Thực thi Nghị định 168: Tránh 'đánh trống bỏ dùi' khiến người dân 'nhờn luật'

Theo chuyên gia, việc thực thi Nghị định 168 cần có tính liên tục, toàn diện, tránh 'đánh trống bỏ dùi', khiến người dân 'nhờn luật'

Chấn chỉnh tình trạng "nhờn Nghị định 168"

Theo Cục Cảnh sát giao thông, sau 3 tháng áp dụng Nghị định 168, tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên VOV.VN, tại một số nơi bắt đầu tái hiện tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật

Đại tá Nguyễn Quang Nhật

Liên quan đến nội dung này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: "Thời gian gầy đây xuất hiện tình trạng “nhờn luật”, một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông có dấu hiệu không chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), mặc dù đã biết các chế tài xử phạt đã được tăng nặng theo Nghị định 168".

Để chấn chỉnh hình thành thói quen tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm 6 nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông; việc xử lý vi phạm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” từ đó tạo lập và hình thành văn hóa tham gia giao thông “văn minh”, “hiện đại” và “an toàn”.

Vận hành, khai thác, điều khiển đèn tín hiệu giao thông nhằm phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng ngừa giải quyết ùn tắc giao thông; quản lý việc sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe cho người dân được nhanh chóng từ cấp cơ sở…

Thực hiện Nghị định 168 cần tránh tình trạng "ra quân" theo đợt

TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: "Giai đoạn đầu thi hành NĐ168, dư luận nói nhiều về việc người tham gia giao thông đã thay đổi, nâng cao ý thức tự giác. Đó là kết luận hơi sớm. Chỉ là bước đầu thay đổi, chủ yếu vì sợ bị phạt. Vì thế mới cần công tác giáo dục, nâng cao ý thức và công tác cưỡng chế một cách khẳng định, thường xuyên, lâu dài. Tuy nhiên lức lượng CSGT đang rất nhiều việc, vì vậy, nên tăng cường ứng dụng công nghệ, như dự kiến lắp 3400 camera phạt nguội ở Hà Nội...".

TS. Nguyễn Hữu Đức

TS. Nguyễn Hữu Đức

Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, ý thức tự giác khi tham gia giao thông chỉ hình thành hoặc là sau một quá trình giáo dục, rèn luyện lâu dài hoặc sau một tác động mạnh như trực tiếp phải nộp phạt khoản tiền lớn, hay gặp tai nạn giao thông.... "Giáo dục, rèn luyện lâu dài là phương pháp bền vững nhất để xây dựng ý thức tự giác. Việc giáo dục cần bắt đầu từ sớm, từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, xây dựng văn hóa giao thông văn minh là những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi thời gian, sự kiên trì và sự phối hợp của nhiều bên, trong đó có sự cưỡng chế của CSGT".

Ngoài ra, các biện pháp xử phạt nghiêm khắc, đặc biệt là phạt tiền nặng, có thể tạo ra tác động tức thời, và trong một số trường hợp, đối với một số người, tạo ra bài học nhớ đời tới mức khiến người vi phạm thay đỏi ý thức lâu dài. Tai nạn giao thông cũng là một tác động mạnh, nhưng hậu quả của nó là vô cùng lớn, gây tổn thất về người và tài sản. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tác động mạnh, ý thức tự giác sẽ không được hình thành trên diện rộng. Khi lực lượng chức năng giảm kiểm soát, người dân có thể tái phạm. Chính vì vậy, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, Nghị định 168 cần kết hợp vừa cả tăng cường xử phạt nghiêm khắc, vừa đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền.

Cần tăng cường ứng dụng công nghệ, thực hiện phạt nguội...góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Cần tăng cường ứng dụng công nghệ, thực hiện phạt nguội...góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông

"Việc thực thi Nghị định 168 cần có tính liên tục và nhất quán. Tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi", khiến người dân "nhờn luật". Cần duy trì sự hiện diện của lực lượng chức năng, đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm soát giao thông thông minh. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một văn hóa giao thông an toàn, văn minh. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của mỗi người dân. Nghị định 168 cần góp phần vào quá trình này, tạo ra những chuyển biến tích cực trong ý thức của người tham gia giao thông. Cần có những chương trình tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông một cách thường xuyên và liên tục. Đặc biệt là các chương trình hướng đến việc xây dựng văn hóa giao thông", TS. Nguyễn Hữu Đức nêu quan điểm.

TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh: "Ý thức tự giác khi tham gia giao thông là yếu tố then chốt để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nghị định 168 cần được thực thi một cách toàn diện, kết hợp cả biện pháp răn đe và biện pháp giáo dục, để tạo ra những chuyển biến tích cực và bền vững".

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thuc-thi-nghi-dinh-168-tranh-danh-trong-bo-dui-khien-nguoi-dan-nhon-luat-post1188784.vov