Thực phẩm tăng giá, sinh viên lo lắng tìm cách thích nghi
Bên cạnh những bất lợi do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, hiện nay, sinh viên còn gặp không ít khó khăn vì thực phẩm đồng loạt tăng giá.
Bất ngờ khi giá thực phẩm đồng loạt tăng
Với thực đơn đa dạng cùng giá cả hợp lý, khu vực Làng ĐH Thủ Đức từng là điểm thu hút phần đông sinh viên đến ăn uống để tiết kiệm chi phí. Thế nhưng, sau đợt nghỉ dịch dài hạn từ tháng 5/2021 đến đầu tháng 2/2022 vừa rồi, giá cả thực đơn tại đây và nhiều địa điểm khác bất ngờ tăng giá khiến sinh viên gặp nhiều khó khăn.
Trần Thị Mỹ Tâm (trường ĐH Nông Lâm TP. HCM) chia sẻ: “Mình đã sinh sống tại khu vực Làng Đại học từ năm học thứ nhất và cảm thấy việc ăn uống, chi tiêu ở đây rất phù hợp với túi tiền sinh viên. Thế nhưng, sau đợt nghỉ dịch dài hạn vừa rồi, giá cả thực phẩm tăng đột ngột khiến mình cảm thấy rất bất ngờ. Sau một tuần lên lại Ký túc xá, mình nhận thấy đa phần các quán ăn tại đây đều tăng trung bình khoảng từ 3.000 đồng cho đến 5.000 đồng. Thậm chí, nhiều món ăn vặt giá rẻ cũng theo xu thế đó mà tăng giá lên”.
Mỹ Tâm cho rằng, việc tăng giá như vậy trong một khoảng thời gian ngắn thì sẽ không ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng nếu kéo dài thì đó sẽ trở thành vấn đề lớn bởi nếu ngày nào cũng chi tiêu cho việc ăn uống với mức giá cao như vậy thì sẽ kéo chi phí sinh hoạt trong một tháng tăng lên đáng kể. Ngoài ra, việc tăng giá như thế khiến Tâm phải chi trả nhiều tiền hơn cho việc ăn uống, khiến chi phí cho những hoạt động khác bị hạn chế hơn trước.
Nói về nguyên nhân các quán ăn, uống đồng loạt tăng giá, chú Nguyễn Minh Tân (chủ quán cơm Ngô Quyền tại Làng Đại học Thủ Đức) cho biết: “Tôi biết việc tăng giá đồng loạt như vậy sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của sinh viên, nhưng hiện nay, nếu không tăng giá thì chi phí hoạt động của quán sẽ không đủ, vì nguyên liệu chế biến tôi lấy về hiện tại như: Rau, thịt, nước mắm, hạt nêm… tất cả đều tăng giá so với thời điểm trước dịch, thậm chí có một số loại rau còn tăng giá gần gấp đôi. Ngoài ra, sau đợt dịch vừa rồi, chi phí thuê mặt bằng tại khu vực này cũng có xu hướng tăng, giá xăng tăng cũng làm cho việc di chuyển trở nên đắt đỏ, vì thế kéo theo việc giá cả tại quán phải tăng theo. Nếu thời gian tới thực phẩm, hàng hóa có giảm giá thì chắc chắn tôi cũng sẽ giảm giá của quán lại để phù hợp với tình hình thực tế và giúp đời sống sinh viên ổn định hơn”.
Thích nghi với giá cả hiện tại
Với tình hình kinh tế khó khăn sau dịch, đồng thời giá xăng, dầu hiện tại cũng đang "tăng kỷ lục" thì việc chờ giá thực phẩm "hạ nhiệt" sẽ mất một khoảng thời gian dài nữa. Lúc này, nhiều bạn sinh viên chọn cách thích nghi, cân bằng chi tiêu trong bối cảnh hiện nay.
Lâm Hữu Kha (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Mình cảm thấy giá cả thực phẩm tăng như vậy là một điều tất yếu vì hiện nay mọi thứ đều có xu hướng tăng giá, thay vì xin thêm tiền từ gia đình mình chọn cách tự quản lý chi tiêu hợp lý hơn trong việc ăn uống, điều này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí trong thời điểm này. Do hiện tại, mình đang ở trọ nên việc ăn uống sẽ thoải mái hơn so với các bạn đang sống ở Ký túc xá. Ngoài ra, việc tự nấu ăn cũng giúp mình cân bằng được số tiền mua thực phẩm hằng ngày, mình có thể cắt giảm bớt những thực phẩm giá cao như thịt heo, thịt bò, rau xanh và thay thế bằng các loại thịt và củ quả khác như thịt gà, cá, dưa…”.
Kha còn cho biết, hiện nay, tận dụng thời gian rảnh khi vừa học trực tuyến và trực tiếp kết hợp, Kha đã tìm kiếm thêm một số công việc để trang trải chi phí ăn uống mà không cần phải xin thêm từ gia đình. “Ngoài những khó khăn to lớn vì thực phẩm tăng giá, mình nhận thấy đây đồng thời cũng là cơ hội để những sinh viên như mình rèn luyện khả năng thích nghi, khả năng quản lý tài chính và tiết kiệm cho bản thân. Trên hết, mình vẫn mong tình hình giá cả có thể ổn định trở lại để cuộc sống của mình cũng như gia đình bớt khó khăn hơn”, Hữu Kha bộc bạch.