Chiến lược thương mại của chính quyền Trump: Tác động và hệ lụy toàn cầu
Chính quyền Trump đang siết chặt kiểm soát thương mại, đặc biệt với Trung Quốc và các nước trung gian như Việt Nam. Những chính sách này không chỉ ảnh hưởng đến trao đổi hàng hóa mà còn tác động sâu rộng đến dòng vốn đầu tư và cấu trúc thương mại toàn cầu.
Liệu Việt Nam có lọt vào “tầm ngắm” của chính sách bảo hộ thương mại chính quyền Trump 2.0? Khó có khả năng Việt Nam bị áp thuế cao khi chính quyền Trump bảo hộ thương mại Thách thức điều hành tỷ giá dưới thời chính quyền Trump 2.0
Ông Frank Kelly - Người sáng lập và Đối tác quản lý tại Fulcrum Macro, nhận định rằng giai đoạn hiện tại đang chứng kiến những thay đổi lớn từ chính quyền Tổng thống Trump, với các tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực.
Theo ông Frank Kelly, quan hệ của Hoa Kỳ với các nước, bao gồm Việt Nam và Trung Quốc, tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi những chính sách đã được thiết lập từ trước. Những thay đổi này không chỉ đơn thuần là điều chỉnh thương mại mà còn là sự tái định hình quan hệ địa chính trị và kinh tế toàn cầu, tạo ra những khác biệt đáng kể so với các giai đoạn trước đây.
Theo đó, những thay đổi hiện nay không phải là sự kiện ngẫu nhiên mà đã được lên kế hoạch từ trước, với những bước đi chiến lược kéo dài hàng năm. Điều này đòi hỏi chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kịch bản diễn ra trong tương lai, đặc biệt là từ nay đến năm 2028 – thời điểm kết thúc nhiệm kỳ tổng thống hiện tại.
Cũng theo ông Kelly, trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử vừa qua, đã có nhiều động thái khác nhau liên quan đến Việt Nam. Một trong những vấn đề nổi bật là thâm hụt thương mại giữa hai nước, với giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ ước tính khoảng 120 tỷ USD trong năm 2024.
![Chính quyền Trump 2.0 có những tác động đến toàn cầu nói chung và cả Việt Nam nói riêng. Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_578_51422463/2198cef8f7b61ee847a7.jpg)
Chính quyền Trump 2.0 có những tác động đến toàn cầu nói chung và cả Việt Nam nói riêng. Ảnh minh họa.
Hiện tại, chưa có tín hiệu rõ ràng từ chính quyền Trump về các chính sách cụ thể đối với Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai, có thể xuất hiện những biện pháp nhằm cân bằng lại thương mại song phương, không chỉ trong chiều hướng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ mà cả chiều ngược lại. Ông Kelly nhấn mạnh rằng, chính quyền Trump đã nhận thấy rõ xu hướng các doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa qua Việt Nam để vào thị trường Hoa Kỳ. Điều này có thể dẫn đến các động thái chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động thương mại giữa hai nước.
Ngoài ra, sự dịch chuyển của các nhà máy và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là một thực tế rõ ràng. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có thể không muốn điều này diễn ra một cách tự do, mà thay vào đó sẽ hướng tới việc thiết lập một mối quan hệ thương mại thực chất với Việt Nam, thay vì chỉ coi Việt Nam như một trạm trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc. Xu hướng tương tự cũng có thể xảy ra với Ấn Độ, khi các nước tìm cách điều chỉnh chính sách thương mại để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Theo đánh giá của bà Eva Huan Yi - Kinh tế trưởng tại Huatai Securities (USA), với mục tiêu "Nước Mỹ trên hết", chính quyền Trump đã áp dụng hàng loạt biện pháp điều chỉnh quan hệ thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc. Những động thái này không phải mới xuất hiện mà đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Tàu hàng container cập cảng nước sâu ở Thượng Hải. Ảnh: Getty Images.
Trung Quốc hiện đang thảo luận về cách ứng phó với các chính sách này, bởi những tác động của chúng đã phần nào bộc lộ. Các biện pháp thuế quan, hạn chế xuất khẩu hay thay đổi trong chính sách thương mại có thể làm ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế hai nước. Trong khi đó, chính quyền Hoa Kỳ cũng thể hiện rõ quyết tâm tái cân bằng thương mại, giảm thâm hụt và bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Các động thái từ cả hai phía cho thấy xu hướng đối đầu thương mại có thể tiếp tục leo thang. Trung Quốc có thể áp đặt thuế trả đũa lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, tương tự như các biện pháp mà Hoa Kỳ đã thực hiện. Đồng thời, những thay đổi này không chỉ giới hạn trong quan hệ Hoa Kỳ - Trung mà còn có thể tác động đến các đối tác thương mại khác như Mexico, Canada và các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ và thương mại trở thành ưu tiên của cả hai quốc gia. Hoa Kỳ đang tìm cách nâng cao hiệu suất chi tiêu công, ổn định kinh tế và gia tăng sức mạnh của đồng USD. Trung Quốc cũng không thể đứng yên mà sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước và duy trì vị thế trên thị trường toàn cầu.
Dưới góc nhìn của bà Eva, nhìn rộng hơn, cuộc cạnh tranh này không chỉ dừng lại ở thuế quan mà còn liên quan đến chiến lược tài chính, tiền tệ và thương mại toàn cầu. Những chính sách mới của chính quyền Trump, nếu tiếp tục, sẽ có tác động sâu rộng không chỉ đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc mà còn với cả khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.