Thuốc giảm cân có thể giúp giảm cả nhu cầu uống rượu bia
Một nghiên cứu gần đây kết luận rằng thuốc giảm cân có thể giúp người sử dụng giảm cả nhu cầu với đồ uống có cồn, góp phần hạn chế tình trạng uống nhiều rượu.
![Thuốc Ozempic. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51470810/dd91760d4743ae1df752.jpg)
Thuốc Ozempic. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Thử nghiệm lâm sàng ban đầu cho thấy semaglutide, loại thuốc giảm cân còn có tên biệt dược là Wegovy và Ozempic, đã góp phần cắt giảm 40% lượng bia rượu ở người sử dụng bởi khiến họ giảm đáng kể ham muốn tiêu thụ đồ uống có cồn.
Một phát hiện quan trọng là semaglutide còn có tác dụng hiệu quả hơn so với loại thuốc kiềm chế chứng rối loạn sử dụng rượu đang lưu hành.
Tác giả chính của nghiên cứu, bà Klara Klein tại Khoa Y thuộc Đại học North Carolina (Mỹ), phân tích: "Những dữ liệu này cho thấy tiềm năng của semaglutide và các loại thuốc tương tự trong việc đáp ứng nhu cầu về điều trị chứng rối loạn sử dụng rượu. Cần có các nghiên cứu lớn và lâu dài trên nhiều người hơn, để hiểu đầy đủ về an toàn và hiệu quả ở những người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu. Tuy nhiên, phát hiện ban đầu này rất hứa hẹn".
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Psychiatry, 48 người mắc chứng chứng rối loạn sử dụng rượu đã tham gia cuộc nghiên cứu. Họ là những người gặp tình trạng không thể ngừng hoặc kiểm soát việc uống rượu mặc dù có hậu quả tiêu cực.
Một tuần trước khi tiêm semaglutide, họ đến phòng thí nghiệm và được yêu cầu uống đồ uống có cồn ưa thích trong 2 tiếng đồng hồ và hoàn toàn có thể dừng uống nếu họ muốn. Sau đó, họ được chỉ định ngẫu nhiên để tiêm semaglutide liều thấp hoặc giả dược trong 9 tuần. Trong quãng thời gian đó, thói quen uống rượu hàng tuần của họ cũng được đo lường.
Liều semaglutide tiêm cho người tham gia nghiên cứu là 0,25mg/tuần trong bốn tuần; 0,5mg/tuần trong 4 tuần và 1mg trong một tuần. Sau đó, mọi người quay trở lại phòng thí nghiệm uống rượu để lặp lại quy trình và đánh giá thay đổi. Các nhà nghiên cứu đã tính toán lượng rượu mà người tham gia uống cũng như nồng độ cồn trong hơi thở của họ.
Nhóm dùng semaglutide ghi nhận mức giảm 41% số lượng đồ uống có cồn họ uống/ngày. Ngoài ra, cơn thèm rượu hàng tuần giảm khoảng 40%.
Gần 40% số người trong nhóm dùng semaglutide báo cáo không có ngày nào uống nhiều rượu trong tháng cuối cùng của quá trình điều trị. Ở nhóm giả dược, con số này là 20%.
Tiến sĩ Stephen Burgess tại Đại học Cambridge, người không tham gia vào nghiên cứu, đánh giá: “Đây là một nghiên cứu nhỏ nhưng thú vị. Nó cung cấp bằng chứng cho thấy phương pháp điều trị bằng semaglutide có thể làm giảm lượng rượu tiêu thụ, tương tự như cách nó đã được chứng minh giúp giảm cân. Có khả năng cơ chế của semaglutide là làm giảm các tín hiệu não thúc đẩy một cá nhân thèm thức ăn và rượu”.
Semaglutide thuộc nhóm thuốc peptide giống glucagon-1 (GLP-1), một hormone xuất hiện tự nhiên trong cơ thể. Một vai trò của GLP-1 là thúc đẩy cơ thể sản xuất nhiều insulin hơn, giúp giảm lượng đường trong máu. Thuốc này bắt chước hormone GLP-1 được giải phóng trong đường tiêu hóa để đáp ứng với việc ăn uống. GLP-1 ở lượng cao hơn cũng tương tác với các phần của não làm giảm cảm giác thèm ăn và báo hiệu cảm giác no.