Thuốc lá gây hại đến hệ hô hấp như thế nào?

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại, bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của các sản phẩm này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, rất nhiều các nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra hậu quả đối với sức khỏe của việc sử dụng và tiếp xúc thụ động với 'sol khí'/khói của các sản phẩm này.

Thuốc lá điện tử đang được tiếp thị và quảng cáo là sản phẩm thay thế “an toàn hơn”, và người dùng cũng cho rằng chúng “ít gây hại” hơn các sản phẩm thuốc lá điếu. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã khẳng định rằng thuốc lá điện tử tạo ra các hóa chất độc hại giống như thuốc lá, kèm theo các phụ gia hương liệu và kim loại nặng. Những chất này có thể gây hại cho sức khỏe ngoài các tác hại sẵn có của nicotin trong sản phẩm.

Để che giấu độ gắt của nicotin trong thuốc lá điện tử, làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn và tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: bạc hà, táo, cam, chanh….trong thuốc lá điện tử. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 20.000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe.

Thuốc lá ảnh hưởng rất xấu đến hệ hô hấp.

Thuốc lá ảnh hưởng rất xấu đến hệ hô hấp.

Một số hương liệu được sử dụng trong thuốc lá điện tử đã được chứng minh là làm tăng độc tính của sản phẩm. Ngoài ra, việc làm nóng các cuộn dây kim loại trong thuốc lá điện tử sẽ tạo ra nhiều kim loại nặng trong sol khí ENDS như cadmium, chì, niken, thiếc, mangan, selen, kẽm và đồng. Hàng ngàn dung dịch điện tử có chứa hương liệu không phù hợp và cả ở nồng độ không phù hợp, đều có thể dẫn đến tác động tiêu cực đến sức khỏe

Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác bao gồm các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hóa. Tại Mỹ, ít nhất 2.807 trường hợp nhập viện và 68 trường hợp tử vong đã được xác nhận do EVALI cho đến tháng 2/2020.

Tác động của thuốc lá điện tử đối với chức năng phổi đã được báo cáo. Chức năng phổi giảm và sức cản hô hấp tăng ở người sử dụng thuốc lá điện tử so với những người không sử dụng. Một nghiên cứu cắt ngang khác trên 44.817 người trưởng thành ở Canada cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan đến tỷ lệ suy giảm chức năng phổi do tắc nghẽn. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi ở người dùng thuốc lá điện tử so với những người không hút thuốc và không sử dụng thuốc lá điện tử.

Sử dụng thuốc lá điện tử được phát hiện liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp (EVALI). Năm 2019 tại Mỹ, một loạt trường hợp tổn thương phổi nghiêm trọng ở những người sử dụng thuốc lá điện tử không có tiền sử bệnh phổi đã được ghi nhận. Số ca bệnh tiếp tục tăng và đạt đỉnh 2.807 ca nhập viện vào tháng 2/2020, trong đó có đến 68 ca tử vong. Ngoài EVALI, các nghiên cứu cho thấy thuốc lá điện tử có khả năng liên quan đến sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của các rối loạn hô hấp như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), đặc biệt ở những người hút đồng thời cả thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử.

Giống như người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh hô hấp có liên quan đến thuốc lá điện tử. Một nghiên cứu dựa trên 5 cuộc khảo sát lớn trên học sinh trung học ở Hàn Quốc, Hồng Kông và Mỹ báo cáo rằng tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn, ho mãn tính hoặc viêm phế quản mãn tính ở những học sinh từng sử dụng thuốc lá điện tử cao hơn so với học sinh chưa từng sử dụng.

Hút thuốc lá đã được xác định là nguyên nhân của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong số 100 người hút thuốc lá thì có đến 80 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khả năng bị tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gia tăng gấp 30 lần ở những người hút thuốc lá nặng so với những người không hút thuốc. Nếu hút thuốc lá trong thời gian dài sẽ để lại trên phổi những tổn thương không thể hồi phục.

Sự tắc nghẽn luồng khí ở phổi sẽ tiến triển ngày càng nặng nề nếu người bệnh tiếp tục hút thuốc lá và làm cho chức năng hô hấp bị sụt giảm dần. Ở những người hút thuốc lá, sự sụt giảm này diễn ra nhanh hơn gấp 2 – 3 lần so với người bình thường, nghiện thuốc lá càng nặng thì sự sụt giảm chức năng hô hấp càng nhanh hơn.

Thuốc lá là nguyên nhân kích thích mạnh mẽ các triệu chứng hen suyễn, gây kích ứng niêm mạc đường thở. Khi một người hít phải khói thuốc lá, các chất lắng đọng trong lớp niêm mạc ẩm của đường hô hấp và có thể gây ra các đợt hen suyễn. Khói thuốc chứa nhiều hóa chất gây kích thích phổi, tình trạng viêm cũng sẽ nặng thêm và đưa đến cơn hen cấp.

Mặc dù hút thuốc không phải là nguyên nhân gây ra cơn hen nhưng nó làm cho tình trạng bệnh hen ngày càng nặng hơn và tỉ lệ tử vong ở người bị hen đang hoặc đã từng hút thuốc tăng gấp nhiều lần so với những người không hút thuốc.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, hút thuốc lá ảnh hưởng rất xấu đến chức năng hô hấp nói riêng và sức khỏe con người nói chung. Hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.

PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/thuoc-la-gay-hai-den-he-ho-hap-nhu-the-nao--i713562/