Thực sự là động lực phát triển hàng đầu cả nước
Là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là động lực của vùng Bắc Bộ cũng như cả nước, sự phát triển của Hải Phòng không chỉ vì thành phố mà vì cả khu vực và cả nước. Tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tiếp tục được hiện thực hóa tại Nghị quyết về Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được HĐND thành phố ban hành.
Phát huy lợi thế đặc biệt về cảng biển
Nghị quyết về Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được ban hành ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050. Tại nghị quyết mang tính định hướng này, HĐND thành phố nhấn mạnh: quy hoạch thành phố phải phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước, các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng.
Quy hoạch thành phố cũng phải cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo về phát triển thành phố của Đảng và Nhà nước; chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế đặc biệt về cảng biển đối với cả miền Bắc, lợi thế nằm trên “hai hành lang một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, xây dựng Hải Phòng thành thành phố cảng biển lớn, trung tâm kết nối trong nước và quốc tế, phát triển “ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á”, là động lực phát triển của vùng và cả nước.
Theo định hướng của nghị quyết, Hải Phòng sẽ mở rộng không gian khu kinh tế ven biển, phát triển nhanh các ngành kinh tế biển, lĩnh vực khoa học - công nghệ biển để thực sự đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước. Qua đó, sớm trở thành thành phố có công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số, góp phần quan trọng xây dựng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Về không gian phát triển của thành phố được phân bố hợp lý và gắn kết chặt chẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, phát triển Hải Phòng trở thành đô thị đặc biệt, xanh, thông minh. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại; trước hết, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối thông suốt cảng biển với các các vùng nội địa, làm cơ sở phát triển mạnh dịch vụ logistics và hạ tầng phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
Nghị quyết cũng xác định, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia; bảo đảm an toàn cuộc sống và sản xuất của người dân, doanh nghiệp cả trên đất liền và trên biển, đảo; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Tập trung ba mũi đột phá
Theo Nghị quyết của HĐND thành phố, Hải Phòng xác định mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển để trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; có dịch vụ phát triển hiện đại, là trung tâm du lịch biển quốc tế, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không và đường thủy nội địa; trung tâm logistics quốc tế; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Thành phố sẽ tập trung thực hiện 3 đột phá phát triển, gồm: Đột phá thứ nhất là về cảng biển và logistics với định hướng xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Xây dựng cảng cửa ngõ Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ quốc tế có chức năng trung chuyển container; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics; mở rộng không gian phát triển khu kinh tế ven biển trên địa bàn.
Đột phá thứ hai là chuyển đổi số toàn diện theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Phát triển mạnh kinh tế số, trước hết là ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Đồng thời, hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của dân cư.
Đột phá thứ ba là xây dựng quần thể du lịch biển Hải Phòng (Cát Bà - Đồ Sơn) có sức hấp dẫn cao, thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế và trong nước, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mạnh. Liên kết với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Quảng Ninh và các tỉnh Duyên hải Đông Bắc, trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng lớn trong khu vực và thế giới, thành phố cảng biển toàn cầu với ba trụ cột phát triển chính: dịch vụ cảng biển; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao, môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngang tầm với các thành phố cảng hàng đầu châu Á và thế giới.
Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập nhấn mạnh: việc HĐND thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết mang tính định hướng về Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2050 là căn cứ quan trọng để UBND thành phố hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và là cơ sở sớm triển khai một số quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật cũng như các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn.