Thực phẩm gây hôi miệng

Hơi thở nặng mùi khiến nhiều người tự ti, ảnh hưởng tâm lý khi giao tiếp. Nó có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm hoặc đôi khi đến từ chính thực phẩm bạn ăn.

Hôi miệng là mùi phát ra từ khoang miệng hoặc các khoang rỗng khác chứa đầy không khí như xoang mũi, cổ họng. Vệ sinh răng miệng là thói quen quyết định hơi thở của bạn. Tuy nhiên, nhiều người vệ sinh răng miệng hai lần một ngày, sử dụng chỉ nha khoa, làm sạch lưỡi thường xuyên nhưng vẫn gặp tình trạng hôi miệng. Thủ phạm có thể đến từ chính thực phẩm bạn ăn hàng ngày.

Tỏi và hành tây

Hành, tỏi đều đã được chứng minh có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo chuyên gia tai mũi họng Lisa Harper Mallonee tại Trung tâm Khoa học Sức khỏe Texas A&M, Đại học Baylor Dentistry, Mỹ, chúng đứng đầu trong danh sách thủ phạm khiến hơi thở của chúng ta nặng mùi.

Hai thực phẩm này chứa các hợp chất lưu huỳnh. Trong đó, allyl methyl sulfide (AMS) không được chuyển hóa trong đường tiêu hóa. Lúc này, nó có thể quay ngược trở lại và tạo thành mùi hôi khó chịu trong khoang miệng.

Ngoài ra, các chất allicin, allyl metyl sunfua, cysteine sulfoxide trong hành, tỏi chuyển hóa, sản sinh ra mùi hăng, nồng, hấp thụ vào máu, thải ra ngoài qua phổi, lỗ chân lông trên da. Thậm chí, ở nhiều người, mùi hôi khó chịu này có thể lưu đến 24 giờ trên cơ thể.

Để giải quyết tình trạng này, chúng ta nên uống nhiều nước sau khi ăn, đánh răng, sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng. Táo, bạc hà, rau diếp cũng là thực phẩm giúp trung hòa hành, tỏi, giảm bớt mùi hôi trong miệng.

 Hành, tỏi là thực phẩm hàng đầu gây hôi miệng. Ảnh: Getty Images.

Hành, tỏi là thực phẩm hàng đầu gây hôi miệng. Ảnh: Getty Images.

Cà phê và rượu

Theo chuyên gia Paul Vankevich, Đại học Tufts, tiết lộ thực tế nguyên nhân phổ biến nhất gây hôi miệng không đến trực tiếp từ thức ăn mà là vi khuẩn. Các thức ăn tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển.

Một nghiên cứu năm 2007 tại Israel đã phát hiện uống rượu liên quan tỷ lệ mắc bệnh hôi miệng nhiều hơn. Nghiên cứu thực hiện trên những người uống rượu vào tối hôm trước, nhịn ăn 12 giờ, đánh răng vào buổi sáng.

Cà phê, rượu, đồ uống có cồn đều được xếp vào nhóm chất xúc tác khiến hơi thở của bạn nặng mùi. Chúng chứa các hợp chất lưu huỳnh, caffeine, làm khô và giảm lượng nước bọt trong miệng, tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn gây mùi tồn tại lâu hơn.

Ngoài những thực phẩm nói trên, chuyên gia Lisa cho hay bà cũng từng đọc nhiều bài báo cho thấy món ăn từ sữa, chế độ ăn kiêng nhiều thịt, nước cam, soda cũng là tác nhân gây hôi miệng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này.

 Rượu, bia, đồ uống có cồn, cà phê, đã được chứng minh liên quan tình trạng hôi miệng. Ảnh: Freepik.

Rượu, bia, đồ uống có cồn, cà phê, đã được chứng minh liên quan tình trạng hôi miệng. Ảnh: Freepik.

Hôi miệng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý

Bà Lisa tiết lộ một số người sử dụng nước súc miệng khi hơi thở có mùi. Cách này có thể khiến bạn tạm thời giảm mùi hôi nhưng bà không khuyến khích. Bởi nhiều loại nước súc miệng chứa cồn, làm khô miệng, giảm tiết nước bọt, khiến tình trạng hôi miệng nặng hơn.

Do đó, để giải quyết vấn đề này, bạn nên vệ sinh cả lưỡi, khoang miệng bởi đây là những nơi vi khuẩn trú ẩn. Ngay cả khi làm sạch răng, miệng đúng cách, bạn vẫn gặp vấn đề về hơi thở, rất có thể đó là lúc chúng ta đang mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Các lỗ thông xoang bị tắc nghẽn, chảy dịch mũi sau có thể khiến hơi thở có mùi. Chuyên gia Paul Vankevich cảnh báo chứng hôi miệng dai dẳng là dấu hiệu của những bệnh lý như viêm nha chu. Đây là tình trạng nướu viêm nhiễm nặng, về lâu dài có thể gây tổn thương răng và xương. Người bị viêm nha chu thường gặp vấn đề về hơi thở.

Theo tạp chí Health, nguyên nhân không ngờ khác đó chính là tuổi tác. Tuổi càng cao khiến chúng ta dễ bị khô miệng, việc sản xuất nước bọt giảm, khiến các mảnh vụn thức ăn, vi khuẩn bám quanh răng, nướu nhiều hơn, phản ứng và gây mùi.

 Hơi thở nặng mùi có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý khác về thận, gan, dạ dày... Ảnh: iStock.

Hơi thở nặng mùi có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý khác về thận, gan, dạ dày... Ảnh: iStock.

Khi thức ăn hoặc mảnh vụn mắc vào các kẽ hở của amidan, chúng cứng lại hoặc bị vôi hóa, tạo thành cặn canxi tạm thời, gọi là sỏi amidan. Những cặn này thường nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường và vô hại. Dù vậy, điều gây khó chịu nhất của sỏi amidan đó là khiến hơi thở có mùi.

Các viên sỏi là tích tụ của chất cặn, thức ăn thừa bị vôi hóa. Đây là ổ chứa vi khuẩn khiến chúng ta bị hôi miệng liên tục, dai dẳng dù đã vệ sinh răng miệng thường xuyên.

Kèm theo đó, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng amidan. Một nghiên cứu trên các bệnh nhân bị viêm amidan lâu năm cho thấy hơi thở của họ chứa chất lưu huỳnh dễ bay hơi mà đặc trưng của nó là mùi hôi như trứng thối. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện 75% người có lượng hợp chất này cao trong khoang miệng bị sỏi amidan.

Ngoài ra, người bị các bệnh về gan, thận, dạ dày, nhiễm toan ceton (biến chứng khi bị tiểu đường), hội chứng Sjogren, rối loạn tự miễn khác cũng có thể dẫn đến hiện tượng hơi thở có mùi.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuc-pham-gay-hoi-mieng-post1206743.html