Thuốc trị hội chứng hông vũ công

Hội chứng hông vũ công có thể khiến người bệnh khó chịu, đau nhức, khó khăn khi vận động. Việc điều trị sớm giúp giảm đau, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Hội chứng hông vũ công là tình trạng người bệnh nghe thấy tiếng kêu lách tách hoặc cảm thấy cảm giác như vỡ ra ở hông khi đi bộ, chạy, đứng dậy khỏi ghế hoặc vung chân. Tình trạng này có thể khiến người bệnh khó chịu, đau đớn, hạn chế vận động.

NỘI DUNG:

1. Các thuốc dùng trong điều trị Hội chứng hông vũ công

1. 1. Thuốc chống viêm không steroid

1.2. Tiêm corticosteroid

2. Điều trị không dùng thuốc

3. Phẫu thuật

4. Lưu ý khi điều trị

1. Các thuốc dùng trong điều trị Hội chứng hông vũ công

1. 1. Thuốc chống viêm không steroid

Tác dụng: Viêm hoặc sưng có thể xảy ra khi gân bị kích thích nhiều lần do va chạm với xương. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giúp giảm đau và giảm viêm trong các đợt bùng phát. Các thuốc bao gồm: Aspirin, ibuprofen.

Tác dụng phụ thường gặp khi uống thuốc chống viêm không steroid như đau đầu, đau dạ dày, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn…

Hội chứng hông vũ công có thể khiến người bệnh khó chịu, đau nhức, khó khăn khi vận động.

Hội chứng hông vũ công có thể khiến người bệnh khó chịu, đau nhức, khó khăn khi vận động.

1.2. Tiêm corticosteroid

Tác dụng: Corticosteroid là thuốc chống viêm được tiêm trực tiếp vào vùng hông kêu lách tách. Tiêm corticosteroid có thể tạm thời làm giảm đau và giảm viêm ở vùng bị ảnh hưởng trong những trường hợp nghiêm trọng.

Tác dụng phụ: Tiêm corticosteroid có thể gây loãng xương và gãy xương nếu dùng trong thời gian dài, teo cơ bắp, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đục thủy tinh thể, rối loạn giấc ngủ, tăng cân…

Lưu ý: Tiêm corticosteroid nhiều lần có thể làm gân yếu đi theo thời gian. Do đó, cần hạn chế tần suất tiêm, chỉ nên tiêm trong thời gian ngắn để tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra.

2. Điều trị không dùng thuốc

Hội chứng hông vũ công cũng có thể được kiểm soát nhờ các phương pháp điều trị không dùng thuốc:

- Nghỉ ngơi:Tránh các hoạt động lặp đi lặp lại ở hông và thân dưới để giảm các triệu chứng bệnh, ngăn ngừa tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Nghỉ ngơi giúp người bệnh hạn chế kích ứng khớp và cho phép gân, cơ tổn thương có thời gian lành lại.

- Chườm đá vào vùng hông bị ảnh hưởng giúp giảm viêm và đau.

- Vật lý trị liệu: Các bài tập kéo giãn các cơ và tăng cường sức mạnh các cơ hỗ trợ có thể giảm căng thẳng, thúc đẩy chữa lành ở các cơ gân gây ra tình trạng hông kêu lách tách, đồng thời cải thiện tính linh hoạt và ổn định của hông.

Vật lý trị liệu thúc đẩy chữa lành ở các cơ gân gây ra tình trạng hông kêu lách tách.

Vật lý trị liệu thúc đẩy chữa lành ở các cơ gân gây ra tình trạng hông kêu lách tách.

3. Phẫu thuật

Người bệnh mắc Hội chứng hông vũ công rất ít khi phải phẫu thuật. Tuy nhiên, một số trường hợp đau dai dẳng, kết hợp với các tình trạng hông tiềm ẩn khác (chấn thương sụn, chèn ép ổ cối), hoặc các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả… thì cần phẫu thuật theo chỉ định.

4. Lưu ý khi điều trị

Để đảm bảo việc điều trị hiệu quả, người bệnh cần lưu ý:

- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Cần khám tại cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp nhằm kiểm soát hội chứng kêu răng rắc hiệu quả.

- Tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

- Tái khám đúng lịch hẹn.

- Trong trường hợp dùng thuốc gặp những triệu chứng bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Các triệu chứng nguy hiểm của viêm khớp dạng thấp.

BS. Nguyễn Trọng Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-hoi-chung-hong-vu-cong-169250405081247635.htm