Nhập viện vì đột quỵ, cụ ông ở An Giang bất ngờ được phát hiện ung thư gan
'Một cụ ông 70 tuổi, trong lúc điều trị đột quỵ, chỉ với cảm giác đau bụng nhẹ, đã được các bác sĩ tình cờ phát hiện mắc ung thư gan ở giai đoạn sớm', bác sĩ Đặng Văn Sô Đa cho biết thông tin trên vào ngày 16.4.
Theo đó, ông N.V.B (70 tuổi, quê An Giang) bị đột quỵ do nhồi máu não nên được chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện ở Cần Thơ. Khi được nhập viện để điều trị nhồi máu não, ông B. cảm thấy cơn đau bụng nhẹ.

Các bác sĩ tiến hành kỹ thuật đốt u gan bằng vi sóng (Microwave Ablation – MWA) để triệt tiêu khối u gan - Ảnh: BV
Sau khi điều trị ổn định bệnh đột quỵ, các bác sĩ đã tiến hành khảo sát tìm nguyên nhân ông B. bị đau bụng.
Kết quả chụp CT ổ bụng ghi nhận một khối u gan kích thước nhỏ, khoảng 2cm, với đặc điểm điển hình của ung thư biểu mô tế bào gan. Kết hợp với xét nghiệm dấu ấn sinh học AFP trong máu, các bác sĩ xác định đủ tiêu chuẩn chẩn đoán ung thư gan giai đoạn sớm.
Theo người nhà ông B. thì ông này vốn đã có tiền sử viêm gan C nhiều năm. Khi nhập viện để điều trị nhồi máu não, ông cảm thấy cơn đau bụng nhẹ nhưng không nghĩ rằng mình mắc ung thư gan.
Bác sĩ Đặng Văn Sô Đa cho biết, sau hội chẩn chuyên khoa, ê kíp điều trị quyết định áp dụng kỹ thuật đốt u gan bằng vi sóng (Microwave Ablation – MWA) để triệt tiêu khối u gan.
“Phương pháp đốt u gan bằng vi sóng là một kỹ thuật điều trị ít xâm lấn, chỉ cần gây tê tại chỗ. Chính vì vậy hạn chế được tai biến, biến chứng của gây mê toàn thân và các nguy cơ của một cuộc phẫu thuật lớn như chảy máu, nhiễm trùng hay tổn thương đường mật. Ngoài ra, chi phí điều trị cũng thấp hơn nhiều so với phẫu thuật cắt gan. Thủ thuật diễn ra khá nhanh, chỉ khoảng 30 phút với vết rạch da rất nhỏ, chỉ khoảng 3mm. Riêng thời gian đốt khối u chỉ mất khoảng 5 phút, giúp bệnh nhân ít đau và phục hồi nhanh hơn sau can thiệp”, bác sĩ Đặng Văn Sô Đa chia sẻ và cho biết may mắn cho bệnh nhân này là cả hai căn bệnh trên đều được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời nên sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt và đã được xuất viện, tiếp tục tái khám định kỳ theo lịch hẹn.
Theo bác sĩ Đặng Văn Sô Đa, ung thư gan thường phát triển âm thầm với ít triệu chứng ở giai đoạn sớm, rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu nếu không tầm soát định kỳ. Nếu ung thư gan được phát hiện khi còn ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt trên 80%. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân ung thư gan hiện nay thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn hoặc đã di căn, khiến cơ hội điều trị triệt để giảm đáng kể.
“Để phòng ngừa ung thư gan, đặc biệt là với những người có tiền sử viêm gan B, C, hay bệnh gan mạn tính như gan nhiễm mỡ, xơ gan, người dân cần thực hiện tầm soát định kỳ mỗi 6 tháng với siêu âm bụng, và xét nghiệm AFP. Việc phát hiện sớm giúp tăng cơ hội chữa khỏi và kéo dài sự sống cho bệnh nhân”, bác sĩ Sô Đa khuyên.