Thuế quan 104% của Mỹ lên Trung Quốc chính thức có hiệu lực sau ngày 9/4

Mức thuế quan kỷ lục 104% của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực sau thời điểm 0 giờ sáng 9/4 (giờ Mỹ), đánh dấu đỉnh điểm trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt chính thức đưa ra thông báo trên vào tối 8/4 (giờ Mỹ). Bà cho biết mức thuế 104% là hệ quả trực tiếp của việc Trung Quốc không chấp nhận dỡ bỏ thuế đáp trả 34% lên hàng hóa Mỹ.

"Khi bị đấm, Mỹ sẽ đấm trả mạnh hơn", Thư ký Leavitt nhấn mạnh, đồng thời khẳng định Tổng thống Donald Trump "có xương sống bằng thép" và sẽ không nhượng bộ. Bà cũng tiết lộ Washington vẫn mở cửa đàm phán, nhưng chỉ trên cơ sở các thỏa thuận "được thiết kế riêng" thay vì điều kiện có sẵn.

Mức thuế quan kỷ lục 104% của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực sau thời điểm 0 giờ sáng 9/4 (giờ Mỹ). Ảnh: EPA

Mức thuế quan kỷ lục 104% của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực sau thời điểm 0 giờ sáng 9/4 (giờ Mỹ). Ảnh: EPA

Trước đó, Tổng thống Trump đã ra tối hậu thư, đe dọa sẽ nâng tổng mức thuế áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 104%, nếu Bắc Kinh không rút lại các khoản thuế trả đũa 34% áp lên hàng Mỹ trước ngày 9/4. Phản ứng trước động thái này, Trung Quốc gọi mức áp thuế 104% là "sai lầm chồng chất sai lầm", đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường biện pháp đáp trả .

"Chúng tôi kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích phát triển của mình", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm khẳng định trong buổi họp báo tối 8/4, "Nếu Mỹ tiếp tục gây chiến tranh thương mại và chiến tranh thuế quan, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng".

Giới phân tích nhận định Bắc Kinh có nhiều lựa chọn để gây sức ép, từ hạn chế xuất khẩu đất hiếm đến siết chặt hoạt động của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, với thâm hụt thương mại lớn (295 tỷ USD năm 2024), nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ chịu tổn thất nặng nề hơn. Citibank đã hạ dự báo tăng trưởng GDP nước này năm 2025 xuống còn 4,2% do rủi ro leo thang.

Tin tức về thuế quan 104% đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm điểm vào cuối phiên 8/4, với S&P 500 lần đầu đóng cửa dưới 5.000 điểm trong gần một năm. Tính riêng 4 ngày sau thông báo thuế quan của Tổng thống Trump, các công ty trong S&P 500 đã mất 5.800 tỷ USD giá trị vốn hóa – mức sụt giảm mạnh nhất kể từ thập niên 1950.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang gấp rút tìm địa điểm sản xuất thay thế như Việt Nam hay Mexico, trong khi người tiêu dùng Mỹ đổ xô tích trữ hàng hóa. Một đôi giày chạy sản xuất tại Việt Nam có giá 155 USD dự kiến tăng lên 220 USD do thuế quan 46%. Micron – nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ – cũng thông báo áp phụ phí từ ngày 9/4.

ĐỌC NGAY: Tổng thống Trump cảnh báo bất kỳ nước nào trả đũa, đều sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn

Không chỉ Trung Quốc, hơn 60 quốc gia bị Mỹ xếp vào nhóm "vi phạm tồi tệ nhất" cũng phải đối mặt thuế quan từ 20-49%. Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét áp thuế trả đũa 25% lên đậu nành và thép Mỹ, trong khi Canada tuyên bố đánh thuế 25% lên xe nhập khẩu từ Mỹ không đáp ứng tiêu chuẩn CUSMA.

Giới chuyên gia cảnh báo cuộc chiến thuế quan có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái. 75% người Mỹ được Reuters/Ipsos thăm dò nhận định giá cả sẽ tăng vọt, trong khi Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan, gọi chính sách của Tổng thống Trump là "sai lầm" có thể làm suy yếu vị thế của Mỹ.

Dù vậy, một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Italia lên lịch đàm phán với Mỹ để giảm thuế quan. "Chúng tôi đã tiếp xúc với hơn 70 quốc gia, tất cả đều muốn tham gia thỏa thuận", Tổng thống Trump tuyên bố trong lúc ký sắc lệnh thúc đẩy sản xuất than trong nước tối 8/4 (giờ Mỹ) – động thái được xem như chiêu bài giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thue-quan-104p-cua-my-len-trung-quoc-chinh-thuc-co-hieu-luc-sau-ngay-9-4.666592.html