Thuế cho tăng trưởng xanh từ kinh nghiệm quốc tế và những chính sách đi kèm
Nội dung của Dự án 'Nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam' mà CIEM vừa công bố được kỳ vọng sẽ có giá trị thực tiễn tốt nếu tiếp tục nghiên cứu sâu về kinh nghiệm quốc tế và đưa ra những chính sách đi kèm.
Tại Hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam” diễn ra ngày 11/3, đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới về việc sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Theo đó, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở các quốc gia nhìn chung đều hướng tới giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ xanh và các ngành công nghiệp sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, nhiên liệu hóa thạch, áp dụng các công cụ kinh tế nhằm buộc các nhà sản xuất chuyển chi phí bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm, khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bảo vệ môi trường.
Các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch… và một số nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…) là những quốc gia tiên phong về thực hiện tăng trưởng xanh thông qua việc áp dụng nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh.
Thái Lan, Malaysia, Nam Phi, Trung Quốc… cũng đã miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải.
Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc… thì ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ.
Ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được áp dụng rộng rãi tại Indonesia, Hàn Quốc
Ông Hải cho rằng, kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia có thể áp dụng cho Việt Nam, với sự đánh giá khách quan cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, để làm sao không chỉ bảo vệ môi trường mà còn phát triển kinh tế, nuôi dưỡng để cho doanh nghiệp phát triển nhiều hơn vì doanh nghiệp chính là hạt nhân của nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu áp dụng thành công kinh nghiệm quốc tế vào Việt Nam, bà Đặng Thị Thu Hoài, Thư ký Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm: Dự án cần phải có những nghiên cứu sâu hơn. Nghiên cứu để đưa ra cụ thể mức thuế áp dụng như thế nào thì phù hợp.
“Ở các nước phát triển, phần trăm GDP của thuế môi trường rất cao, 3-4%, trong khi các nước đang phát triển chỉ khoảng 0,2-0,3% thôi. Soi vào kinh nghiệm quốc tế và soi vào thực tế của chúng ta sau này mới có thể đánh giá toàn diện cho công cụ chính sách thuế để chính sách đó vừa có giá trị về môi trường, vừa có giá trị về kinh tế. Từ đó có thiết kế chính sách, lộ trình thuế cho phù hợp”, bà Hoài nói.
Cũng theo bà Hoài, áp dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững phải có chính sách đi kèm để giảm thiểu tác động tiêu cực về mặt xã hội hoặc tiêu cực về mặt kinh tế.
Nghiên cứu cụ thể hơn, cần phân thành hai nhóm nước phát triển và đang phát triển hoặc hai nhóm nước thu nhập trung bình và thu nhập cao.
Đồng thời, nên lựa chọn một số sắc thuế trong thời gian tới để áp dụng sau khi đã phân tích kỹ tác động từ 3 khía cạnh môi trường, kinh tế, xã hội.
Đưa ra lo ngại thuế có thể chồng thuế nếu việc áp dụng không linh hoạt kinh nghiệm của các nước vào Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế khuyến nghị Dự án nên phân tích các sắc thuế có quan hệ với nhau thế nào, kinh nghiệm quốc tế thế nào, làm sâu hơn, phí bảo vệ môi trường cụ thể của các nước là bao nhiêu.
“Có tình trạng thuế chồng thuế không? Tôi thấy chồng rất nhiều thứ (VAT, thu nhập doanh nghiệp), vậy phải xem mức trùng là bao nhiêu. Thuế phải bảo đảm hai mục tiêu lớn là phục vụ tăng trưởng và mục tiêu công bằng. Cần phân tích rõ hơn chính sách thuế - đặt chính sách thuế trong tổng thể các chính sách, đưa ra mô hình chính khi thuế tăng thì tác động tới cả người sản xuất và người tiêu dùng như thế nào”, ông Lạng nói.
Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Thị Tuệ Anh kỳ vọng kết quả nghiên cứu sâu sẽ góp phần củng cố các luận cứ khoa học về sử dụng chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam, phục vụ việc xây dựng Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược tài chính 2021-2030.