Thuế carbon ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp điện, than?
Giá tín chỉ carbon hiện tại đang giao dịch ở mức khoảng 80-100 euro cho mỗi tấn thép. Theo chuyên gia dự đoán vào năm 2030, mức giá này có thể tăng gấp 3 lần, đạt khoảng 300 euro. Điều này sẽ tác động đáng kể đến hàng trăm doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các công ty khai thác than và sản xuất điện từ nguồn năng lượng hóa thạch...
Mới đây, Chính phủ có thông báo giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chủ động đối thoại với các đối tác trong quá trình triển khai nhiệm vụ về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU).
Công văn yêu cầu các Bộ, ngành nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi áp dụng CBAM, đặc biệt đối với các sản phẩm nông, lâm nghiệp, đồng thời nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ và miễn trừ phù hợp cho Việt Nam. Bộ Công Thương được giao theo dõi tình hình áp dụng CBAM tại các quốc gia như Mỹ và Canada, cũng như tham gia các diễn đàn quốc tế để nâng cao khả năng hợp tác và công nhận chính sách của Việt Nam liên quan đến giá carbon.
Theo ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững tại Intertek Việt Nam, CBAM được EU thiết lập nhằm chống hiện tượng “rò rỉ carbon”, nơi doanh nghiệp có thể chuyển các hoạt động sản xuất phát thải cao ra nước ngoài để tránh các tiêu chuẩn khắt khe. CBAM đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên mức phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất tại nước xuất khẩu.
Cũng theo ông Long, thuế carbon là một công cụ hiệu quả để điều chỉnh lượng phát thải carbon hàng năm theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ông cho rằng, mặc dù tác động tổng thể của CBAM đến nền kinh tế Việt Nam không lớn, nhưng các ngành hàng cụ thể sẽ phải đối mặt với áp lực đáng kể do giá trị xuất khẩu giảm. Trong đó, có các ngành công nghiệp nặng như xi măng, sắt thép, đặc biệt là các công ty khai thác than và sản xuất điện từ nguồn năng lượng hóa thạch, là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thuế carbon. Với mức thuế cao, các doanh nghiệp trong ngành năng lượng sẽ phải đối mặt với áp lực lớn để giảm phát thải và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng tái tạo.
Ông Long nhấn mạnh rằng, việc các doanh nghiệp đã trả phí carbon tại Việt Nam sẽ được khấu trừ khi xuất khẩu sang châu Âu. Tuy nhiên, nếu thị trường carbon không được thiết lập kịp thời, các doanh nghiệp sẽ gặp thiệt hại lớn. Các nhà sản xuất ở các nước thứ ba cần tính toán đầy đủ lượng phát thải carbon, bao gồm cả phát thải trực tiếp và gián tiếp, trong sản phẩm xuất khẩu.
“Giá tín chỉ carbon sẽ tiếp tục tăng, với mức giá cho mỗi tấn thép có thể đạt tới 300 euro vào năm 2030”, ông Long dự đoán.
Do đó, ông đề nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực xi măng, sắt thép và điện cần lập kế hoạch sớm để thích ứng với cơ chế CBAM. Ước tính khoảng 200 doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi cơ chế này, do vậy, cần có kế hoạch cụ thể để giảm thiểu tác động.
Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nêu rõ, giai đoạn đầu của việc phân bổ hạn ngạch sẽ tập trung vào các lĩnh vực phát thải lớn như nhiệt điện, sản xuất sắt thép và xi măng. Khoảng 200 cơ sở, chiếm khoảng 45% tổng phát thải của các cơ sở cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính, sẽ được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu.
Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp trong nước hiện chưa quen với việc xây dựng báo cáo phát thải khí nhà kính và chưa đủ năng lực để tính toán lượng phát thải trên sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các tiêu chuẩn môi trường, quản trị và xã hội để nâng cao nhận thức và năng lực thực thi, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của châu Âu khi có sự chuyển đổi cần thiết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù thuế carbon gây ra áp lực tài chính lớn cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nặng và năng lượng, nhưng nó cũng thúc đẩy sự chuyển mình về công nghệ và chiến lược kinh doanh. Các doanh nghiệp cần chủ động đối phó với thách thức này bằng cách đầu tư vào công nghệ sạch và điều chỉnh chiến lược kinh doanh để tối ưu hóa lợi ích lâu dài.