'Thước đo' cho cam kết tăng trưởng xanh
Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã chủ động chuyển đổi quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ xanh. Những bước đi tiên phong này góp phần hiện thực hóa cam kết của nước ta về phát thải ròng bằng '0' (Net Zero) vào năm 2050.

Công nhân vận hành hệ thống công nghệ hiện đại tại Nhà máy sữa TH, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Tiên phong trong chuyển đổi xanh
Hiện nay, việc giảm phát thải khí nhà kính và trung hòa các-bon chưa là quy định bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đang ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi xanh trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động giảm phát thải, tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi xanh hiệu quả.
Nổi bật trong số đó là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về ứng phó với biến đổi khí hậu; Chương trình Quốc gia về năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng (2015) với nhiều chính sách ưu đãi; Quyết định số 2068/ QĐ-TTg về phát triển thị trường các-bon (2020) cho phép giao dịch tín chỉ các-bon và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi, bổ sung) yêu cầu kiểm kê khí nhà kính đối với doanh nghiệp phát thải lớn.
Với những chính sách khuyến khích nêu trên, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và ứng dụng công nghệ xanh nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Đáng chú ý là xu hướng thành lập các bộ phận chuyên trách nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.
Tập đoàn VinGroup đầu tư lớn vào các dự án xe điện VinFast, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông và phát triển năng lượng tái tạo. Tập đoàn Masan Group triển khai sáng kiến tái chế sản phẩm nhựa, giảm chất thải và tăng cường sử dụng năng lượng xanh trong các nhà máy sản xuất.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Nestlé, Coca-Cola, Unilever cũng tham gia vào chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua áp dụng công nghệ xanh trong sản xuất, tiết kiệm nước và giảm lượng rác thải trong chuỗi cung ứng.
Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Nestlé Việt Nam và Tập đoàn Masan Group đã đạt chứng nhận trung hòa các-bon từ các tổ chức quốc tế như Control Union và DNV GL. Tập đoàn TH đã có hai công ty sản xuất chủ lực là Công ty cổ phần Sữa TH và Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên đạt chứng nhận trung hòa các-bon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014. Đây là hai công ty đầu tiên của Việt Nam được Control Union (tổ chức chứng nhận quốc tế độc lập và uy tín) thẩm định và xác nhận.
Trở ngại trên hành trình xanh hóa
Trung hòa các-bon đạt được khi doanh nghiệp giảm đến mức thấp nhất lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất và tiêu dùng; sau đó bù đắp phần phát thải còn lại thông qua các hoạt động như trồng cây xanh, đầu tư vào các dự án giảm phát thải hoặc mua tín chỉ các-bon.
Thí dụ, để đạt trung hòa các-bon, trong năm 2023, Công ty cổ phần Sữa TH đã thay thế lò hơi đốt dầu FO (nhiên liệu hóa thạch) bằng lò hơi dùng nguyên liệu sinh khối (biomass) tại Nhà máy sữa tươi sạch TH true MILK, giúp giảm phát thải hơn 7.000 tấn CO2. Công ty cũng đã thay toàn bộ các bóng đèn cao áp metal halide bằng bóng đèn LED, giúp tiết kiệm điện năng, giảm phát thải khoảng 214 tấn CO2.
Dự án bù đắp các-bon không chỉ giúp doanh nghiệp đạt các tín chỉ các-bon mà còn tạo ra giá trị tích cực cho xã hội, môi trường và kinh tế. Các doanh nghiệp tham gia vào những dự án này đồng thời đóng góp vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, nhất là thúc đẩy phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thí dụ, dự án xanh VERRA 2548 mà Tập đoàn TH hỗ trợ để bù đắp các-bon cho Công ty cổ phần Sữa TH và Công ty TNHH Nước tinh khiết Núi Tiên là dự án phân phối miễn phí bếp đun tiết kiệm năng lượng cho các hộ nghèo trên toàn Việt Nam. Dự án mang lại nhiều lợi ích về khí hậu, môi trường như giảm nạn phá rừng và suy thoái đa dạng sinh học rừng tại địa phương, đồng thời giúp giảm từ 40-60% mức tiêu thụ nhiên liệu, cải thiện sức khỏe cộng đồng nhờ bếp giảm khói, góp phần giảm bệnh hô hấp do khói bếp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh, như: Chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ mới và năng lượng tái tạo lớn; thời gian thu hồi vốn dài; việc thay đổi thói quen sản xuất của đội ngũ nhân viên. Bên cạnh đó, thiếu hụt hệ thống hỗ trợ tài chính và cơ chế đảm bảo tính ổn định cũng là thách thức lớn.
Nếu những khó khăn này được khắc phục sớm, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp xanh-những “thước đo” thực tế cho cam kết phát triển bền vững của Việt Nam.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuoc-do-cho-cam-ket-tang-truong-xanh-post870283.html