Thương binh Trần Ngọc Doanh nặng lòng với đồng đội
Không quản khó khăn, vất vả, gần 50 năm qua, ông đã thực hiện hàng nghìn chuyến đi về các chiến trường xưa, trực tiếp tìm kiếm, cất bốc hơn 100 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà. Ông là cựu chiến binh, thương binh Trần Ngọc Doanh, hiện trú tại phường Hải Vân (TP Đà Nẵng).
Một thời nơi chiến trường ác liệt
Chiều cuối tuần, trong căn nhà cấp 4 đơn sơ trên đường Nguyễn Phước Chu (phường Hải Vân), cựu chiến binh, thương binh Trần Ngọc Doanh kể cho tôi nghe những kỷ niệm về một thời nơi chiến trường ác liệt nhưng cũng rất đỗi tự hào. Câu chuyện cùng những ký ức của người lính già từng để lại một phần xương máu nơi chiến trường đưa ông trở về với những năm tháng hào hùng không thể nào quên cách đây gần 60 năm.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Đông Nam, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Quang), tỉnh Thanh Hóa. Tháng 2-1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thanh niên Trần Ngọc Doanh lên đường nhập ngũ vào trường huấn luyện đặc công. Sau khóa huấn luyện, Trần Ngọc Doanh được điều động, tăng cường vào chiến đấu tại chiến trường Khu 5, lần lượt ở các đơn vị: Đại đội Đặc công 31 (Quân khu 5), Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Mặt trận 44 Quảng-Đà), Bộ tư lệnh 559.

Cựu chiến binh, thương binh Trần Ngọc Doanh nghiên cứu thông tin về liệt sĩ từ những lá thư của các gia đình trên khắp mọi miền Tổ quốc gửi đến.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trần Ngọc Doanh cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh nhưng với ông, trận đánh chốt Mỹ ở A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam ngày 16-8-1970 để lại nhiều kỷ niệm. “Trận đánh ở A Vương, tôi đang là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội Đặc công 31. Quá trình chiến đấu, tôi và đồng chí Lê Văn Sơn (xạ thủ B40) bị sức ép của bom địch hất văng xuống suối. Sau 10-15 phút tỉnh dậy, mặc dù mặt mũi, mình mẩy bị trầy xước, chúng tôi vẫn cố gắng trở về đội hình chiến đấu của đơn vị. Trận đánh này ta giành thắng lợi. Đơn vị không có đồng chí nào thương vong”, cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh kể.
Sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ năm 1976 đến 1980, Trần Ngọc Doanh được điều động về một số đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn thực hiện nhiệm vụ truy quét tàn quân địch ở khu vực biên giới 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Thời gian này, Trần Ngọc Doanh có 3 lần bị thương, trong đó lần bị thương nặng nhất là tại Attapeu (Lào). Ông Doanh bồi hồi nhớ lại: “Khi cùng đồng đội truy quét tàn quân địch vào tháng 3-1979, tôi bị trúng mìn claymore của chúng rồi không biết gì nữa. Tỉnh dậy thấy toàn thân băng bó trắng toát, tôi mới biết mình bị thương và được đưa vào bệnh viện của Lào cấp cứu, điều trị”.
Năm 1982, Trần Ngọc Doanh chuyển ngành sang công tác tại Công ty Vật tư đường sắt Đà Nẵng, Tổng cục Đường sắt Việt Nam cho đến năm 2005 thì nghỉ hưu.
Sau khi nghỉ công tác, cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh tích cực tham gia công tác xã hội và tiếp tục đi tìm hài cốt đồng đội. Ông đảm nhiệm nhiều vị trí ở các tổ chức, đoàn thể tại địa phương. Ở cương vị nào, ông cũng nhiệt tình, xông xáo, chăm lo giúp đỡ người nghèo, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị...
Trọn lời hứa với đồng đội
- Bác bắt đầu đi tìm hài cốt đồng đội từ khi nào?-Tôi hỏi ông.
Chưa kịp trả lời câu hỏi của tôi thì điện thoại đổ chuông. Nghe xong, ông nói với tôi: “Ngoài các cuộc điện thoại, tôi đã nhận được gần 1.400 lá thư của các gia đình từ khắp các tỉnh, thành phố gửi thông tin nhờ tìm phần mộ liệt sĩ”.
Rồi giọng ông nghẹn lại, đôi mắt ngấn lệ: “Ngày 15-5-1970, khi đơn vị đến tăng cường, chống càn tại một cụm kho ở phía Nam Quân khu 5 thì địch đã rút lui. Đồng chí Lưu Thanh Hải (thủ kho) trước khi nhắm mắt dặn lại: “Chắc tao không còn sống được nữa rồi. Khi nào hòa bình, mày nhớ về quê báo cho gia đình tao”.
Giữ trọn lời hứa với đồng đội, năm 1978, Trần Ngọc Doanh đã tìm kiếm, cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ Lưu Thanh Hải về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Đồng thời ông tìm về xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang báo tin và hỗ trợ gia đình tiến hành các thủ tục đưa hài cốt liệt sĩ Lưu Thanh Hải về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Sau lần đó, năm nào ông Trần Ngọc Doanh cũng thực hiện các chuyến đi tìm kiếm hài cốt đồng đội. Có những năm, khi được cơ quan giải quyết nghỉ phép, ông không về quê thăm gia đình (khi đó, vợ con ông còn đang sinh sống ở Thanh Hóa) mà dành thời gian đi tìm đồng đội. Thời gian đầu, cá nhân ông tự đi tìm theo đề nghị của các gia đình. Sau này, nhiều đơn vị đã mời ông cùng tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ ở các chiến trường khu vực Quân khu 5 mà còn sang cả Lào, Campuchia.
Trải qua gần 50 năm, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm khó quên với cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh. Có liệt sĩ, ông chỉ đi một lần là tìm được phần mộ, nhưng có trường hợp phải đi lại rất nhiều lần. Trong đó, ông nhớ nhất là chuyến đi tìm phần mộ liệt sĩ Ngô Xuân Thu (Tiểu đoàn Công binh Hải Vân) khi phải đi đến lần thứ 11 mới tìm được mộ của liệt sĩ này.
Tháng 11-1971, đồng chí Ngô Xuân Thu được giao nhiệm vụ tham gia đánh đoàn tàu của địch tại Hói Mít, Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế. Bị lộ, Ngô Xuân Thu đã ôm khối thuốc nổ hơn 7kg lao vào đoàn tàu và anh dũng hy sinh. Năm 1976, liệt sĩ Ngô Xuân Thu được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tại TP Đà Nẵng, con đường mang tên liệt sĩ Ngô Xuân Thu nằm trên địa bàn phường Hải Vân.
Qua các nguồn tin, cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh cùng Ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Công binh Hải Vân nhiều lần đến khu vực xảy ra trận đánh năm xưa để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Ngô Xuân Thu nhưng chưa có kết quả. Không nản chí, ông vẫn kiên trì, tiếp tục dò hỏi, kết nối các thông tin. Tháng 3-2016, ông Doanh tình cờ được một người dân tên Tứ (quê ở Quảng Nam, trú tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cho biết, ngày trước, ông từng đi lính và được giao quản lý đoạn đường sắt nơi đồng chí Ngô Xuân Thu hy sinh. Chính ông Tứ đã vận động nhân dân đưa thi thể đồng chí Ngô Xuân Thu đi chôn cất. Sau khi xác định được vị trí chôn cất, cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh phối hợp cùng Ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Công binh Hải Vân và Hội Cựu chiến binh huyện Phú Lộc liên hệ với gia đình, tổ chức cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà ở xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Nói về hành trình đi tìm đồng đội, cựu chiến binh, thương binh Trần Ngọc Doanh chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa, với chúng tôi, còn sống là rất may mắn. Ký ức về đồng đội đã hy sinh vẫn luôn đau đáu trong tim. Nhiều người ngã xuống nơi rừng sâu, núi thẳm, chưa một lần được trở về với gia đình, quê hương. Chính vì thế, việc tham gia đi tìm đồng chí, đồng đội không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là sự tri ân sâu sắc với những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Tôi mong rằng, thế hệ trẻ hôm nay sẽ không quên quá khứ và tiếp nối công việc nhân văn này".
Với những thành tích xuất sắc trong công tác cung cấp thông tin, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, năm 2021, cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh được Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen giai đoạn 2013-2020; Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tặng bằng khen; Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen hội viên cựu chiến binh đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị giai đoạn 2016-2021. Năm 2022, đảng viên Trần Ngọc Doanh được Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.