Thuốc và các phương pháp điều trị chóng mặt kịch phát lành tính

Mặc dù bệnh chóng mặt kịch phát lành tính có thể tự khỏi sau một thời gian, nhưng điều trị sẽ giúp các triệu chứng giảm sớm hơn và hạn chế các tình huống không mong muốn xảy ra.

1. Sử dụng thuốc điều trị chóng mặt kịch phát lành tính

Trong các cơn cấp tính, bệnh nhân có thể bị chóng mặt nghiêm trọng. Việc sử dụng thuốc nhằm giúp thuyên giảm triệu chứng buồn nôn, nôn như thuốc kháng histamine hoặc nhóm thuốc an thần.

- Thuốc kháng histamine chỉ nên dùng khi bệnh nhân chóng mặt dữ dội mà không thuyên giảm nhiều sau ổn định tư thế.

- Một số thuốc an thần có thể bổ sung nếu người bệnh quá kích thích, lo lắng, sợ hãi.

Tuy nhiên, các thuốc tác động trên hệ thần kinh trung ương này sẽ có tác dụng phụ buồn ngủ, lừ đừ, chóng mặt khó hết hoàn toàn. Vì thế, chỉ nên dùng khi thực sự thấy cần thiết và tuân thủ liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Chóng mặt kịch phát lành tính khiến bệnh nhân khó chịu...

Chóng mặt kịch phát lành tính khiến bệnh nhân khó chịu...

2. Điều trị bằng nghiệm pháp tái định vị sỏi tai

Nghiệm pháp tái định vị sỏi tai (Epley) điều trị chóng mặt kịch phát lành tính được thực hiện qua các thao tác đơn giản. Biện pháp này sẽ thay đổi từ từ tư thế đầu của bệnh nhân. Mục đích là nhằm di chuyển hạt sỏi về lại nơi ban đầu của nó. Theo đó, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ thực hiện một số tư thế định vị đầu của bệnh nhân qua một chuỗi các vận động lặp lại nhiều lần đến khi không còn bị chóng mặt nữa.

Nghiệm pháp Epley đã trở thành một giải pháp quan trọng và hiệu quả giảm bớt cảm giác chóng mặt kịch phát lành tính, được thực hiện tại bệnh viện và bệnh nhân cũng có thể được các bác sĩ hướng dẫn tự điều trị tại nhà khi cần.

Nghiệm pháp Epley có thể được áp dụng để điều trị chứng chứng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính ở ống tủy sau. Chóng mặt kịch phát có thể được xác nhận thông qua bài kiểm tra vị trí Dix-Hallpike.

Bước 1: Bệnh nhân ngồi duỗi thẳng chân trên giường, quay đầu về phía tai cần điều trị 45 độ.
Bước 2: Bệnh nhân nằm xuống nhanh, vẫn giữ tư thế đầu nghiêng 45 độ và ngửa ra sau 30 độ. Duy trì trong khoảng 30 - 60 giây.
Bước 3: Quay đầu 90 độ về phía bên tai còn lại, sao cho đầu bệnh nhân ở tư thế nghiêng 45 độ về phía tai bên kia, giữ trong 30 - 60 giây.
Bước 4: Xoay người nằm nghiêng về bên mặt đang hướng tới, tư thế đầu không thay đổi. Lúc này mặt bệnh nhân ở tư thế hướng xuống mặt đất 45 độ, duy trì trong 30 - 60 giây.
Bước 5: Đưa chân ra khỏi giường và ngồi dậy nhanh dưới sự hỗ trợ của người thực hiện. Hoàn thành quy trình thủ thuật Epley.

Lưu ý khi áp dụng nghiệm pháp Epley

Nghiệm pháp Epley là một phương pháp bệnh nhân có thể tự thực hiện tại nhà hoặc dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế. Tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Kiểm tra y tế: Trước khi thực hiện nghiệm pháp Epley, bệnh nhân cần đi khám và được chẩn đoán mắc chóng mặt kịch phát lành tính, đồng thời xác định liệu pháp này phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn hay không.

- Thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế: Nếu bệnh nhân chưa từng thực hiện nghiệm pháp Epley trước đây, cần thực hiện các động tác dưới sự hướng dẫn của một chuyên gia y tế. Sau đó khi đã thành thục với các bước, bệnh nhân mới có thể tự thực hiện tại nhà.

- Nếu thực hiện tại nhà, cần tuân thủ chính xác hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Cần chọn một nơi an toàn và thoải mái để thực hiện quy trình, đảm bảo không có vật dụng nguy hiểm hoặc vật liệu có thể gây nguy hiểm xung quanh khi bạn thực hiện nghiệm pháp Epley.

- Cần dừng lại ngay nếu cảm thấy hoặc ê buốt, sau đó tham khảo ý kiến của bác sĩ ngay.

Nghiệm pháp Epley là một phương pháp an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, có thể gặp phải một số tình huống:

- Một số bệnh nhân có thể bị buồn nôn hoặc nôn nhẹ trong quá trình xoay đầu.

- Sau nghiệm pháp, một số người có thể cảm thấy mệt mỏi. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi một thời gian ngắn sau quy trình.

- Một số bệnh nhân có thể tăng cảm giác đau tai hoặc ngứa tai sau quy trình. Điều này cũng chỉ là tạm thời và sẽ hết sau một thời gian.

- Một số bệnh nhân có thể thấy đau đầu, nhưng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và không phổ biến.

Tất cả các tác dụng phụ này thường tạm thời và biến mất sau một thời gian ngắn, nhưng nếu có bất kỳ vấn đề nào kéo dài hoặc cảm thấy bệnh trở nặng, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để đảm bảo rằng không có vấn đề nào nghiêm trọng.

Nghiệm pháp Epley lcó thể tự thực hiện tại nhà hoặc dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.

Nghiệm pháp Epley lcó thể tự thực hiện tại nhà hoặc dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.

3. Phẫu thuật thay thế

Khi nghiệm pháp Epley không đạt hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc đến biện pháp phẫu thuật. Đây là phương pháp mà bác sĩ khi tiến hành phẫu thuật sẽ dùng một nút đệm xương để chặn phần tai trong gây chóng mặt. Nút chặn này sẽ ngăn ngừa hạt sỏi trong ống bán nguyệt vào tai đáp ứng với chuyển động đầu nói chung.

4. Lưu ý sau phòng ngừa tái phát chóng mặt kịch phát lành tính

Nếu người bệnh biết cách phòng tránh các yếu tố khởi kích, tuân thủ thuốc ổn định tiền đình và thực hiện các nghiệm pháp tái lập vị trí ống bán khuyên thì có thể dự phòng được cơn tái phát, cụ thể:

- Khi đi ngủ nên giữ tư thế nằm nghiêng 45 độ. Tránh nằm ngủ bên kích thích, hạn chế ngửa đầu lên hoặc cúi xuống quá.

- Trong sinh hoạt hàng ngày nên giữ đầu thẳng.

- Không được tự ý đi nhổ răng khi chưa được tư vấn của bác sĩ.

- Không tập các bài thể dục đòi hỏi di chuyển đầu.

- Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột và quá nhanh. Khi chuyển từ tư thế nằm để ngồi dậy; đứng dậy hay xoay đầu; cúi và ngửa đầu cũng phải thực hiện một các từ từ, chậm rãi. Tốt nhất là nên nhắm mắt lại để hạn chế thị giác thu nhận những tín hiệu thay đổi không gian, giảm kích thích tiền đình. Sau khi xác lập tư thế tại vị trí mới thì từ từ mở mắt ra. Hạn chế động tác nghiêng, cúi người quá mức như để nhặt đồ lên, thắt dây giày.

- Không nên ngồi ghế xoay hay ghế có tựa đầu ngửa ra phía sau quá mức.

- Khi xảy ra cơn chóng mặt, cần nhắm mắt, hạn chế xoay đầu và tìm tư thế thích hợp để nghỉ ngơi. Nếu có cảm giác buồn nôn, nên hít thở sâu và tập trung vào nhịp thở để kìm nén. Chỉ cần tuân thủ như vậy, cơn chóng mặt sẽ nhanh chóng thuyên giảm trong vài phút.

- Không tự mình đi lại xa, điều khiển xe cộ, máy móc, làm việc nặng, leo trèo.

- Giữ không gian trong phòng, lối đi thoáng, tránh vật dụng lộn xộn có thể gây nguy hiểm. Gắn thêm thanh cầm trong bồn tắm và nhà vệ sinh.

- Uống đủ nước mỗi ngày, chế độ dinh dưỡng cân đối, đa dạng, giàu vitamin và khoáng chất.

- Tránh uống cà phê, bia rượu, nước giải khát có gas. Không dùng chất kích thích, tiếp xúc với khói thuốc lá.

- Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi điều độ. Giữ thói quen luyện tập thể dục thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Mời độc giả xem thêm vvideo:

7 lý do gây chóng mặt ít ai ngờ tới | SKĐS

ThS.Trần Thị Thùy Dung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-va-cac-phuong-phap-dieu-tri-chong-mat-kich-phat-lanh-tinh-169240816134714715.htm