Thuốc dùng trong điều trị bệnh Addison
Bệnh Addison hay suy tuyến thượng thận nguyên phát là một dạng rối loạn xảy ra khi tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả và sản xuất không đủ lượng hormone cần thiết. Mục tiêu chính điều trị Addison là thay thế các hormone mà tuyến thượng thận không sản xuất đủ...
1. Suy tuyến thượng thận nguyên phát có nguy hiểm không?
Trong cơ thể con người, tuyến thượng thận nằm trên đỉnh thận, có tác dụng sản sinh ra hormone cortisol và aldosterone. Khi mắc suy tuyến thượng thận nguyên phát là lúc tuyến thượng thận sản xuất rất ít cortisol và aldosterone dẫn đến tình trạng muối và nước của cơ thể sẽ bị đào thải ra bên ngoài thông qua nước tiểu, khiến huyết áp giảm xuống rất thấp; đồng thời, lượng kali tăng nhanh đến mức nguy hiểm.
Nội dung
1. Suy tuyến thượng thận nguyên phát có nguy hiểm không?
2. Điều trị Addison như thế nào?
2.1 Điều trị chung
2.2 Điều trị cơn suy thượng thận cấp
3. Lưu ý khi điều trị bệnh Addison
Nguyên nhân chính gây ra bệnh Addison là do tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả, lượng hormon cortisol và aldosterone sản xuất ra sẽ suy giảm. Bệnh có thể rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mức độ nguy hiểm chủ yếu xuất phát từ nguy cơ suy tuyến thượng thận cấp, đây là một tình trạng cấp cứu y tế đe dọa tính mạng.
- Suy thượng thận cấp: Là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh Addison, xảy ra khi cơ thể không có đủ hormone cortisol, thường do các yếu tố căng thẳng như nhiễm trùng, chấn thương, phẫu thuật hoặc đơn giản là do không được điều trị hoặc điều trị không đủ liều.

Suy tuyến thượng thận nguyên phát là một dạng rối loạn xảy ra khi tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả và sản xuất không đủ lượng hormone cần thiết.
Các triệu chứng của suy thượng thận cấp bao gồm:
Suy nhược nghiêm trọng
Lú lẫn, mất phương hướng
Đau ở lưng, bụng hoặc chân dữ dội
Nôn mửa và tiêu chảy dẫn đến mất nước
Huyết áp thấp
Mất ý thức
Sốc...
Nếu không được điều trị ngay lập tức, suy thượng thận cấp có thể dẫn đến tử vong.
- Các biến chứng khác: Ngoài suy thượng thận cấp, bệnh Addison không được kiểm soát có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như:
Hạ đường huyết do thiếu cortisol, cơ thể khó duy trì lượng đường trong máu ổn định.
Tăng kali máu và hạ natri máu do thiếu aldosterone, sự cân bằng điện giải trong cơ thể bị rối loạn, có thể gây ra các vấn đề về tim mạch.
Mất nước do ảnh hưởng đến cân bằng điện giải và khả năng giữ nước của cơ thể.
Các vấn đề về tim mạch, huyết áp thấp kéo dài có thể ảnh hưởng đến chức năng tim.
Tuy nhiên, nếu bệnh Addison được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách bằng liệu pháp thay thế hormone, người bệnh hoàn toàn có thể có một cuộc sống bình thường và khỏe mạnh. Việc tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị, tái khám định kỳ và nhận biết các dấu hiệu của suy thượng thận cấp là rất quan trọng để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
2. Điều trị Addison như thế nào?
2.1 Điều trị chung
Điều trị bệnh Addison tập trung vào việc thay thế các hormone bị thiếu do suy giảm chức năng tuyến thượng thận, bao gồm:
- Nhóm glucocorticoid: Bao gồm hydrocortison (cortisol), prednisolon (có thể sử dụng thay thế hydrocortison, thuốc này có tác dụng mạnh hơn hydrocortison khoảng 5 lần), dexamethason (cũng là thuốc tổng hợp có tác dụng mạnh, thường không dùng ở trẻ em, vì thuốc có tác dụng mạnh nên khó điều chỉnh liều).
Thông thường, cortisol được tiết ra tối đa vào sáng sớm và tối thiểu vào ban đêm. Do đó, hydrocortisone được cho dùng theo liều chia làm 2 hoặc 3 lần với tổng liều hàng ngày. Một phác đồ cho một nửa tổng số vào buổi sáng và nửa còn lại phân chia giữa giờ ăn trưa và buổi tối sớm. Ví dụ, 10mg - 5mg - 5mg hoặc chia 2/3 vào buổi sáng và 1/3 vào buổi tối. Liều dùng vào buổi tối nên cách xa giờ đi ngủ để tránh mất ngủ.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi các biểu hiện lâm sàng và sinh hóa để điều chỉnh liều. Nếu sạm da tăng lên, các biểu hiện lâm sàng ít cải thiện, nồng độ ACTH cao là chưa đủ liều, cần tăng liều. Ngược lại nếu xuất hiện các biểu hiện lâm sàng của Hội chứng Cusching như béo thân, mặt tròn đỏ… xét nghiệm thấy nồng độ ACTH giảm là biểu hiện của điều trị quá liều.
- Mineralocorticoid: Bệnh nhân suy thượng thận nguyên phát cần điều trị mineralocorticoid thay thế. Trong điều trị, nếu bệnh nhân vẫn có các biểu hiện mất nước, thèm ăn muối, hạ natri và tăng kali, tăng PRA và renin… tức là điều trị thay thế không đầy đủ mineralocorticoid, cần phải điều chỉnh tăng liều.
Lưu ý, trong quá trình điều trị: Nếu bệnh nhân bị stress, cần phải tăng liều glucocorticoid nhằm tránh những hậu quả nặng nề. Trong trạng thái bị stress, người bệnh thường không dung nạp với corticoid đường uống, do đó cần phải tiêm bắp. Với bệnh nhân bị suy thượng thận cấp, cần chẩn đoán nhanh chóng, để điều trị mất muối cấp và các dấu hiệu đe dọa tính mạng. Truyền dịch, điện giải cần phải được thực hiện ngay, đồng thời tìm nguyên nhân và điều trị những nguyên nhân dẫn tới suy thượng thận cấp. Những bệnh nhân không được chẩn đoán suy thượng thận trước đó cần lấy máu định lượng cortisol và ACTH trước khi điều trị bằng corticoid.
- Fludrocortisoned đường uống được khuyến cáo để thay thế aldosterone. Cách dễ nhất để điều chỉnh liều lượng fludrocortisone là điều chỉnh liều lượng để làm cho huyết áp và nồng độ kali huyết thanh bình thường. Tình trạng nước bình thường và không bị hạ huyết áp tư thế là bằng chứng của liệu pháp thay thế đầy đủ. Ở một số bệnh nhân, fludrocortisone gây tăng huyết áp, được khắc phục bằng cách giảm liều hoặc bắt đầu dùng thuốc hạ huyết áp không lợi tiểu. Nên cung cấp đủ liều fludrocortisone ngay cả khi sử dụng cần bổ sung thuốc hạ huyết áp.
Các bệnh kèm theo (ví dụ nhiễm trùng) có thể nghiêm trọng và cần được điều trị mạnh mẽ. Liều hydrocortisone của bệnh nhân nên được tăng gấp đôi trong thời gian bệnh. Nếu buồn nôn và nôn mửa không thể điều trị bằng đường uống thì cần phải điều trị bằng đường tiêm. Bệnh nhân nên được hướng dẫn khi nào nên dùng prednisolone hoặc hydrocortisone bổ sung và dạy cách tự tiêm hydrocortisone trong những trường hợp khẩn cấp.
Nên chuẩn bị một ống tiêm chứa sẵn 100mg hydrocortisone cho bệnh nhân để tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Vòng tay hoặc thẻ ghi chẩn đoán và liều corticosteroid có thể giúp ích trong trường hợp cơn suy thượng thận khiến bệnh nhân không thể giao tiếp. Khi mất muối nặng, như trong điều kiện khí hậu rất nóng, liều fludrocortisone có thể cần phải tăng lên.
Nếu người bệnh có mắc đái tháo đường và bệnh Addison cùng tồn tại, liều hydrocortison thường không được quá 30 mg/ngày vì liều hydrocortisone cao hơn làm tăng nhu cầu insulin.

Liệu pháp hormone thay thế là biện pháp hiệu quả nhất trong điều trị suy tuyến thượng thận...
2.2 Điều trị cơn suy thượng thận cấp
Cần phải tiến hành điều trị ngay khi nghi ngờ có cơn suy tuyến thượng thận cấp. Bởi trong cơn suy thượng thận cấp, sự chậm trễ trong việc điều trị corticosteroid (đặc biệt nếu có hạ đường huyết và hạ huyết áp) có thể gây tử vong.
Tại nhà, cần tiêm hydrocortisone 100mg tĩnh mạch trong 30 giây, sau đó đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu ngay. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ xử trí, điều trị cho bệnh nhân tùy theo tình hình thực tế. Nếu bệnh nhân bị bệnh nặng, việc xác nhận bằng xét nghiệm kích thích ACTH nên được hoãn lại cho đến khi bệnh nhân hồi phục.
3. Lưu ý khi điều trị bệnh Addison
- Bệnh Addison là một tình trạng mạn tính. Việc điều trị bằng thuốc thay thế hormone là suốt đời, do đó bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng. Điều này có thể dẫn đến suy thượng thận cấp, là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
- Hãy luôn tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và thông báo cho bác sĩ về bất kỳ thay đổi nào trong tình trạng sức khỏe. Việc điều trị đúng cách và tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp người bệnh Addison có một cuộc sống khỏe mạnh.

Chế độ ăn giàu natri...
Ngoài tuân thủ dùng thuốc, bệnh nhân cần lưu ý điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống:
- Tăng lượng muối: Bác sĩ có thể khuyên bạn tăng lượng muối ăn vào, đặc biệt là khi thời tiết nóng hoặc sau khi tập thể dục gắng sức, vì cơ thể có xu hướng mất nhiều natri hơn.
- Uống đủ nước: Duy trì đủ lượng nước cũng rất quan trọng để hỗ trợ cân bằng điện giải và huyết áp.
- Mang theo thẻ y tế: Bệnh nhân Addison nên luôn mang theo thẻ hoặc vòng tay y tế thông báo về tình trạng bệnh và các loại thuốc đang dùng, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp.
- Luôn mang theo bộ tiêm corticosteroid khẩn cấp: Bác sĩ có thể kê đơn một bộ tiêm hydrocortisone để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp khi không thể uống thuốc. Người bệnh và người thân nên được hướng dẫn cách sử dụng bộ tiêm này.
Mời độc giả xem thêm video:
Suy tuyến thượng thận do thói quen dùng thuốc nhỏ mũi bừa bãi.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dung-trong-dieu-tri-benh-addison-169250424134228529.htm