Thực trạng nắng nóng đáng báo động trên toàn cầu
Nắng nóng trên toàn cầu có thể tiếp tục lập những kỷ lục mới, khiến nhân loại tiến nhanh tới mức độ không thể cứu vãn và thực tế không còn nhiều thời gian để hành động.
Theo giới chuyên gia quốc tế, thống kê khí tượng toàn cầu đang ở mức đáng báo động khi tháng 6/2023 là tháng 6 nóng nhất trong lịch sử nhân loại với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 0,5 độ C so với giai đoạn 1991-2020. Tiếp đó, ngày 3/7/2023 ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,01 độ C, ngày 4/7/2023 đạt 17,18 độ C, tăng khoảng 1 độ C so với giai đoạn 1979-2020. Những con số "biết nói" này phản ánh dấu hiệu cụ thể của tình trạng trái đất đang nóng lên nhanh hơn mức dự báo.
Mùa Hè năm nay mới chỉ bắt đầu đã liên tục ghi nhận những kỷ lục nắng nóng, điển hình như ở Anh, Trung Quốc, Mỹ... Đặc biệt, nhiều nơi tại khu vực Bắc Mỹ, nhiệt độ đã tăng khoảng hơn 10 độ C so với mức trung bình theo mùa trong tháng. Cùng với đó, Canada và vùng bờ biển phía Đông nước Mỹ bị bao phủ bởi khói của các đám cháy rừng; khí thải CO2 ước tính ở mức kỷ lục 130 mét khối. Ấn Độ - quốc gia được coi là dễ bị tổn thương nhất với khí hậu đã ghi nhận mức tăng mạnh số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ tăng cao. "Mùa Hè chết chóc" là cụm từ nói về nỗi lo ngại hàng đầu trong xã hội Tây Ban Nha, Mexico, Iran, miền Tây Australia... Thậm chí, Nam cực đang trong mùa Đông nhưng cũng ghi nhận mức nhiệt cao bất thường xấp xỉ 9 độ C.
Phân tích từ giới khoa học, các đợt nắng nóng xảy ra với cường độ mạnh hơn, tần suất thường xuyên hơn là điều đã được các nhà khoa học dự đoán lâu nay, bởi sự gia tăng các hoạt động tiêu cực của con người đối với môi trường, đặc biệt là đốt nhiên liệu hóa thạch.
Năm 2023, hiện tượng thời tiết El Nino đã khiến mùa Hè trở nên đặc biệt oi bức, ngột ngạt hơn. Đây là kiểu khí hậu xảy ra trong tự nhiên liên quan đến sự nóng lên của bề mặt đại dương ở vùng nhiệt đới trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đầu tháng 7/2023 cảnh báo, El Nino tái diễn sau chu kỳ từ 2 đến 7 năm, thường kéo dài từ 9 đến 12 tháng. WMO khuyến nghị các nước cần chuẩn bị biện pháp ứng phó với các sự kiện thời tiết cực đoan do El Nino gây ra.
Theo Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas, sự trở lại lần này của El Nino sau 7 năm kể từ tháng 8/2016 sẽ làm tăng khả năng phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ và gây nắng nóng cực đoan hơn ở Thái Bình Dương, cũng như nhiều nơi trên thế giới. Trong nửa cuối năm nay, 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài với cường độ vừa phải.
Dự báo từ các nhà khoa học cho biết, mùa Hè 2023 sẽ tiếp tục chứng kiến các kỷ lục về nắng nóng và vượt mức trung bình lịch sử vào năm 2024. Nhiều học giả khí tượng dự báo, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể vượt quá 29 độ C, vượt ngưỡng giới hạn chịu đựng của con người. Điều này sẽ khiến 2 tỷ người, tương đương 20% dân số thế giới phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm vào cuối thế kỷ này.
Một vấn đề lo ngại hiện nay là cách tiếp cận với vấn nạn này của các quốc gia. Điển hình như Quỹ Thiên nhiên thế giới (WFN) mới đây cảnh báo rằng, cuộc đàm phán khí hậu ở Bonn (Đức) thiếu xung lực một cách đáng lo ngại vì chỉ đạt được tiến bộ nhỏ trong những vấn đề then chốt như nhiên liệu hóa thạch và tài chính trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào tháng 11 và tháng 12/2023.
Nhà khoa học khí hậu John Abraham tại Đại học St. Thomas ở Minnesota (Mỹ) nhận định, thế giới hành động chưa đủ để chống biến đổi khí hậu có hiệu lực thực chất. Việc đảo ngược quá trình toàn cầu là điều không thể, nhưng vẫn có thể làm chậm quá trình này với thời kỳ đỉnh cao của nền kinh tế xanh. Quốc tế cần nỗ lực thực chất hơn đối với chuyển đổi xanh, thực hiện hiệu quả giải pháp giảm thiểu khí thải carbon cùng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.