Thuốc giả, thực phẩm giả và những lỗ hổng trong quản lý

Chỉ trong chưa đầy 3 tuần, cả nước đã có 3 vụ án lớn liên quan đến thực phẩm giả, tân dược giả làm rúng động dư luận.

Sở Y tế kiểm tra rà soát các cơ sở kinh doanh, phân phối sữa sau vụ Bộ Công an phát hiện sữa giả

Sở Y tế kiểm tra rà soát các cơ sở kinh doanh, phân phối sữa sau vụ Bộ Công an phát hiện sữa giả

Đó là gần 600 loại “sữa đặc trị” giả của Rance Pharma và Hacofood Group len lỏi khắp 63 tỉnh, thành; 10 tấn tân dược giả phân phối tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang và kẹo “rau củ” Kera của Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt thực chất là đường trộn phẩm màu.

Những vụ việc điển hình kèm theo các con số vừa nêu không chỉ gây sốc mà còn tiếp tục là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc: Thực phẩm giả vẫn đang xâm nhập vào mâm cơm của từng gia đình. Điều này cho thấy bộ máy quản lý phân mảnh, công cụ giám sát lỗi thời của chúng ta đã để lại kẽ hở chết người.

Còn nhớ 16 năm trước - năm 2009, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lúc ấy là ông Cao Đức Phát, trên diễn đàn Quốc hội đã cảnh báo về tình trạng “Năm bộ, ngành, địa phương cùng gác một mâm cơm”: Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học - Công nghệ và UBND địa phương cùng quản lý, nhưng không ai chịu trách nhiệm trọn vẹn, dẫn đến thực phẩm giả, thuốc giả tràn lan.

Sau 16 năm, câu chuyện “Năm bộ, ngành, địa phương cùng gác một mâm cơm” vẫn nguyên tính thời sự khi mới đây, liên quan đến gần 600 loại “sữa đặc trị” giả của Rance Pharma và Hacofood Group len lỏi khắp 63 tỉnh, thành, Sở Công thương Hà Nội thoái thác cho rằng đó là việc của Bộ Y tế. Nhưng, Bộ Y tế lại viện dẫn Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cho phép thực phẩm “tự công bố”, chỉ 4 nhóm nguy cơ cao mới cần đăng ký. Kết quả, sản phẩm “sữa đặc trị” đội lốt “thực phẩm thông thường” lách qua kẽ hở, tung hoành 3 năm, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và đe dọa sức khỏe hàng triệu người tiêu dùng trên cả nước.

Thực tế quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và cả tân dược của chúng ta hiện nay đang bộc lộ 3 lỗ hổng kỹ thuật rất nghiêm trọng.

Đầu tiên là sự phân tán, lỏng lẻo của khâu tiền kiểm. Lấy ví dụ một lon sữa, nếu thêm dòng “giàu DHA” (sản phẩm có bổ sung nhiều Docosahexaenoic Acid – một axit béo omega-3 quan trọng, đặc biệt đối với sự phát triển trí não và thị lực của trẻ nhỏ) thì sẽ thuộc Bộ Y tế quản lý. Nhưng nếu bỏ dòng chữ “giàu DHA” sẽ thuộc Bộ Công thương. Và nếu sữa này dùng cho chăn nuôi gia súc thì lại sang Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Thứ hai, việc hậu kiểm đầy tính may rủi do các đoàn kiểm tra chỉ lấy mẫu 5% lô hàng, ưu tiên cửa hàng trung tâm, bỏ sót kho ngoại ô và đặc biệt là sản phẩm bày bán trên các sàn thương mại điện tử.

Thứ ba, dữ liệu không liên thông khi Hải quan, An toàn thực phẩm, Quản lý thị trường mỗi nơi giữ một kho dữ liệu, khiến truy vết kéo dài hàng tháng.

Lâu nay, chúng ta chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục 3 lỗ hổng này. Tuy nhiên, nhìn ra thế giới thì kinh nghiệm thành công lại không ít.

Lấy ví dụ như Nhật Bản. Đất nước này dùng mã số cho từng khu phố để giúp truy vết hàng hóa trong vòng 5 phút khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi số để quản lý. Và chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi các nước để xây dựng “kiến trúc an toàn chủ động”. Ví dụ như công nghệ truy xuất 2 lớp: Sản phẩm gắn mã QR công khai cho người dân kiểm tra và chip NFC bảo mật để phát hiện sao chép.

Tuy vậy, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tiêu dùng và vai trò giám sát của báo chí, truyền thông. Người mua hàng cần hình thành thói quen “quét trước, mua sau”; mỗi báo cáo mã lỗi là “cảm biến” hỗ trợ cơ quan chức năng.

Báo chí, truyền thông, mạng xã hội nên chuyển từ hình thức đưa tin kiểu “đếm tang vật” sang phân tích dữ liệu, phơi bày doanh nghiệp núp bóng. Đặc biệt, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… phải áp triệt để quy tắc “không mã – không hiển thị”. Đây là một cơ chế rất hiệu quả, qua việc trong năm 2024, chỉ riêng Shopee đã khóa 12.000 sản phẩm vi phạm.

Cuối cùng, triệt phá thực phẩm giả hay tân dược giả là cần thiết, phải làm thường xuyên, nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ giải quyết điểm kết. Điểm đầu là sự phân quyền chồng chéo, quy trình thủ công, dữ liệu rời rạc cần phải sớm được tái thiết. Trong đó, Nhà nước dẫn dắt bằng chính sách một cửa, doanh nghiệp đầu tư công nghệ chống giả, người dân tích cực quét mã, báo sai phạm.

Chỉ khi 3 trụ cột này cùng hợp sức, thực phẩm giả, thuốc giả mới có cơ hội bị loại bỏ tận gốc.

Một hệ thống quản lý đồng bộ, hiệu quả không chỉ bảo vệ mâm cơm, tủ thuốc mà còn nâng tầm thương hiệu Việt, giúp người dân an tâm tận hưởng cuộc sống an toàn, khỏe mạnh.

Từ Ân

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/thuoc-gia-thuc-pham-gia-va-nhung-lo-hong-trong-quan-ly-152952.html