Thuê đất canh tác để sản xuất: Hình thức tích tụ ruộng đất hiệu quả
Việc dồn điền, đổi thửa nhằm hạn chế tình trạng manh mún ruộng đất, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp. Trong điều kiện đất đai thuộc quyền sử dụng của người dân thì việc các tổ chức, cá nhân thuê lại ruộng đất là hình thức tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn đã mang lại hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Tân, thôn Phú Lương, xã Cấp Tiến thuê lại ruộng đất của nhiều hộ dântrong khu vực để trồng 3 ha chuối.
Mô hình trồng chuối tiêu hồng 3 ha của ông Hoàng Văn Tân, thôn Phú Lương, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) là điển hình trong việc tích tụ đất đai từ việc thuê lại đất của người dân. Ông Tân cho biết, gia đình ông chỉ có 0,1 ha, diện tích còn lại là thuê của người dân trong thôn. Năm 2014, ông Tân mạnh dạn trồng chuối tiêu hồng trên đất soi bãi, sau 9 tháng chăm sóc chuối ra buồng, quả to, mẫu mã đẹp. Ngay năm đầu tiên gia đình ông Tân đã thu gần 50 triệu đồng, so với trồng màu như ngô, đỗ, trồng chuối giá trị tăng hơn 4 lần. Nhận thấy đất soi bãi rất phù hợp với cây chuối tiêu hồng, ông Tân đã mạnh dạn thuê lại 2,9 ha đất của các hộ dân gần đó không có nhu cầu canh tác để mở rộng quy mô trồng chuối, trong đó đã có 1,1 ha chuối cho thu hoạch. Việc thuê đất được ông Tân thỏa thuận trả cho người có đất bằng 50 kg ngô/sào/năm. Theo ông Tân, trước đây diện tích ít chủ yếu phải làm thủ công, giờ đất đai được mở rộng ông sử dụng máy móc làm đất, chăm sóc và làm cỏ nên nhanh và hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều. Với 3 ha chuối cho thu vài trăm triệu đồng/năm.
Mô hình tích tụ ruộng đất bằng cách thuê lại đất của người dân được Tổ hợp tác trồng hoa, cây cảnh phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) thực hiện nhiều năm trở lại đây đang mang lại hiệu quả kinh tế cho cả đôi bên. Ông Bùi Văn Tình, tổ 22, phường Ỷ La, thành viên tổ hợp tác cho biết, trước đây gia đình ông trồng hoa trên ruộng nhà, do diện tích ít 0,03 ha nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2016, ông mạnh dạn thuê lại hơn 1,3 ha ruộng 1 vụ của 10 hộ dân quanh khu vực mở rộng vườn, với mức thuê là 50 kg lúa/sào/năm. Với 1,4 ha hoa, trung bình mỗi năm ông Tình thu gần 500 triệu đồng.
Việc thuê đất sản xuất đã tạo ra những diện tích liền vùng, liền thửa quy mô lớn từ 1 ha đến 6 ha để canh tác cùng một loại cây trồng. Các địa phương cũng khuyến khích các hộ dân có đất nhưng không có khả năng canh tác nên cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê lại, tránh tình trạng đất bị bỏ hoang gây lãng phí. Đây là tín hiệu rất đáng mừng để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, năng suất cao, chất lượng tốt. Từ đó, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thực hiện tốt việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, mở hướng phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, trước sự dịch chuyển mạnh từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp ở vùng nông thôn thì việc tích tụ ruộng đất bằng cách thuê lại đất của các hộ không có khả năng sản xuất để xây dựng các cánh đồng lớn chuyên canh là rất hợp lý, hạn chế được tình trạng bờ xôi, ruộng mật bị bỏ hoang do thiếu nguồn lao động đang xảy ra tại một số tỉnh, thành phố trên toàn quốc.