Khiêm nhường là phẩm giá

Muốn được người khác tôn trọng, hãy cư xử khiêm nhường, bởi tôn trọng đối phương cũng là cách thể hiện phẩm giá của bản thân.

 Sự khiêm tốn là đức tính giúp bạn rèn giũa chính mình, để nỗ lực học hỏi nhiều hơn. Ảnh: tVN.

Sự khiêm tốn là đức tính giúp bạn rèn giũa chính mình, để nỗ lực học hỏi nhiều hơn. Ảnh: tVN.

Con người sinh ra đều có tính kiêu ngạo. Kiêu ngạo là điều đầu tiên trong “Bảy mối tội đầu” [1]. Vậy kiêu ngạo là gì? Khi một người biết rõ khuyết điểm của mình nhưng vẫn ra vẻ trịch thượng, đó chính là kiêu ngạo.

Người kiêu ngạo thực ra là kẻ ngu ngốc nhất. Họ luôn muốn cảm thấy bản thân tài giỏi hơn người. Sau khi sự cao ngạo của họ được thỏa mãn, một “điểm yếu chí mạng” cũng sẽ được sinh ra. Nó khiến người ta chìm đắm trong u mê, ảo tưởng, đề cao bản thân quá mức và kỳ vọng được người khác ngưỡng mộ.

Những người này rất dễ bị lợi dụng, thao túng. Kể cả khi biết mình bị lừa gạt, họ vẫn không chịu tỉnh ngộ. Vì quá đề cao “lòng tự trọng” mà họ thà chết chứ không chịu thừa nhận mình đã sai.

Kẻ kiêu ngạo nào rồi cũng sẽ phải cúi đầu, hoặc để người khác “không cần đánh cũng thắng”, hoặc bị “bạn bè” phản bội. Lòng kiêu ngạo còn khiến con người sinh ra nhiều định kiến, không mở mang được tâm trí.

Sự khác biệt cơ bản nhất giữa người có nhận thức cao và người có nhận thức kém là: Người có trình độ nhận thức thấp luôn đưa ra kết luận dựa trên định kiến của mình, còn người có trình độ nhận thức cao sẽ phá vỡ mọi định kiến, đánh giá đúng bản chất con người và sự việc. Họ có thể đánh giá và nhìn nhận một người dựa trên những biểu hiện nhỏ nhất. Đó mới là cái nhìn sâu sắc và chính xác, không bị bóp méo bởi bất kỳ định kiến nào.

Kỳ thị và định kiến rất đáng sợ, chúng tồn tại sâu trong tiềm thức, khiến chúng ta nhìn nhận lời nói và hành động của người khác một cách tiêu cực. Vì thế, ta không cảm nhận được sự chân thành từ những người xung quanh, mà đinh ninh rằng họ có ý đồ xấu xa. Thậm chí, nó còn là một loại bệnh, làm tâm trí con người mù quáng, không phân biệt được thiện ác, đúng sai.

Để đánh giá trình độ nhận thức của người khác, chúng ta cần xem xét khả năng phá vỡ định kiến của họ.

Người có trình độ nhận thức cao, tâm trí rộng mở thì trí óc sẽ không bị vẩn đục bởi định kiến và sự kiêu ngạo. Trong thâm tâm, họ không thấy tự ti nên cũng chẳng cần cố tỏ ra xuất sắc hơn người. Ngược lại, họ biết đồng cảm, đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu đối phương. Họ khiêm tốn và đề cao những người có tinh thần cầu tiến, trân quý mọi nỗ lực và đồng cảm với khó khăn của người khác.

Tôi nghĩ rằng “tôn trọng người khác” có thể được chia thành ba mức độ:

Thứ nhất: Tôn trọng những người xung quanh bạn. Thứ hai: Tôn trọng người lạ.

Thứ ba: Tôn trọng kẻ thù.

Tôn trọng những người xung quanh bạn là bổn phận, tôn trọng những người xa lạ là một đức tính tốt và tôn trọng kẻ thù là tinh thần bao dung, độ lượng. Nếu có thể tôn trọng kẻ thù của mình, chúng ta sẽ không còn kẻ thù nữa. Đây mới thực sự là tâm lý bất khả chiến bại.

[1] Theo quan niệm của Kitô giáo, đây là bảy tội lỗi chính mà con người dễ mắc phải, bao gồm kiêu ngạo, lười biếng, tham ăn, đố kỵ, phẫn nộ, tham lam, dâm ô.

Thủy Mộc Nhiên/ Skybooks & NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/khiem-nhuong-la-pham-gia-post1543747.html