Thượng đỉnh La Haye: Khúc dạo đầu của châu Âu tự chủ
Những biến động địa chính trị bủa vây châu Âu trong suốt thời gian qua bao gồm cả áp lực từ đồng minh thân cận nhất, cuối cùng đã dẫn đến những thay đổi. Thượng đỉnh NATO 2025 diễn ra tại La Haye (Hà Lan) trong hai ngày 25-26/6 đã đánh dấu bước ngoặt không thể đảo ngược khi những quốc gia trên lục địa già tìm cách tự nắm lấy vận mệnh của mình.
Khi đồng minh thách thức đồng minh
Các nước châu Âu đón thượng đỉnh La Haye trong tình trạng vô cùng hỗn loạn. Đòn chí mạng của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đơn phương thực hiện các cuộc không kích nhằm vào cơ sở hạt nhân Iran đã đẩy Trung Đông đến nguy cơ xung đột toàn diện. Sự kiện này không chỉ thách thức sự ổn định của khu vực mà còn làm rúng động cả thế giới đã tạo sức ép lên cả các đối thủ, đối tác lẫn đồng minh của họ. Một ngọn lửa mới lại bùng lên ở biên giới phía Đông Nam châu Âu khiến các nhà lãnh đạo châu Âu bước vào hội nghị với tâm trạng thấp thỏm như ngồi trên đống lửa.

Thượng đỉnh La Haye đã đem đến nhiều thay đổi cho châu Âu.
Cùng thời điểm đó, quân đội Nga cũng tiến lên mạnh mẽ ở vùng Donbass, Ukraine. Cuộc chiến tiêu hao ở Ukraine bước sáng năm thứ tư đang dần lộ diện kết cục khó có thể đảo ngược với ưu thế ngày càng áp đảo của quân đội Nga trên chiến trường khi nước Mỹ đang dần rút lui. Tiếng súng ngày càng tiến sát tới biên giới EU. Vì sự ủng hộ dành cho Ukraine, một cuộc "chiến tranh lai" tinh vi khác nhắm vào các nước EU cũng đang được tiến hành.
Các vụ tấn công mạng vào hạ tầng năng lượng và tài chính, các vụ phá hoại đường ống dẫn khí, cáp quang biển, áp lực từ việc Nga điều chuyển nhiều vũ khí chiến lược tới sát vùng biển Baltic, Ba Lan đã được ghi nhận. Báo cáo của Cơ quan Tình báo châu Âu (EU INTCEN) chỉ rõ: "Nga đang coi việc làm suy yếu sự gắn kết và khả năng phục hồi của NATO và EU là mục tiêu chiến lược hàng đầu, sử dụng mọi công cụ dưới ngưỡng xung đột vũ trang truyền thống".
Áp lực mới lại đến từ Mỹ. Ngay khi tái đắc cử, ông Donald Trump đã đặt một "tối hậu thư" đến châu Âu: tăng ngay chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, hơn hẳn mục tiêu 2% được đề xuất trước đây. Ông Trump công khai gọi các đồng minh châu Âu là "ăn bám", đe dọa rút lại cam kết phòng thủ nếu không thấy "sự chia sẻ công bằng". Đó có thể coi là "cú đấm" mà Mỹ dành cho các đồng minh châu Âu của mình.
Khi đồng minh không còn đáng tin cậy, chưa bao giờ EU đối diện với tình trạng bất ổn chiến lược lớn như hiện nay. Sự hiện diện của ông Trump tại La Haye, với những phát ngôn khó lường lại trở thành một nguy cơ mới, đồng thời là lời cảnh tỉnh: Châu Âu không thể mãi trông chờ vào "chiếc ô an ninh" của Mỹ trong một thế giới đầy bất trắc.
Kiến tạo nền móng mới
Trước sức ép dồn dập, nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết về nhu cầu tự chủ, các quốc gia châu Âu đã thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh La Haye 2025 của NATO thông qua những quyết sách mang tính bước ngoặt, không chỉ để làm hài lòng Washington mà quan trọng hơn, là để xây dựng năng lực tự thân của châu Âu trong chính khuôn khổ NATO. "Kế hoạch đầu tư Quốc phòng La Haye" với cam kết đạt 5% GDP cho quốc phòng vào năm 2035 là một điểm nhấn. Tuy nhiên, chiến thắng thực sự của các nhà lãnh đạo châu Âu nằm ở cách thức chi tiêu.
Kế hoạch chia rõ 2 phần: 3,5% GDP cho năng lực quốc phòng truyền thống bao gồm trang bị vũ khí, duy trì lực lượng, đáp ứng chương trình Mục tiêu Năng lực NATO. Phần còn lại chiếm 1,5% GDP cho "quốc phòng mở rộng và khả năng phục hồi" bao gồm gói bảo vệ hạ tầng trọng yếu, tăng cường an ninh mạng, chuẩn bị dân sự cho khủng hoảng, phát triển công nghệ quốc phòng tiên tiến và ủng hộ Ukraine. Đây chính là lĩnh vực mà châu Âu thiết kế để xây dựng vị thế độc lập của mình.
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte gọi đây là "một định nghĩa lại mang tính cách mạng về đầu tư quốc phòng trong thời đại chúng ta". Trước sự thúc ép của Washington, các nhà lãnh đạo châu Âu tại La Haye đã đạt được một "chiến thắng ngầm" quan trọng khi chuyển hóa yêu cầu tăng chi tiêu đơn thuần thành một "kế hoạch tổng thể để xây dựng nền tảng tự lực".
Riêng về củng cố công nghiệp quốc phòng, thông qua "Tuyên bố La Haye về tăng cường công nghiệp quốc phòng và đổi mới xuyên Đại Tây Dương", các nước đặt mục tiêu rõ ràng: "Giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và rút ngắn thời gian sản xuất vũ khí quan trọng". Tuyên bố này gắn kết chặt chẽ với các sáng kiến của EU đang được triển khai như Chương trình hỗ trợ sản xuất đạn dược chung (ASAP) và Cơ chế EU về tăng cường năng lực sản xuất quốc phòng thông qua Dự án chung (EDIRPA).
Cùng với đó, Diễn đàn Công nghiệp quốc phòng NATO-EU lần đầu tiên được tổ chức. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire hồ hởi tuyên bố: "Đây không còn là câu hỏi 'nếu' mà là 'như thế nào'. Châu Âu phải có khả năng sản xuất những gì mình cần, với tốc độ cần thiết, cùng các đồng minh Bắc Mỹ nhưng không phụ thuộc một chiều".

Quân đội thường trực của châu Âu là mục tiêu mà các nhà lãnh đạo khối hướng tới.
Quan trọng không kém, đó là việc các cường quốc châu Âu cũng đã nhận thức được vai trò đầu tàu của mình để sẵn sàng "làm gương". Lần đầu tiên, Thủ tướng Đức tuyên bố "sẵn sàng đạt mục tiêu 5% GDP", coi đây là "khoản đầu tư vào chủ quyền chiến lược". Berlin cho biết sẽ tập trung phát triển hệ thống phòng không tầng cao (dự án Sky Shield) và củng cố vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng quốc phòng EU.
Tổng thống Emmanuel Macron, người luôn ủng hộ mạnh mẽ "chủ quyền chiến lược" châu Âu, nhấn mạnh cam kết 5% GDP là "cơ hội lịch sử để châu Âu trang bị cho mình các phương tiện hành động độc lập". Paris đang thúc đẩy việc tích hợp các năng lực chỉ huy và kiểm soát của châu Âu và đẩy nhanh dự án về lực lượng phản ứng nhanh của riêng châu Âu. Ông Macron cũng tái khẳng định tầm quan trọng của "răn đe hạt nhân Pháp" như một phần của kiến trúc an ninh châu Âu. Cùng với Đức và Pháp, Anh cũng đang tham gia trở lại với vai trò như một thành viên của cựu lục địa. Cuộc gặp riêng rẽ của lãnh đạo 3 nước bên lề thượng đỉnh đã cho thấy quyết tâm chiến lược về một sự phối hợp mới của 3 đại cường châu lục.
Ba Lan, quốc gia phát triển mạnh mẽ ở châu Âu trong 2 thập kỷ qua cũng đang trở thành hình mẫu cho các nước tiền tuyến Đông Âu với chi tiêu quốc phòng dự kiến vượt 4.2% GDP ngay trong năm 2025. "An ninh của chúng tôi không thể chỉ là lời hứa. Nó phải được xây dựng trên sức mạnh hữu hình của chính chúng tôi", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố. Các quốc gia như Hà Lan, Ý, Đan Mạch, Thụy Điển cũng đưa ra những cam kết ủng hộ hợp tác khuôn khổ EU-NATO.
Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell nhấn mạnh tại hội nghị: "Chiến lược La bàn của EU và khái niệm chiến lược mới của NATO giờ đây bổ sung cho nhau một cách rõ ràng hơn bao giờ hết. Mục tiêu là một châu Âu có khả năng phòng thủ mạnh mẽ hơn, góp phần mạnh mẽ hơn vào NATO và sẵn sàng hơn để hành động độc lập khi cần thiết". Cùng với kế hoạch ngân sách mới, việc thúc đẩy hội nhập chiến lược trong EU trở thành chiến thắng của châu Âu, một nỗ lực biến sức ép thành cơ hội.
Mới chỉ là khởi đầu
Dẫu đã có những bước tiến, nỗ lực để nắm lấy vận mệnh của châu Âu vẫn còn là một con đường gập ghềnh phía trước. Ngay thời điểm này, Mỹ vẫn chiếm 67% tổng chỉ tiêu quốc phòng cũng như 25% ngân sách hoạt động của NATO. Là bên đảm bảo an ninh số 1, Mỹ không chỉ hiện diện quân sự trực tiếp mà còn đang nắm quyền xây dựng chiến lược, ra quyết sách cũng như cung cấp tình báo cho toàn bộ châu Âu. Ở góc độ kỹ thuật, các nước châu Âu vẫn thiếu các năng lực then chốt về vũ khí, hệ thống hậu cần, tác chiến điện tử, tên lửa đạn đạo và quan trọng nhất là khả năng răn đe hạt nhân độc lập, đáng tin cậy để tạo ra sức mạnh tương xứng với các đối thủ của mình. Chính vì vậy, mọi nỗ lực tự chủ đều không thể thành công nếu Mỹ rút lui hoàn toàn hoặc thiếu phối hợp.
Ở góc độ tài chính, việc huy động nguồn lực khổng lồ tương đương 5% GDP (ước tính hàng nghìn tỷ USD đến năm 2035) trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, lạm phát và nợ công cao là một thách thức khổng lồ. Việc không có cơ chế pháp lý hay cho phép ngoại lệ Tây Ban Nha thực hiện kế hoạch chậm hơn đem đến nhiều nghi ngờ về sự thành công của kế hoạch tham vọng này. Với cộng đồng châu Âu nhiều thành viên, duy trì sự nhất trí giữa các quốc gia với các lợi ích an ninh, địa lý và năng lực kinh tế khác biệt, vẫn là bài toán nan giải.
Như nhà phân tích an ninh Judy Dempsey đến từ Trung tâm Carnegie đã nhận định: "La Haye là một lời hứa lớn, nhưng không phải là sự đảm bảo. Chiến thắng thực sự của châu Âu sẽ chỉ đến khi những con số phần trăm GDP đó được chuyển hóa thành những đơn vị quân sự sẵn sàng chiến đấu... Quan trọng hơn, nó đòi hỏi một ý chí chính trị thống nhất vượt lên trên những lợi ích quốc gia hẹp hòi".