Thức lại câu hát Sường cô

Sau nhiều năm chìm lặng vào quên lãng, câu hát Sường cô đã thức lại trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Ngái Thái Nguyên - một trong những dân tộc rất ít người ở Việt Nam.

Đội hát Sường cô của bà con dân tộc Ngái ở tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ).

Đội hát Sường cô của bà con dân tộc Ngái ở tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ).

Chia sẻ với chúng tôi, Nghệ nhân Thẩm Dịch Thọ, ở tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), cho biết: Sường cô là lối hát giao duyên của người dân tộc Ngái chúng tôi. Khi hát, nam - nữ đứng thành hai bên giống người Bắc Ninh hát quan họ. Trên giai điệu hát cổ, người tham gia cuộc Sường cô có thể vừa hát, vừa sáng tác ca từ mới, tạo không khí ứng đối, nhấn nhá, nền nảy vui tươi. Cuộc hát có thể kéo dài từ đêm này sang đêm khác mà ca từ không trùng lặp.

Sường cô thi vị, đằm lòng bao “tao nhân mặc khách”. Hơn nữa, Sường cô được ví như linh hồn có sức sống mãnh liệt của đồng bào dân tộc Ngái. Dù phải bao phen dời chuyển, cuộc sống thiếu khó trăm bề, đồng bào dân tộc Ngái vẫn cất cao lời Sường cô để sẻ chia lòng mình cùng núi rừng hùng vĩ, và với người bạn tình trong cuộc hát mê mẩn dưới ánh trăng thanh. Nhất là vào cữ tháng Mười, lúa ngoài đồng đã phơi khô đổ bồ, trai, gái chưa lập gia đình thổi nồi nếp mới, lấy lá chuối từ ngoài nương về hong qua lửa dùng gói nắm cơm to, hẹn nhau đi hát có khi cả tuần mới về.

Trong mái nhà của 54 dân tộc anh em, đồng bào dân tộc Ngái có hơn 1.000 người, sinh sống ở 27 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thái Nguyên chiếm số lượng đông nhất, gần 500 người. Riêng ở tổ dân phố Tam Thái có gần 60 hộ, khoảng 240 nhân khẩu.

Hát Sường cô đang được đồng bào dân tộc Ngái truyền dạy lại cho giới trẻ.

Hát Sường cô đang được đồng bào dân tộc Ngái truyền dạy lại cho giới trẻ.

Cụ Trần A Quán, trên 80 tuổi, khề khà kể: Cùng với các dân tộc thiểu số khác, cha ông chúng tôi có công khai khẩn rừng hoang, núi thẳm để tạo dựng nên làng bản. Ngày xưa, vùng Tam Thái này cũng hoang vu lắm, nhưng bây giờ đã thành thị trấn có đông đúc các dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận.

Bởi sống xen kẽ với các dân tộc khác, lại có số dân ít hơn, nên đồng bào dân tộc Ngái thường xuyên sử dụng ngôn ngữ phổ thông (tiếng dân tộc Kinh) để giao dịch trong cuộc sống hằng ngày. Một nguyên nhân khác làm ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Ngái bị mai một laf bởi phong tục tập quán xưa cũ: Khi chết, tức là linh hồn chuyển sang sống trong một thế giới khác, vì thế con cháu thường chôn theo người chết những đồ tùy táng mà khi sống vẫn dùng.

Nghệ nhân Thẩm Dịch Thọ thở dài: Chính vì quan niệm này mà dân tộc chúng tôi tự đánh mất đi nhiều sách quý, trong đó có các cuốn sách văn học nghệ thuật, ca dao, tục ngữ răn dạy về kinh nghiệm làm ăn, về đạo lý sống và những bài hát Sường cô.

Điều trân quý là trong cồng đồng dân tộc Ngái Thái Nguyên vẫn còn một số người biết nói tiếng dân tộc mình. Một số người cao niên có thói quen nói tiếng dân tộc Ngái khi ở nhà. Theo đó, con cháu cũng… bập bõm biết sơ đẳng. Đặc biệt là các bài hát Sường cô càng trở nên hiếm hoi. Hiện, bà con chỉ lưu giữ, hát thuần thục một số bài hát giai điệu gốc, như: “Trông trăng”, “Mời trầu”, “Mười hai con giáp”. “Ru em ngủ”…, những bài được con em người dân tộc Ngái trình diễn tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc lần thứ I năm 2023, tại tỉnh Lai Châu. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Câu hát Sường cô của đồng bào dân tộc Ngái thuần khiết “hương đồng, gió nội”. Lối hát chân mộc, không có bất cứ loại nhạc cụ nào hỗ trợ, nhưng ca từ Sường cô vẫn vút cao, trải dài cùng hội hát, rồi đọng lại trong lòng người nghe một niềm hoài nhớ lãng mạn, tình cảm, và như một lời hẹn hò làm lòng người bâng khuâng...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202312/thuc-lai-cau-hat-suong-co-23d0964/