệ thống tim mạch, hệ hô hấp hoạt động tốt hơn.
Việc quảng cáo sai công dụng và hành nghề không phép trong lĩnh vực y tế không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến pháp luật. Theo quy định tại Điều 52, Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh có thể bị phạt đến 60 triệu đồng đối với tổ chức và bị tước quyền quảng cáo lên đến 24 tháng. Nếu hành vi này gây thiệt hại nghiêm trọng, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt tối đa 100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm, kèm theo cấm hành nghề đến 5 năm.
Cùng với đó, những cá nhân, tổ chức hành nghề y tế không có chứng chỉ hoặc không đủ điều kiện chuyên môn cũng bị xử lý nghiêm khắc. Theo Điều 39, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, mức phạt hành chính có thể lên tới 40 triệu đồng. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, hành vi này sẽ bị truy cứu theo Điều 282, Bộ luật Hình sự, với hình phạt phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
“Đặc biệt, nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ, cơ sở vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định tại Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng bệnh nhân, sẽ bị xử lý theo Điều 315, Bộ luật Hình sự, với mức phạt tù đến 5 năm”.
Dưỡng sinh Đông y không phải phép màu mang lại sự trẻ hóa tức thì, mà là một quá trình chăm sóc sức khỏe cần sự kiên trì, phù hợp với thể trạng từng người và dựa trên nền tảng khoa học. Giá trị đích thực của dưỡng sinh nằm ở sự chủ động phòng bệnh, duy trì cân bằng âm dương, hướng đến sức khỏe bền vững lâu dài. Để bảo vệ người tiêu dùng và giữ gìn danh tiếng của nền y học cổ truyền, rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, cơ sở chuyên môn. Và, quan trọng nhất là sự tỉnh táo, sáng suốt của chính mỗi người trước ma trận quảng cáo thổi phồng hiện nay.