Buộc phải có công bố hợp quy để quản lý chất lượng sản phẩm

Về vấn đề bãi bỏ Điều 48 về công bố hợp quy đối với sản phẩm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là một công cụ để chúng ta quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trong thị trường.

Sáng 10/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Tại phiên thảo luận, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là quy định về công bố hợp quy, nhiều đại biểu cho rằng, đây thật sự là một khó khăn cho doanh nghiệp, gây tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và tạo gánh nặng cho người tiêu dùng trong nước. Giải trình về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, bắt buộc phải có công bố hợp quy để quản lý chất lượng sản phẩm, không để ra thị trường những sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng.

Không làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu

Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, việc thử nghiệm, chứng nhận, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa trong nhiều trường hợp bị lặp lại, gây tốn kém chi phí, tăng thời gian cho doanh nghiệp, làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu, tại Điều 48 dự thảo luật đã bổ sung quy định về công bố hợp quy được dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được công nhận hoặc đăng ký theo quy định của pháp luật để hạn chế việc phải thực hiện thử nghiệm, chứng nhận lặp lại, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Ngoài ra, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau, cho phép được thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp thông lệ quốc tế và cam kết FTA thế hệ mới (Điều 57). Việc quy định như vậy không làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu.

Công bố hợp quy - gánh nặng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh?

Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng, tồn tại quy định về công bố hợp quy cũng chưa phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Bài học từ vụ việc sữa giả kém chất lượng vừa qua là điển hình của việc lơ là trong công tác “hậu kiểm”. Về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa. Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ quy định công bố hợp quy đối với hàng hóa có quy chuẩn kỹ thuật, lý do chuẩn mực quốc tế và yêu cầu kỹ thuật liên quan đến chất lượng hàng hóa, an toàn sản phẩm hàng hóa, Hiệp định TBT, Hiệp định SPS của WTO quy định các nước có quyền đưa ra các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa, Việt Nam gọi là quy chuẩn kỹ thuật để tổ chức, cá nhân tham chiếu, áp dụng trong sản xuất kinh doanh sản phẩm hàng hóa để Nhà nước làm căn cứ kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kiểm tra.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng quy định công bố hợp quy là chưa tương thích với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng quy định công bố hợp quy là chưa tương thích với thông lệ quốc tế.

Cho rằng quy định công bố hợp quy là chưa tương thích với thông lệ quốc tế, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) phân tích, việc quy định công bố hợp quy khiến Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia còn áp dụng quy định này, trong khi đó, pháp luật của các nước là đối tác thương mại lớn cũng không quy định. Điều này không chỉ đi ngược lại với thông lệ quốc tế mà còn có nguy cơ khiến các đối tác thương mại nhìn nhận đây là hành động phi thuế quan, không hợp lý, không có cơ sở khoa học, gây khó khăn cho Việt Nam trong mở rộng thị trường.

Ngoài ra, còn tạo gánh nặng về chi phí, thời gian, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, làm lỡ nhiều cơ hội kinh doanh quý báu của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Thực tế cho thấy, để thực hiện công bố hợp quy, doanh nghiệp phải tốn kém không ít chi phí cho việc kiểm nghiệm mẫu, chưa kể tới thời gian chờ đợi để được đăng ký, tiếp nhận và công bố”- đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho biết.

Đại biểu Trần Thị Vân kiến nghị bãi bỏ quy định về công bố hợp quy.

Đại biểu Trần Thị Vân kiến nghị bãi bỏ quy định về công bố hợp quy.

Cũng đồng tình quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) nêu rõ, hiện nay có khoảng 20 hiệp hội đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp thành viên và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để phân tích, đánh giá, làm rõ tác động của quy định này đến việc quản lý và họ đều có chung kiến nghị bãi bỏ quy định về công bố hợp quy. Cùng với đó, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Trần Thị Vân cho biết, không có quốc gia nào trên thế giới áp dụng quy định công bố hợp quy. "Quy định về công bố hợp quy hiện nay chỉ mang tính hình thức, chồng chéo và không cần thiết, gây tốn kém". Đại biểu dẫn chứng việc công bố hợp quy thì làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, gia tăng chi phí, thời gian chờ đợi và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa doanh nghiệp trong nước.

“Chỉ để hoàn tất một thủ tục công bố hợp quy cho một sản phẩm, doanh nghiệp phải chi trả trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng, thậm chí có trường hợp lên tới 15 đến 30 triệu đồng, đáng nói là thủ tục này phải tái thực hiện 3 năm một lần, tạo ra một chu kỳ lãng phí liên tục” - đại biểu nêu và đề nghị xem xét bãi bỏ quy định công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa tại Điều 48 dự thảo Luật, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp và có tính cạnh tranh cao.

Công cụ quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu, về vấn đề bãi bỏ Điều 48 về công bố hợp quy đối với sản phẩm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là một công cụ để chúng ta quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trong thị trường. “Nếu chúng ta không có tiêu chuẩn để chúng ta quản lý, giám sát, kể cả tiền kiểm chưa nói đến hậu kiểm thì ảnh hưởng ngay đến an toàn sức khỏe của người dân, của cộng đồng, môi trường. Những vấn đề đó các nước đều có cả, như tổ chức tiêu chuẩn hóa ISO 1750 của quốc tế, rồi Liên minh châu Âu hay các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc... đều có những thứ đó hết, bắt buộc chúng ta cũng phải có” – Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta quản lý loại nào. quản lý đến đâu và quản lý bằng cách nào để vẫn đảm bảo được công tác quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị mà không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, không ảnh hưởng đến môi trường, không ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội nhưng phải thuận lợi hóa cho sự minh bạch và thuận lợi hóa cho các hoạt động doanh nghiệp, giảm chi phí, giảm thời gian tuân thủ và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, cho hàng hóa Việt Nam chứ không chậm lại gây cản trở, gây rào cản, bớt cơ hội cho doanh nghiệp.

“Đấy là việc mà chúng tôi cho rằng vẫn phải quản lý nhưng phải thay đổi phương thức và cách quản lý” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lấy ví dụ về vụ phoóc môn trong bánh phở gần 30 năm trước, lúc đó chúng ta rất lúng túng và cũng chính vì không có những quy định nên mỗi nơi quản lý một kiểu, mỗi nơi thực hiện một kiểu. Ở Hà Nội đi đóng dấu từng rổ bánh phở một, nhưng ở TP Hồ Chí Minh lại không phải như thế, ra tiêu chuẩn, quy chuẩn, ra các điều kiện xong rồi kiểm tra hậu kiểm.

“Hay gần đây nhất, chúng ta đã nghe rất nhiều vấn đề về sữa giả, kẹo bánh, các thuốc, thực phẩm chức năng một là giả, hai là kém chất lượng, nếu chúng ta không có các tiêu chuẩn, quy chuẩn này thì làm sao đưa ra thị trường mà ảnh hưởng đến sức khỏe người dân được” – Phó Thủ tướng khẳng định và bày tỏ nhất trí với phân loại sản phẩm, loại nào có rủi ro cao thì bắt buộc phải tiền kiểm, bắt buộc phải có quy định và phải thực hiện ngay từ đầu trước khi ra thị trường, loại nào cho thực hiện nhưng hậu kiểm, sau ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sau này chúng ta kiểm tra ở khâu hậu kiểm sau vì nếu bãi bỏ thì thật sự là khó cho công tác quản lý nhà nước.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/buoc-phai-co-cong-bo-hop-quy-de-quan-ly-chat-luong-san-pham-i767871/