Thuốc trừ sâu làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa BMJ dự đoán rằng số người mắc bệnh Parkinson trên toàn thế giới có thể tăng hơn gấp đôi - từ 11,9 triệu người vào 2021 lên hơn 25 triệu người vào 2050.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều loại độc tố từ môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc Parkinson, đặc biệt là thuốc trừ sâu. (Nguồn: Vietnam+)

Các nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều loại độc tố từ môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc Parkinson, đặc biệt là thuốc trừ sâu. (Nguồn: Vietnam+)

Bệnh Parkinson đang nổi lên như một trong những rối loạn thần kinh phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Các chuyên gia dự đoán số ca mắc bệnh này sẽ tăng vọt trong vài thập kỷ tới.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí y khoa BMJ dự đoán rằng số người mắc bệnh trên toàn thế giới có thể tăng hơn gấp đôi - từ 11,9 triệu người vào năm 2021 lên hơn 25 triệu người vào năm 2050.

Mặc dù Parkinson thường biểu hiện qua các triệu chứng dễ thấy như run tay, vận động chậm chạp và khó giữ thăng bằng, nhưng các chuyên gia cho biết bệnh bắt đầu từ rất lâu trước khi xuất hiện triệu chứng - giai đoạn này được gọi là “giai đoạn im lặng.”

Điều đó khiến việc phát hiện sớm và chăm sóc dự phòng trở nên đặc biệt quan trọng.

Parkinson xảy ra khi các tế bào thần kinh trong não - những tế bào sản sinh dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh thiết yếu cho vận động - bắt đầu chết dần.

Một thủ phạm chính được cho là protein alpha-synuclein, có khả năng kết tụ lại trong não.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vẫn chưa được xác định rõ. Các nhà khoa học cho rằng bệnh là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố môi trường, di truyền và chuyển hóa.

Ngoài run tay, người mắc Parkinson thường gặp tình trạng cơ bắp cứng đơ, khó đi lại, mất cân bằng, giảm biểu cảm trên khuôn mặt hoặc thay đổi giọng nói.

Nhiều người còn đối mặt với các vấn đề như rối loạn giấc ngủ, suy giảm khứu giác, trầm cảm, suy giảm nhận thức, thậm chí là sa sút trí tuệ.

 Ngoài run tay, người mắc Parkinson thường gặp tình trạng cơ bắp cứng đơ, khó đi lại, mất cân bằng, giảm biểu cảm trên khuôn mặt hoặc thay đổi giọng nói. (Nguồn: Vietnam+)

Ngoài run tay, người mắc Parkinson thường gặp tình trạng cơ bắp cứng đơ, khó đi lại, mất cân bằng, giảm biểu cảm trên khuôn mặt hoặc thay đổi giọng nói. (Nguồn: Vietnam+)

Các nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều loại độc tố từ môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc Parkinson, đặc biệt là thuốc trừ sâu.

“Điểm chung của nhiều loại thuốc trừ sâu là chúng kích hoạt quá trình viêm trong não và gây stress oxy hóa,” tiến sỹ Eva Schäffer, chuyên gia thần kinh từ Đại học Kiel (Đức), giải thích.

Ngoài ra, thuốc trừ sâu còn làm thay đổi quá trình chuyển hóa và kích hoạt các cơ chế khác trong não, góp phần vào sự phát triển bệnh.

Ô nhiễm không khí và dung môi công nghiệp trichloroethylene - vẫn được sử dụng trong một số ngành - cũng đang được các nhà nghiên cứu xem xét, bà Schäffer cho biết thêm.

Lối sống cũng đóng vai trò rất quan trọng. Việc thiếu vận động và ăn uống nhiều thực phẩm siêu chế biến đều liên quan đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

“Các bài tập thể dục sức bền vừa phải có thể giúp giảm nguy cơ tới 60%,” Schäffer cho biết. Không cần phải chơi môn thể thao nào cụ thể - bất kỳ hoạt động nào giúp tăng nhịp tim đều có ích.

 Một chế độ ăn cân bằng, giàu chất xơ, trái cây, rau xanh và các loại đậu cũng rất quan trọng với bệnh nhân Parkinson. (Nguồn: Vietnam+)

Một chế độ ăn cân bằng, giàu chất xơ, trái cây, rau xanh và các loại đậu cũng rất quan trọng với bệnh nhân Parkinson. (Nguồn: Vietnam+)

Một chế độ ăn cân bằng, giàu chất xơ, trái cây, rau xanh và các loại đậu cũng rất quan trọng. “Những dưỡng chất này giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh,” tiến sỹ Schäffer nói. “Và chúng ta biết rằng sức khỏe đường ruột có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe não bộ.”

Thật thú vị là nhiều bệnh nhân Parkinson cho biết họ gặp các vấn đề tiêu hóa - như táo bón mạn tính - từ nhiều năm trước khi được chẩn đoán.

Ngay cả sau khi được chẩn đoán, việc duy trì lối sống lành mạnh vẫn rất quan trọng. Tập thể dục đều đặn và chế độ ăn tốt cho đường ruột có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển bệnh và cải thiện các triệu chứng không liên quan đến vận động như trầm cảm hay rối loạn tiêu hóa.

Thuốc men cũng rất cần thiết, đặc biệt là các loại thuốc bổ sung hoặc thay thế dopamine.

“Chúng tôi luôn cố gắng điều chỉnh mức dopamine hợp lý,” Schäffer nói. “Thiếu dopamine sẽ gây cứng đờ cơ bắp, nhưng thừa lại khiến vận động không kiểm soát được – cả hai đều làm người bệnh khó duy trì hoạt động thể chất.”

Dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng việc điều trị có thể giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng và duy trì chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh thuốc, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cũng có thể mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong các giai đoạn nặng hơn, phương pháp kích thích não sâu (DBS) – phẫu thuật cấy điện cực vào não để điều chỉnh hoạt động – có thể được áp dụng.

Một phiên bản mới hơn của DBS, gọi là “beta-sensing,” đang cho thấy nhiều triển vọng. Giáo sư Brit Mollenhauer, chuyên gia thần kinh tại Trung tâm Y tế Đại học Göttingen (Đức), cho biết: “Phương pháp này không chỉ kích thích não mà còn đọc các tín hiệu để điều chỉnh chính xác thời điểm và khu vực cần kích thích"./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thuoc-tru-sau-lam-tang-nguy-co-mac-benh-parkinson-post1027732.vnp