Thực hư thông tin Hải quan Trung Quốc không công nhận cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng sầu riêng Việt Nam

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật khẳng định thông tin Trung Quốc không công nhận mã cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng sầu riêng nào của Việt Nam sau khi kết thúc quá trình kiểm tra trực tuyến là không chính xác.

Tại họp báo thường kỳ Bộ NN&PTNT, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết giữa tháng 7/2022, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này.

Hải quan Trung Quốc chưa có kết luận chính thức về công nhận cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng của sầu riêng Việt Nam.

Hải quan Trung Quốc chưa có kết luận chính thức về công nhận cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng của sầu riêng Việt Nam.

Theo quy định, tất cả các vùng trồng, cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và được cả Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư này thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, Bộ NN&PTNT gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên. Danh sách sẽ được đăng trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Dưới sự giám sát của Bộ NN&PTNT, tất cả các vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng... Trên cơ sở đó, phía Trung Quốc yêu cầu hoàn thiện hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để kiểm tra đánh giá tại các cơ sở này.

Bộ NN&PTNT đã giao Cục Bảo vệ thực vật triển khai các nội dung liên quan. Trong đó, Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai nhiều nội dung như tập huấn các cơ sở đóng gói, các mã số vùng trồng trên cả nước để làm sao các cơ sở này đối chiếu quy định, điều kiện để đăng ký với Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Hiện, Cục Bảo vệ thực vật đã tổng hợp và gửi 57 cơ sở đóng gói, 127 mã số vùng trồng nằm ở các tỉnh như Tiền Giang, khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng. Đồng thời, tổ chức tập huấn tại cho hai vùng trồng tại Tiền Giang, Đắk Lắk để doanh nghiệp xuất khẩu hiểu rõ điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm, nâng cao về nhận thức cũng như tuân thủ đầy đủ các điều kiện này.

Ngày 12/8, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm giúp các cơ quan hữu quan Trung Quốc có thể triển khai kiểm tra khai trực tiếp 29 cơ sở đóng gói, 106 mã số vùng trồng. Đến ngày 26/8 vừa qua, kết thúc đợt 1 kiểm tra này.

Về sơ bộ, phía Trung Quốc đánh giá cao về công tác tổ chức, kiểm tra đánh gia của Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phía Trung Quốc chưa có kết luận chính thức mà giao Tổng cục Hải quan Nam Ninh xây dựng báo cáo kết quả đánh giá.

Từ thời điểm ngày 26/8 đến nay, phía Hải quan Nam Ninh và Việt Nam tiếp tục trao đổi về các thông tin cũng như những vấn đề còn đang vướng mắc mà chưa giải quyết được. Trước ngày nghỉ lễ 2/9, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi một loạt các thông tin cho các chủ thể tham gia xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung quốc.

"Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức từ phía cơ quan Hải quan Trung Quốc về việc công nhận hay chưa công nhận các cơ sở đóng gói hay mã số vùng trồng sầu riêng của Việt Nam", ông Đạt cho biết

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật lưu ý, việc đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc cần cố gắng, hoàn thiện, từ khâu quản lý, sản xuất, phòng trừ dịch hại, cũng như sơ chế, chế biến, đóng gói. Việc kết luận cuối cùng của Tổng cục Hải quan là điều cần ghi nhận, giúp cho doanh nghiệp và cơ sở đóng gói tiếp tục hoàn thiện mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Cục Bảo vệ thực vật trong trường hợp nào cũng phải tiên lượng vấn đề để chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, chứ không để tình trạng đến kết luận cuối cùng, chúng ta không đáp ứng được mã số vùng trồng hay cơ sở đóng gói nào thì không tốt.

Hiện nay, sầu riêng đang được tiêu thụ ngày càng nhiều trên thế giới. Tại Trung Quốc, nhu cầu về sầu riêng ngày càng tăng, mỗi năm quốc gia này nhập khẩu trên 600 nghìn tấn và dự báo trong những năm tới sẽ lên hơn 1 triệu tấn/năm. Hiện, 90% - 95% sầu riêng được nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ Thái Lan.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc được xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc đã mở ra cơ hội và tạo thêm dư địa tăng trưởng cho một ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, góp phần cải thiện thu nhập của hàng trăm nghìn bà con nông dân, nhất là vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/thuc-hu-thong-tin-hai-quan-trung-quoc-khong-cong-nhan-co-so-dong-goi-ma-so-vung-trong-sau-rieng-viet-nam-1087721.html