Thuế đối ứng của ông Trump và bài toán được mất

Nhiều chuyên gia cho rằng đòn thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ lên thế giới mà cả chính nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến thế giới dậy sóng khi công bố áp thuế đối ứng quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhắm tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo thông báo của Nhà Trắng, Mỹ sẽ áp mức thuế đối ứng 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 5-4. Thêm vào đó, Mỹ áp thuế đối ứng cao hơn mức 10% lên hàng chục quốc gia mà có thâm hụt thương mại với Mỹ và các mức thuế này sẽ được áp dụng từ ngày 9-4.

Campuchia chịu mức thuế đối ứng cao nhất là 49%. Các nước khác chịu thuế đối ứng này bao gồm Trung Quốc (34%), Việt Nam (46%), Lào (48%), Thái Lan (36%), Myanmar (44%). Các đồng minh thân cận của Mỹ cũng chịu loại thuế này, chẳng hạn Nhật (24%), Hàn Quốc (25%), Liên minh châu Âu (20%) và Ấn Độ (26%).

Nhà Trắng cho biết các mức thuế đối ứng này sẽ giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia do thâm hụt thương mại lớn và dai dẳng gây ra, xuất phát từ việc thiếu sự tương hỗ trong các mối quan hệ thương mại và các chính sách bất lợi cho Mỹ như thao túng tiền tệ và thuế giá trị gia tăng (VAT) cao do các nước áp dụng lên hàng hóa Mỹ.

Sẽ bùng nổ cuộc chiến thuế quan?

Đòn thuế đối ứng này làm dấy lên lo ngại sẽ châm ngòi cho thương chiến toàn cầu khi các nước bị Mỹ áp thuế có những động thái đáp trả.

Với mức thuế đối ứng 34%, cộng với mức thuế mà ông Trump trước đó đã áp lên hàng Trung Quốc là 20%, tổng cộng, hàng hóa Trung Quốc phải gánh tới 54% thuế khi nhập khẩu vào Mỹ.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng lên tất cả các nước vào ngày 2-4. Ảnh: NHÀ TRẮNG

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng lên tất cả các nước vào ngày 2-4. Ảnh: NHÀ TRẮNG

Điều này đã khiến Trung Quốc phản ứng quyết liệt. Ngày 3-4, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nước này sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi mức thuế này là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới và cho biết liên minh 27 thành viên đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích và doanh nghiệp châu Âu nếu các cuộc đàm phán với Washington thất bại. Bà von der Leyen cũng cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn thành loạt biện pháp đối phó với thuế thép mà Mỹ áp lên khối này trước đó, nhưng cũng nhấn mạnh rằng vẫn chưa quá muộn để giải quyết các lo ngại này thông qua đàm phán.

Các nước khác như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan bày tỏ quan ngại trước mức thuế mới nhưng tránh chỉ trích gay gắt chính quyền ông Trump hay tung ra đòn đáp trả ngay lập tức.

Nhật gọi việc Mỹ áp thuế đối ứng là “hành động vô cùng đáng tiếc” và đang xem xét liệu quyết định của ông Trump có vi phạm quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và Hiệp định Thương mại Nhật - Mỹ được ký kết dưới chính quyền ông Trump vào năm 2019 hay không. Theo giới chức Nhật, Tokyo vẫn đang cố gắng thuyết phục chính quyền ông Trump suy nghĩ lại.

Cũng giống Nhật, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại nước này “phân tích kỹ lưỡng các chi tiết và tác động của mức thuế quan và tích cực tham gia đàm phán với Mỹ để giảm thiểu thiệt hại”. Ông Han đánh giá tình hình đang vô cùng nghiêm trọng và mong chính phủ dùng mọi khả năng để vượt qua cuộc khủng hoảng thương mại này.

Mức thuế của ông Trump sẽ gây hại cho Mỹ?

Các chuyên gia của công ty tài chính JPMorgan cho rằng nếu Tổng thống Trump duy trì mức thuế quan mà ông công bố cũng như các chính sách thương mại chưa từng thấy của ông thể khiến cả nền kinh tế Mỹ và toàn cầu rơi vào suy thoái vào năm 2025, đài CNN đưa tin.

Các nhà phân tích này lưu ý rằng mức thuế này sẽ khiến người Mỹ phải trả thêm 660 tỉ USD một năm, là mức tăng lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này cũng sẽ khiến giá cả tăng vọt, tăng thêm 2% vào Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát mà Mỹ vốn đã phải vật lộn để đưa chỉ số này giảm xuống.

 Các mức thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố hôm 2-4. Nguồn: NHÀ TRẮNG

Các mức thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố hôm 2-4. Nguồn: NHÀ TRẮNG

Theo các chuyên gia JPMorgan, mức thuế mới sẽ gây nên cú sốc đáng kể về kinh tế vĩ mô. Cú sốc này sẽ trở nên trầm trọng hơn do tâm lý tiêu dùng và kinh doanh giảm sút, cũng như bất kỳ hành động trả đũa nào của các nước khác nhằm vào Mỹ.

Nhóm Business Roundtable - nhóm gồm khoảng 200 Giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn hàng đầu của Mỹ, dù ủng hộ mục tiêu ông Trump là đảm bảo Mỹ có các thỏa thuận thương mại tốt hơn và công bằng hơn nhưng cũng cảnh báo rằng mức thuế này có thể phản tác dụng đối với nền kinh tế Mỹ.

Theo CEO Business Roundtable - ông Joshua Bolten cho rằng mức thuế này có nguy cơ gây ra thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất, công nhân, gia đình và nhà xuất khẩu của Mỹ và thiệt hại đối với nền kinh tế Mỹ sẽ tăng lên khi thuế quan được áp dụng lâu hơn và có thể trở nên trầm trọng hơn do các biện pháp trả đũa.

Ông Bolten cho biết nhóm CEO kêu gọi chính quyền và các đối tác thương mại nhanh chóng đạt được các thỏa thuận thương mại nhằm "xóa bỏ các mức thuế quan này. Thực tế, khi đưa ra mức thuế này, ông Trump đã để ngỏ khả năng đàm phán cho các quốc gia.

Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ rằng các mức thuế quan này sẽ có hiệu lực cho đến khi ông Trump quyết định rằng mối đe dọa do thâm hụt thương mại và đối xử không công bằng đã được giải quyết hoặc giảm thiểu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng nhắn nhủ rằng các quốc gia không nên trả đũa ngay lập tức vì mức thuế này không phải là điều bất di bất dịch mà hãy bình tĩnh để đàm phán.

Doanh nghiệp Mỹ: Người mừng kẻ lo trước đòn thuế của ông Trump

Việc Tổng thống Trump áp thuế cao đối với thế giới gây ra phản ứng trái chiều trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ cho rằng thuế quan sẽ khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ càng thêm lo lắng và bất ổn. Theo Liên đoàn này, thuế không phải do các quốc gia hoặc nhà cung cấp nước ngoài chi trả mà do các nhà nhập khẩu Mỹ gánh chịu. Việc áp thuế đòi hỏi thông báo trước và sự chuẩn bị đáng kể của hàng triệu doanh nghiệp Mỹ vốn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Còn Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia Mỹ dù đang phân tích các chi tiết trong chính sách thuế mới nhưng cho rằng mức thuế này sẽ khiến chi phí tăng cao, đe dọa đầu tư, việc làm, chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh vượt trội của Mỹ với các nước khác.

Tương tự, Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ nêu rõ mối lo ngại của các chủ doanh nghiệp rằng thuế quan sẽ làm tăng chi phí thực phẩm và bao bì, gây thêm bất ổn trong việc quản lý nguồn cung khi nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ, vì vậy giá cả sẽ đội lên gây gánh nặng cho người tiêu dùng.

Trái lại, ông Kevin Dempsey, lãnh đạo Viện Sắt và Thép Mỹ, cảm ơn Tổng thống Trump vì đã "đứng lên bảo vệ người lao động Mỹ" trong bối cảnh các nhà sản xuất thép của Mỹ đều quá quen thuộc với những ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động thương mại không công bằng của doanh nghiệp nước ngoài đối với các ngành công nghiệp trong nước và người lao động.

Ông John Williams, Giám đốc điều hành của Liên minh Tôm miền Nam, cũng biết ơn việc áp thuế của chính quyền ông Trump mà ông cho là sẽ bảo vệ việc làm cho người Mỹ, an ninh lương thực và các doanh nghiệp ngành tôm trong bối cảnh các doanh nghiệp này “không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài tuân theo một bộ quy tắc hoàn toàn khác".

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thue-doi-ung-cua-ong-trump-va-bai-toan-duoc-mat-post842372.html