Thuế quan Mỹ: Thử thách và chiến lược tái định vị doanh nghiệp Việt

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những thử thách lớn, việc Mỹ áp đặt thuế quan mới đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam mang đến những khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để DN Việt tái cấu trúc chiến lược, tìm kiếm các thị trường mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Điểm sáng kinh tế Việt Nam

Trong giai đoạn 2025 - 2026, nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm lại. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến duy trì ở mức 2,8% vào năm 2025, tương đương với năm 2024, do sự suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc. Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm nhẹ, xuống khoảng 4%, tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng.

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại chương trình Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 82 với chủ đề "Kinh tế thế giới và Việt Nam 2025 - 2026 trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ: Tác động và giải pháp đối với doanh nghiệp Việt"

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại chương trình Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 82 với chủ đề "Kinh tế thế giới và Việt Nam 2025 - 2026 trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ: Tác động và giải pháp đối với doanh nghiệp Việt"

Tuy nhiên, các rủi ro địa chính trị, chiến tranh thương mại và biến đổi khí hậu vẫn là những yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, việc Mỹ áp đặt các biện pháp thuế quan mới có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với Việt Nam, nền kinh tế được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2025 - 2026. Ngân hàng Thế giới dự báo GDP thực của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% vào năm 2025 và 6,5% vào năm 2026. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5%, với GDP bình quân đầu người khoảng 4.900 USD.

Lạm phát được kiểm soát ở mức 4 - 4,5%, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người tiêu dùng. Xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại vào cuối quý IV/2025. Đầu tư công được đẩy mạnh, góp phần cải thiện hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi cho DN tư nhân phát triển.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng đạt được những bước tiến quan trọng. Việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia và Singapore đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại, cũng như thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ. Cùng với đó, các cơ hội từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất từ các quốc gia lớn như Trung Quốc cũng tạo ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam.

Trong giai đoạn 2025 - 2026, Việt Nam có thể kỳ vọng vào những đột phá về thể chế và cải cách bộ máy nhà nước. Các chính sách cải cách đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản đang dần được triển khai, tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho các DN. Các nghị quyết hỗ trợ cơ chế đặc thù cho những ngành, lĩnh vực đặc biệt, như bất động sản hay các DN khởi nghiệp sáng tạo, giúp gia tăng tính minh bạch và giảm bớt thủ tục hành chính, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và lâu dài của nền kinh tế.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 82 sáng ngày 10/5

Các doanh nghiệp tham gia chương trình Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 82 sáng ngày 10/5

Tác động thuế quan mới của Mỹ đến Việt Nam

Trong bối thuế quan của Mỹ, các DN Việt Nam có thể khai thác cơ hội mở rộng xuất khẩu sang Mỹ hay các nền kinh tế khác khi các quốc gia này tìm kiếm nguồn cung thay thế cho những sản phẩm hiện tại. Việt Nam có thể tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và đầu tư, đặc biệt là khi các quốc gia khác tìm cách giảm phụ thuộc vào những nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, cơ hội này phụ thuộc vào mức thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Để phát triển bền vững trong môi trường này, các DN Việt Nam cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, gia tăng sức mạnh nội lực và nội địa hóa sản xuất, từ đó đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường toàn cầu. Điều này sẽ giúp tăng cường tính tự chủ, khả năng chống chịu và sự tự cường trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bên cạnh cơ hội, nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Một trong những vấn đề lớn nhất là việc xuất khẩu có thể giảm do nhu cầu của các thị trường tiêu thụ chính giảm, đặc biệt là khi các nền kinh tế lớn như Mỹ gặp khó khăn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bao gồm cả nguồn vốn từ Mỹ, cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý e ngại của nhà đầu tư, rủi ro chính sách toàn cầu và các chính sách khuyến khích sản xuất tại chính Mỹ. Thêm vào đó, xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và điều tra về gian lận thuế, nguồn gốc xuất xứ, và trung chuyển hàng hóa, có thể khiến Việt Nam gặp phải rủi ro bị áp thuế đối ứng và hạn chế xuất khẩu công nghệ cao.

Ngoài ra, các DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa từ các nước khác xuất khẩu vào Việt Nam, đặc biệt là khi nguồn cung từ Trung Quốc đang dư thừa. Những vấn đề này còn kéo theo chi phí logistics gia tăng, rủi ro lãi suất và tỷ giá, cũng như nợ xấu tăng lên. Trong kịch bản cơ sở, nếu Mỹ áp dụng thuế đối ứng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 20 - 25%), giá trị thuế bổ sung có thể lên đến 50 tỷ USD/năm. Trong trường hợp Việt Nam giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ (xuống 0%), thiệt hại về thu thuế ước tính khoảng 1,2 tỷ USD. Những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ba kịch bản tăng trưởng GDP cho năm 2025. Cụ thể, ở kịch bản cơ bản (được đánh giá có xác suất xảy ra cao nhất, khoảng 60%) nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng tương đối tích cực. Theo đó, GDP dự kiến tăng trưởng trong khoảng 6,5 - 7%, trong khi lạm phát được kiểm soát ở mức 4 - 4,5%. Kịch bản này giả định rằng các chính sách ứng phó của Chính phủ phát huy hiệu quả, các DN kịp thời điều chỉnh chiến lược, và căng thẳng thương mại không leo thang ngoài kiểm soát.

Ngược lại, ở kịch bản tiêu cực (xác suất xảy ra khoảng 20%), nền kinh tế chịu tác động mạnh hơn do sự kết hợp giữa căng thẳng thương mại kéo dài, gián đoạn chuỗi cung ứng, và nhu cầu suy giảm từ thị trường Mỹ. Trong trường hợp này, tăng trưởng GDP chỉ đạt mức khiêm tốn từ 5,5 - 6%, trong khi lạm phát có thể tăng lên 5%, gây sức ép lên chi phí sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, một kịch bản tích cực cũng được đặt ra với xác suất tương đương 20%. Trong kịch bản này, Việt Nam tận dụng tốt cơ hội tái cơ cấu chuỗi cung ứng, thu hút thêm dòng vốn FDI chất lượng cao, và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ. Nhờ đó, tăng trưởng GDP có thể vươn lên mức 7,5 - 8%, trong khi lạm phát được duy trì ở mức thấp hơn, chỉ khoảng 3,5% đến 4%. Đây là viễn cảnh lý tưởng, thể hiện hiệu quả của việc đa dạng hóa thị trường, tăng cường năng lực nội sinh và áp dụng các chính sách kinh tế linh hoạt, chủ động.

Tất đông doanh nghiệp tham gia chương trình Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 82 sáng ngày 10/5 với chủ đề "Kinh tế thế giới và Việt Nam 2025 - 2026 trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ: Tác động và giải pháp đối với doanh nghiệp Việt"

Tất đông doanh nghiệp tham gia chương trình Cafe doanh nhân HUBA lần thứ 82 sáng ngày 10/5 với chủ đề "Kinh tế thế giới và Việt Nam 2025 - 2026 trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ: Tác động và giải pháp đối với doanh nghiệp Việt"

Giải pháp cho DN Việt Nam

Thuế quan Mỹ mở ra cơ hội cho DN Việt Nam đa dạng hóa thị trường, địa phương hóa sản xuất và tăng cường năng lực nội sinh. Để vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội, DN Việt Nam cần triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, DN nên tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, phí và lãi suất. Việc áp dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí cũng là một hướng đi thiết thực.

Thứ hai, chuyển đổi số và xanh hóa. DN cần xây dựng chiến lược dài hạn, áp dụng các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) và đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả.

Thứ ba, đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng. DN nên mở rộng sang các thị trường mới như ASEAN, Ấn Độ hoặc châu Phi, nơi có nhu cầu cao đối với sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, đa dạng hóa đối tác, sản phẩm và nguồn vốn sẽ giúp giảm rủi ro.

Thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đầu tư vào nguồn nhân lực, công nghệ và quản lý là yếu tố then chốt. DN cần cải thiện quản lý rủi ro tài chính, tỷ giá và pháp lý, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường quốc tế. Tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác thị trường nội địa cũng là cách để tăng cường khả năng chống chịu.

Thứ năm, tận dụng FTAs và quan hệ song phương. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và quan hệ đối tác với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Úc và Singapore mang lại nhiều cơ hội. DN cần nghiên cứu kỹ để tận dụng các ưu đãi thuế quan và mở rộng thị trường.

Thứ sáu, tăng cường biện pháp chủ động. DN cần theo dõi sát sao tác động của thuế quan lên ngành và DN cụ thể, xây dựng kế hoạch chia sẻ chi phí với đối tác. Hợp tác với các cơ quan đại diện nước ngoài để mở rộng mạng lưới và đối thoại với đối tác quốc tế. Đồng thời, đề xuất các chính sách phù hợp với Chính phủ để giải quyết các thách thức ngành.

Với khẩu hiệu “Tư duy mới, Cơ hội mới” cho giai đoạn 2025 - 2026, DN cần đổi mới tư duy, nắm bắt cơ hội từ các xu hướng toàn cầu và đóng góp vào việc xây dựng một kỷ nguyên phát triển mới cho Việt Nam.

Giai đoạn 2025 - 2026 đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt với các thuế quan mới từ Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để DN đổi mới, đa dạng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bằng cách tận dụng chính sách hỗ trợ, chuyển đổi số, xanh hóa và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, DN Việt Nam có thể vượt qua khó khăn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tư duy chiến lược, chúng ta sẽ cùng nhau tạo nên một tương lai thịnh vượng.

Kim Loan ghi

TS. Cấn Văn Lực

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/thue-quan-my-thu-thach-va-chien-luoc-tai-dinh-vi-doanh-nghiep-viet-317713.html