Thực tế ảo có thể mở ra phương pháp điều trị tốt hơn với chứng rối loạn tâm thần

Vào tháng 5.2022, Daniel Freeman, giáo sư tâm lý học tại Đại học Oxford (Anh), đã công bố kết quả của một thử nghiệm lâm sàng mang tính bước ngoặt. Trong nhiều năm, Daniel Freeman đã phát triển và tinh chỉnh việc sử dụng gameChange, phần mềm trị liệu nhận thức VR (thực tế ảo).

Được hướng dẫn bởi một huấn luyện viên ảo, người dùng sẽ trải qua hàng loạt tình huống hằng ngày, từ lên xe buýt đến bước vào quán cà phê, đánh giá mức độ sợ hãi của họ ở mọi giai đoạn.

Cuộc thử nghiệm gồm 346 người mắc chứng rối loạn tâm thần, thường xuyên trải qua tình trạng lo lắng và sợ hãi nghiêm trọng.

Kai Conibear, tác giả cuốn sách The Myth-Busting Guide to Psychosis (Hướng dẫn phá bỏ lầm tưởng về bệnh tâm thần), cho biết: “Rối loạn tâm thần không phải là bệnh tâm thần mà là một triệu chứng xuất hiện như một phần của các bệnh tâm thần khác nhau”.

346 bệnh nhân này gồm cả những người mắc bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và rối loạn căng thẳng sau tổn thương.

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ, có từ 15 đến 100 người trong số 100.000 người mắc chứng rối loạn tâm thần hàng năm. Kai Conibear cho biết có quan niệm rằng những người mắc chứng rối loạn tâm thần vốn dĩ hung hãn.

Ông nói: “Trên thực tế, hầu hết những người mắc chứng rối loạn tâm thần đều cực kỳ dễ bị tổn thương. Họ có xu hướng trốn tránh và tự cô lập hơn là ra đường chạy nhảy và gây ồn ào, nhưng đó chính là điều thu hút sự chú ý của giới truyền thông”.

Thử nghiệm của Daniel Freeman đặc biệt tập trung vào những người mắc chứng "tránh né và sợ đám đông cực độ" do rối loạn tâm thần. Phương pháp điều trị này là một loại liệu pháp tiếp xúc, trong đó nhà trị liệu ảo hướng dẫn người dùng vượt qua các tình huống căng thẳng để giúp giảm bớt nỗi sợ hãi và điều chỉnh suy nghĩ của họ.

Nghiên cứu chỉ ra những người tham gia sử dụng phần mềm gameChange ít cảm thấy đau khổ và né tránh hơn đáng kể, đồng thời cho biết họ cảm thấy ít bị đe dọa hơn trong môi trường của mình. Các nhà nghiên cứu nói những bệnh nhân lo lắng nghiêm trọng nhất sẽ nhận được những lợi ích lớn nhất. Những kết quả này được coi là thành công đến nỗi năm ngoái, Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh đã phê duyệt gameChange như một lựa chọn điều trị.

Việc sử dụng VR trong chăm sóc sức khỏe bắt đầu từ đầu những năm 1990, khi nó lần đầu tiên được thử nghiệm như một phương pháp điều trị chứng lo âu. Phải mất nhiều thời gian nhưng các nhà nghiên cứu đang dần xây dựng một trường hợp để chứng minh rằng VR, đặc biệt là khi kết hợp với các phương pháp trị liệu truyền thống hơn, có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của những người mắc chứng rối loạn tâm thần.

Những người rối loạn tâm thần sử dụng phần mềm gameChange ít cảm thấy đau khổ và né tránh hơn đáng kể, đồng thời cảm thấy ít bị đe dọa hơn trong môi trường của mình - Ảnh: Internet

Những người rối loạn tâm thần sử dụng phần mềm gameChange ít cảm thấy đau khổ và né tránh hơn đáng kể, đồng thời cảm thấy ít bị đe dọa hơn trong môi trường của mình - Ảnh: Internet

Rào cản với phương pháp điều trị bằng VR

Kim Bullock, nhà nghiên cứu về tâm thần kinh tại Đại học Stanford (Mỹ), nói bà chỉ biết về những tiến bộ của VR thông qua nghiên cứu của chính mình. Kim Bullock nói với trang Insider: “Tôi khám phá ra rằng có lượng lớn bằng chứng về phương pháp điều trị bằng VR đã tồn tại trong suốt 30 năm, nhưng không ai trong số chúng tôi được thông báo về nó trong quá trình học tập hoặc đào tạo chuyên môn”.

Kim Bullock là một trong số các nhà nghiên cứu đang ghi nhận số lượng ngày càng tăng các thử nghiệm đo lường hiệu quả của VR như một công cụ bổ sung trong cả chẩn đoán và điều trị rối loạn tâm thần phân liệt. Kim Bullock là thành viên của nhóm đứng sau bài đánh giá có hệ thống được xuất bản vào mùa hè năm ngoái, đi sâu vào 23 bài viết nghiên cứu trên 14 quốc gia.

Trong những nghiên cứu này, VR được sử dụng để điều trị đủ thứ, từ lo âu, kỹ năng xã hội đến ảo giác hoang tưởng, thường với sự trợ giúp của các kỹ thuật sức khỏe tâm thần thông thường hơn, như liệu pháp nhận thức - hành vi. Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh “quan niệm sai lầm phổ biến” rằng những người mắc chứng rối loạn tâm thần có thể bị tổn hại bởi trải nghiệm VR vì hình đại diện hoặc giọng nói có thể bắt chước ảo giác của họ.

Ngược lại, các tác giả viết rằng phương pháp VR có thể làm giảm các triệu chứng và cải thiện sức khỏe thể chất, chất lượng cuộc sống và chức năng tâm lý xã hội, đặc biệt là khi kết hợp với các phương pháp điều trị và thuốc khác. Họ mô tả VR là một “công cụ có giá trị để cải thiện kết quả lâm sàng, gồm việc tuân thủ dùng thuốc, động lực và phục hồi chức năng”.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả của việc điều trị VR, song Kim Bullock đã mô tả các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường thận trọng theo đúng bản chất.

Bà nói thêm: "Chúng tôi không được đào tạo về VR, không có khả năng dùng thử và không có tiêu chuẩn cũng như phương pháp hay nhất nào được đặt ra". Kim Bullock mô tả sự thận trọng này, chứ không phải chi phí hay hậu cần, là rào cản chính với các phương pháp điều trị bằng VR.

Trong cuốn sách của mình, Kai Conibear đã phỏng vấn 8 người từng trải qua các triệu chứng rối loạn tâm thần. Theo ông, nhiều người trong số họ đã nói về quan niệm sai lầm rằng "những người mắc chứng rối loạn tâm thần vốn dĩ nguy hiểm và hung hãn". Đây là một định kiến cố hữu và dẫn đến việc những người bệnh nặng bị giam giữ nghiêm ngặt thay vì được cung cấp điều trị và hỗ trợ.

Trải nghiệm VR đang nâng cao nhận thức như thế nào

Ngoài việc điều trị, VR đang được sử dụng để giáo dục và nâng cao nhận thức về chứng rối loạn tâm thần thực sự. Bảo tàng Không gian Tâm trí của Hồng Kông nằm ẩn mình bên trong Bảo tàng Castle Peak, thuộc quận Tuen Mun. Vào tháng 8.2023, bảo tàng đã mở 4 “phòng trải nghiệm triệu chứng” khác nhau, cho phép du khách trải nghiệm chứng rối loạn tâm thần phân liệt được mô phỏng bằng VR.

Với sự hỗ trợ của kính bảo hộ và tai nghe, du khách có thể trải nghiệm cảm giác khi đi bộ qua những địa điểm hàng ngày, chẳng hạn như thư viện và chợ, với những giọng nói ảo giác trong đầu và những hình ảnh ảo giác nhấp nháy trước mắt.

Sau bài tập VR, du khách được cung cấp một buổi chia sẻ với các nhân viên hỗ trợ ngang hàng, những người cũng mắc chứng rối loạn tâm thần, theo tiến sĩ Jessica Wong, đồng Chủ tịch Ủy ban Điều hành Viện Sức khỏe Tâm thần. Những nhân viên hỗ trợ này trò chuyện về trải nghiệm cá nhân của họ với với chứng rối loạn tâm thần, giúp phá bỏ những lầm tưởng về bệnh tâm thần.

Jessica Wong cho biết sự kết hợp giữa công nghệ VR và tương tác mặt đối mặt này được thiết kế để thúc đẩy “sự đồng cảm, hiểu biết và giáo dục về sức khỏe tâm thần”.

"Nó nhằm mục đích giảm bớt sự kỳ thị và nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần. Cuối cùng, du khách rời đi với nhận thức rằng những người đang gặp phải những thách thức về sức khỏe tâm thần cũng không khác gì bất kỳ ai khác", Jessica Wong nói.

Bất chấp sự miễn cưỡng của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Mỹ, những nhà nghiên cứu ở Anh, Hồng Kông, Canada và các nơi khác đang xây dựng một trường hợp thuyết phục về phương pháp điều trị bằng VR.

Kai Conibear ủng hộ điều này. "Hiện tại, hầu hết các phương pháp điều trị có sẵn đều là thuốc hoặc liệu pháp, vì vậy đây là một lựa chọn thay thế thực sự thú vị. Tôi thích ý tưởng rằng bạn có thể tiếp xúc với những tình huống này, nhưng sau đó bạn thoát khỏi mô phỏng và ở một nơi an toàn với mọi thứ bạn cần để bình tĩnh lại", ông cho hay.

Khi so sánh với các loại thuốc mới và khả năng gây ra tác dụng phụ của chúng, Kai Conibear tin rằng có rất ít điều ngăn cản những người mắc chứng rối loạn tâm thần thử dùng VR. Ông kết luận: “Tôi thực sự cảm thấy đây là cách công nghệ nên được sử dụng. Chắc chắn sẽ cần có nhiều công nghệ như vậy hơn thế nữa".

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thuc-te-ao-co-the-mo-ra-phuong-phap-dieu-tri-tot-hon-voi-chung-roi-loan-tam-than-218185.html