Thung lũng hoa ban

Đi trong thung lũng Mường Thanh những ngày tháng Tư, đâu đâu cũng rực rỡ sắc hoa ban mỏng manh mà diễm lệ. Với diện tích tự nhiên rộng lớn gần như bao trọn lấy thành phố Điện Biên, cái tên Mường Thanh từ xa xưa vốn đã nổi danh khắp tám phủ mười châu vùng Tây Bắc, bởi đây là cánh đồng lúa lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc cùng nhiều loại gạo thơm ngon. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, tên của vùng đất này còn gắn với những chiến công oanh liệt và gắn với sắc hoa ban rừng giản dị. Ngày nay, những sắc ban tím, đỏ, trắng ở Mường Thanh là một phần biểu trưng cho sự chiến thắng và sự phát triển vươn lên từ lạc hậu, khó khăn của thành phố cực Tây Bắc Tổ quốc.

Những bản làng nơi biên giới Điện Biên thắm sắc hoa ban. Ảnh: Tuệ Lâm

Những bản làng nơi biên giới Điện Biên thắm sắc hoa ban. Ảnh: Tuệ Lâm

Theo truyền thuyết và truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc Thái Tây Bắc, hoa ban là biểu tượng của tình yêu, sự hiếu thảo với cha mẹ tổ tiên, là dấu hiệu báo mùa xuân - mùa của tình yêu và lễ hội. Hoa ban được dùng để dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên, được nam nữ thanh niên mang về tặng cha mẹ, tặng người yêu. Và điều lý thú là những cánh hoa mỏng manh, đẹp đến nao lòng ấy cũng là một món rau rừng trong những bữa cơm của gia đình người Thái. Cùng với thời gian, hoa ban trở thành niềm tự hào của các dân tộc đang sinh sống trên vùng Tây Bắc.

Mỗi người dân đang sinh sống, công tác và học tập trên vùng đất này đều có những cảm nhận và niềm tự hào rất riêng về thành phố trẻ đang thay da đổi thịt từng ngày của họ. Nghệ nhân Hoàng Thím, một tay đàn tính tẩu cừ khôi của dân tộc Thái thì luôn lưu giữ những hình ảnh của Mường Thanh trong ký ức. Mường Thanh đối với ông và người Thái trắng mãi mãi là Mường Trời, là nơi gắn với truyền thuyết về sự ra đời của dân tộc Thái. Đây là “đất tổ” của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á. Bằng ánh mắt xa xăm như nhìn về cõi khác và giọng kể như đang hát “khắp” (một điệu hát truyền thống của dân tộc Thái), ông đưa chúng tôi vào câu truyện sử thi của người Thái, hai anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần tìm nơi lập nghiệp.

Tạo Xuông đã dừng chân dựng bản làng ở Mường Lò, xây dựng nên vùng đất tổ tiên của người Thái đen ở khắp vùng Tây Bắc, vì thấy ở đây đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào. Còn Tạo Ngần lên Mường Then (Mường Trời), tức Mường Thanh ngày nay, xây dựng bản làng người Thái trắng và cũng trồng lúa nước là chủ yếu. Cho nên, hạt gạo Điện Biên đã thành danh từ lâu. Hương thơm của hạt gạo nơi này đã bay xa, vượt núi non đến nhiều nơi, được nhiều người biết đến. Ông bảo, Mường Thanh của ông ngày nay đẹp hơn trước nhiều lắm, từ các xã, phường cho đến thôn, bản đều có điện, có đường và nhất là có nhà văn hóa cho cộng đồng dân cư sinh hoạt. Và mỗi tối thứ Bảy, ông lại cùng cây đàn tính của mình đi tới các nhà văn hóa để biểu diễn phục vụ bà con miễn phí.

Còn dưới cái nhìn của bà Nguyễn Thị Ánh, một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh lúa gạo tại thành phố Điện Biên, thì cánh đồng Mường Thanh đầy hố bom, chi chít công sự lô cốt ngày nào, nay đã bốn mùa lúa, ngô xanh tốt bạt ngàn. Lương thực làm ra không những đủ ăn trong tỉnh, mà còn bán cho các tỉnh khác, đặc biệt là hai loại: Gạo tám hạt nhỏ và gạo nếp hạt tròn mang thương hiệu gạo Điện Biên. Xã Thanh Nưa đã có đường bê tông đi vào từng ngõ xóm, đồng lúa đang vào kỳ làm đòng, rất tươi tốt. Nhờ tiếp thu được kỹ thuật mới là gieo sạ thẳng nên lúa ở bản đạt năng suất cao hơn hẳn cách gieo cấy truyền thống. Cả bản chỉ có 35 héc ta lúa nước, vậy mà vẫn đủ thóc gạo nuôi 517 nhân khẩu, tính ra mỗi héc ta đạt 6 tấn thóc. Bản Mển vừa được tỉnh Điện Biên công nhận là “Bản văn hóa” vì có nhiều thành tích, nổi trội nhất là từ 3 năm nay không có phụ nữ sinh con thứ 3 và không có tệ nạn xã hội.

Miền đất hoa ban vốn là chiến trường của trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm xưa đang có những bước chuyển mình rõ rệt để trở thành một đô thị có nét kiến trúc đặc trưng, tạo được dấu ấn riêng. Với những tham vọng được dựa trên nguồn lực sẵn có cùng các kết quả nghiên cứu, khảo sát xã hội học vững chắc, tỉnh đã đề ra “Định hướng phát triển hệ thống đô thị; Định hướng tổ chức không gian công nghiệp và Định hướng tổ chức không gian du lịch...”. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển toàn diện thành phố Điện Biên Phủ cả về kinh tế - văn hóa - xã hội, từng bước xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc có cơ cấu kinh tế hiện đại, có sức lan tỏa mạnh đến các khu đô thị khác trong vùng.

Từ nội lực và tiềm năng sẵn có, những năm qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Điện Biên đã trình các đề án khả thi đề nghị Chính phủ xét duyệt, đồng thời nỗ lực kêu gọi, huy động các bộ, ngành, các thành phần kinh tế giúp đỡ, tham gia củng cố, phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông vốn có như đường hàng không, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cửa khẩu thông thương với các nước trong khu vực, tiếp tục mở rộng, nâng cấp thêm các đường tuyến huyện, xã. Nhờ đó mà ngày nay, những con đường nối đồng bằng châu thổ sông Hồng lên tới thành phố cực Tây - Điện Biên Phủ đã trở thành những con đường du lịch về văn hóa, lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên vào tốp đầu cả nước.

Trong các công viên, các khu vực công cộng và khu di tích của Điện Biên tràn ngập màu xanh của lá và sắc đỏ, tím, trắng của những cánh hoa ban Tây Bắc. Loài hoa ấy đã gắn bó với đời sống và đi sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân nơi đây bằng vẻ đẹp tinh khôi, diễm lệ như tâm hồn người con gái Tây Bắc và trở thành biểu tượng của tình yêu, của khát vọng vươn lên và hạnh phúc trường tồn. Những triền rừng sáng bừng màu hoa trắng điểm nhụy tím, những con đường bồng bềnh hoa trôi, những góc phố dịu thơm hương hoa tỏa lan từ những cành lá khẳng khiu là biểu trưng cho sức sống trỗi dậy mãnh liệt, vượt qua khắc nghiệt của thời tiết và điều kiện sống... Để rồi “Lễ hội thành phố hoa ban” đã trở thành lễ hội văn hóa - du lịch đặc sắc hàng năm của Điện Biên, mời gọi du khách trăm miền về với vùng đất lịch sử này.

Đến với thung lũng hoa ban những ngày này, điều khiến du khách khắp nơi dễ dàng bắt gặp nhất chính là những con đường hoa ban rực rỡ, những chuyến xe đi thăm lại chiến trường của các thế hệ cựu chiến binh đến từ mọi tỉnh, thành trong cả nước, cùng biết bao công trình đang dần mọc lên giữa lòng chảo một thời khói lửa năm xưa. Cả Điện Biên hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ để hướng tới những thành tựu lớn lao hơn nữa.

Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thung-lung-hoa-ban-post449624.html