Thuế đối ứng giữ nguyên 10%, doanh nghiệp 'chạy đua' đưa thủy sản sang Mỹ
Thuế đối ứng được Mỹ áp lên các đối tác thương mại, trong đó, có Việt Nam đang gây ra những xáo trộn không nhỏ cho ngành thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ làm gì khi thuế đối ứng vẫn giữ mức 10% trong 90 ngày tới?

Mỹ chưa tăng thuế đối ứng trong 90 ngày, doanh nghiệp thủy sản sẽ chạy đua đàm phán trả đơn hàng. Ảnh: Trung Chánh
Rạng sáng 10-4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế đối ứng đã được công bố trước đó với hơn 75 quốc gia đã chủ động liên hệ với Mỹ. Trong thời gian 90 ngày tới, mức thuế đối ứng áp dụng cho Việt Nam chỉ 10% thay vì 46% như đã công bố trước đây.
Ưu tiên giải quyết đơn hàng đã ký
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Mỹ là thị trường lớn nhất, nhì của ngành thủy sản Việt Nam. Trong đó, 70% giá trị xuất khẩu từ thủy sản nuôi, gồm tôm, cá tra, nhuyễn thể và các loại cá nước ngọt và 30% giá trị còn lại từ sản phẩm khai thác.
Thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ được hưởng thuế 0% hoặc 5,5-7% do thuế chống bán phá giá và sẽ chịu thêm 10% thuế đối ứng mới, áp dụng trong 90 ngày. Điều này có nghĩa, thuế bán thủy sản Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng mạnh trong 90 ngày tới nhưng so với mức đã công bố trước đó là 46% thì vẫn thấp hơn rất nhiều.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Cafatex cho biết, việc Mỹ áp thuế đối ứng 10% trong 90 ngày đồng nghĩa khó khăn cho ngành thủy sản giảm bớt trong giai đoạn trước mắt nhưng diễn biến dài hạn ra sao vẫn phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa chính phủ hai nước ở phía trước.
Với quyết định nêu trên của Mỹ, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng sẽ có thời gian đàm phán với đối tác nhập khẩu nhằm giải quyết giải những đơn hàng đã ký kết. “Đây là vấn đề không có công thức giải quyết chung, tức tùy mỗi đơn vị và khách hàng sẽ có hướng giải quyết riêng”, ông giải thích và thông tin, đối tác của Cafatex đã cho một công thức để tính toán nhưng không tiết lộ cụ thể.
Báo cáo sơ bộ và chưa đầy đủ của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây cho thấy, có khoảng 31.500 tấn hàng dự kiến xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 4 và 5-2025 và nhiều đơn hàng đã được ký kết cho năm 2025, với khoảng 38.500 tấn.
Theo đó, phương thức vận chuyển hàng thủy sản chủ yếu là giao hàng tận kho (DDP) khi xuất khẩu sang Mỹ, nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam phải chịu toàn bộ chí phí, gồm vận chuyển, bảo hiểm, thuế trước khi giao hàng và chờ thanh toán từ đối tác Mỹ. Điều này đồng nghĩa, mức thuế mới có thể sẽ do doanh nghiệp thủy sản Việt Nam gánh chịu
Theo ông Kịch, trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu chịu thuế đồng nghĩa giá bán sẽ giảm trong khi nếu nhà nhập khẩu chịu, người tiêu dùng Mỹ sẽ chi trả cao hơn để mua thủy sản. Với bối cảnh khó khăn như vậy khả năng sức tiêu thụ sẽ giảm.
Tóm lại, đây là cơ hội để doanh nghiệp thủy sản giải quyết khó khăn trước mắt với kỳ vọng giữ được khách hàng, chờ một mặt bằng thuế mới trong tương lai khi có kết quả đàm phán.
Ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng cho biết, tạm thời doanh nghiệp chưa biết phải làm gì vì khách hàng nhập khẩu chưa đàm phán cũng không hối giao hàng nên doanh nghiệp phải đợi.
Dịch chuyển, tìm kiếm thị trường mới: không dễ
Trả lời câu hỏi của KTSG Online về khả năng dịch chuyển, tìm kiếm thị trường mới trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng, ông Phẩm cho rằng, câu chuyện không đơn giản theo cách nghĩ “bán không được ở thị trường này thì bán thị trường khác” vì phải theo quy luật, khách hàng.
Trong khi đó, ông Kịch của Cafatex cho rằng, nếu Việt Nam dịch chuyển, doanh nghiệp các nước trong cùng ngành hàng cũng tính tương tự, tức là nếu tất cả dồn vào thị trường khác cũng không dễ, nhất là khi sản phẩm của Việt Nam như tôm bình thường đã kém cạnh tranh hơn so với Ấn Độ hay Ecuador. “Tất cả chuyện này khỏi ai nhắc, bản thân người mua hàng sẽ liên lạc với mình nhưng quan trọng giá có cạnh tranh hay không?”, ông cho biết.
Khai thác thêm thị trường mới là không dễ bởi Nhật Bản và châu Âu nhập cũng ít trong khi Trung Quốc mua để tái xuất cũng đang “mắc kẹt”. Ưu tiên hiện nay là giải quyết đơn hàng đã ký, giữ khách hàng để chờ tương lai được định hình rõ ràng hơn.

Cuộc đua đẩy mạnh sản xuất trong thời gian ngắn có thể khiến giá nguyên liệu thủy sản bị đẩy lên. Ảnh: Trung Chánh
Việc Mỹ có mức thuế đối ứng 10% trong 90 ngày đồng nghĩa doanh nghiệp thủy sản có thời gian ba tháng để xử lý các đơn hàng đã ký kết với đối tác. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh sản xuất trong thời gian ngắn có thể sẽ dẫn đến giá nguyên liệu thủy sản trong nước bị đẩy lên cao, trái ngược diễn biến sụt giảm xảy ra cách đây ít ngày.
Ông Phẩm của thủy sản Sóc Trăng xác nhận, sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng 46%, giá nguyên liệu thị trường nội địa có sụt giảm nhưng hiện cũng đã bình ổn trở lại.
Trong khi đó, ông Kịch cảnh báo giá sẽ tăng mạnh khi doanh nghiệp ngành thủy sản có khả năng chạy hết công sức để kịp tiến độ giao hàng trong 90 ngày trong khi nguồn nguyên liệu đang thiếu hụt nên khả năng giá sẽ tăng cao. “Nhiều người mua ít người bán trong khi nguyên liệu ít, giá sẽ tăng”, ông cho biết.