Lãnh đạo Masan nói về thương vụ niêm yết tỷ USD của Masan Consumer
Masan đang chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu công ty hàng tiêu dùng Masan Consumer trên sàn HoSE, trong bối cảnh khối ngoại đã có nhiều phiên bán ròng liên tiếp.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư năm 2025 diễn ra chiều 7/2, ban lãnh đạo CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) nhiều lần nhắc đến mục tiêu chuyển cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer từ UPCoM sang HoSE trong năm nay.
Theo ông Michael Hung Nguyen - Phó tổng giám đốc Masan Group, việc chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE sẽ mở khóa nhiều giá trị tốt hơn cho các nhà đầu tư của Masan Consumer, tăng hiệu quả hoạt động và cơ hội tiếp cận thị trường vốn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn bỏ ngỏ kế hoạch niêm yết chi tiết. Ban lãnh đạo cho biết sẽ tùy thuộc vào tình hình thị trường, nhu cầu vốn của công ty, quy định pháp lý và công bố thông tin chính thức sau khi có các nghị quyết của HĐQT.
Đáng chú ý, trong phần hỏi đáp, một nhà đầu tư đã nhắc đến xu hướng rút ròng của khối ngoại thời gian gần đây và chất vấn ban lãnh đạo Masan Group về các kế hoạch cụ thể để đón nhà đầu tư ngoại trở lại, đặc biệt khi niêm yết cổ phiếu MCH trên sàn HoSE.
Thực tế, phiên giao dịch chứng khoán ngày 7/2 chứng kiến giao dịch bán thỏa thuận 955 tỷ đồng cổ phiếu MSN của nhà đầu tư ngoại. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 5 phiên liên tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, sau giai đoạn trước Tết cũng không ngừng xả hàng.
Dù vậy, ông Lê Bá Nam Anh - Giám đốc Chiến lược & Phát triển Masan Group cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, nhờ các điều kiện vĩ mô cùng với các lực đẩy từ đầu tư công và sự phục hồi của thị trường bất động sản và tiêu dùng.
Bản thân Masan Group nói chung và Masan Consumer nói riêng cũng đã có những kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024.
Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, ông Nam Anh cho biết Masan Consumer trong tương lai sẽ tiếp tục thực thi chiến lược kinh doanh hiệu quả, đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai chữ số.
Cụ thể, doanh nghiệp hàng tiêu dùng này đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 tăng 8-15% lên 33.500-35.500 tỷ đồng, EBITDA tăng 6-12% lên 8.800-9.300 tỷ đồng.
Riêng trong quý đầu năm, ban lãnh đạo Masan Consumer tự tin có thể tăng trưởng 10-15% so với cùng kỳ năm 2024, tạo dựng nền tảng vững chắc trong dài hạn.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra ngay sau đó của Masan Consumer, ban lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ năm 2025 sẽ là năm trọng điểm với mục tiêu niêm yết trên sàn HoSE.
Doanh nghiệp đặt cược vào chiến lược đổi mới "ít hơn nhưng mạnh mẽ hơn", tức tập trung vào các thương hiệu cốt lõi để tạo ra các sản phẩm chắc thắng. Đại diện Masan Consumer tiết lộ tháng 4 tới sẽ "tiến hành trận đánh lớn" và tin rằng đây sẽ là "cuộc cách mạng lớn trong ngành hàng cà phê Việt Nam".
Năm 2024, đóng góp của các thị trường quốc tế khá nổi bật, trong đó thị trường Nhật Bản tăng 20%, Mỹ tăng 44%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 65%, Hàn Quốc tăng 81%... Lãnh đạo Masan Consumer cho rằng đây cũng là động lực tăng trưởng trong thời gian tới, giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực toàn cầu.
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 4/2024, HSBC đánh giá việc chuyển sàn sang HoSE có thể giúp cổ phiếu MCH có tính thanh khoản cao hơn. Các chuyên gia tại đây cho biết Masan Consumer đã ghi nhận đà tăng trưởng phi mã kể từ năm 2018 đến nay, vượt xa các công ty cùng ngành trong lĩnh vực FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực.
Trên phạm vi toàn tập đoàn, lũy kế cả năm 2024, Masan Group đạt doanh thu 83.178 tỷ đồng, tăng 6%. Lợi nhuận sau thuế gấp 2,3 lần cùng kỳ, đạt mức 4.272 tỷ đồng.
Masan dự kiến doanh thu năm 2025 nằm trong khoảng 80.000-85.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số dự kiến đạt 4.875-6.500 tỷ đồng.