Thượng đỉnh Mỹ - EU trong bối cảnh xung đột vũ trang leo thang
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày mai (20/10), tại Washington, Mỹ. Đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm, các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ và EU gặp nhau trong bối cảnh hai bên đang có những dấu hiệu rạn nứt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sẽ đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU. Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo sẽ đánh giá các dự án hợp tác, thu hẹp những khác biệt xuyên Đại Tây Dương về chính sách thương mại, đặc biệt là tranh chấp liên quan tới thuế thép và nhôm. Với nhiều nội dung quan trọng được đưa ra, liệu hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU lần này có thu hẹp được những khác biệt giữa hai bên?
Điểm đáng chú ý trong thượng đỉnh EU 2023
Có thể thấy rằng là hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU lần này diễn ra trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang có những thay đổi nhanh chóng và khó đoán định. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Biden lên nhậm chức, nước Mỹ quay trở lại với chính sách đối ngoại truyền thống, đánh dấu sự khởi đầu của mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương mới và đặt ra chương trình nghị sự chung cho hợp tác EU-Mỹ trong thời kỳ hậu đại dịch. Hơn 6 tháng sau, chiến sự Nga-Ukraine bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp, cho đến giờ vẫn chưa thấy hy vọng về một giải pháp tháo gỡ xung đột.
Mặc dù cuộc chiến này chưa có nguy cơ lan rộng ra khắp châu Âu nhưng đã làm thay đổi môi trường chiến lược khu vực theo cách không ai mong muốn. Mới đây nhất, xung đột vũ trang giữa Israel và lực lượng Hamas bất ngờ leo thang dữ dội làm hàng nghìn người chết và bị thương. Nếu xu hướng này lan rộng thì việc “thùng thuốc súng” Trung Đông bùng nổ có thể không còn là nguy cơ.
Với các thay đổi địa chính trị, quan hệ giữa Mỹ và phương Tây với Trung Quốc, Nga, quan hệ Mỹ-EU cũng biến đổi mạnh mẽ. Quan hệ Mỹ-EU dưới thời Chính quyền Tổng thống Biden trong hai năm qua được khôi phục và phát triển mạnh mẽ với các chuyến thăm cấp cao, đoàn kết ủng hộ Ukraine, giải quyết các vướng mắc thương mại và hợp tác trong nhiều lĩnh vực như bảo đảm chuỗi cung ứng ổn định, bảo vệ các công nghệ tiên tiến và mới nổi.
Ngược lại, quan hệ Mỹ và EU với Trung Quốc và Nga lại xấu đi nhanh chóng, từ hợp tác trên một số lĩnh vực nhất định chuyển sang đối đầu quân sự, chia tách kinh tế ở các mức độ khác nhau.
Trước hội nghị lần này, cả Mỹ và EU đều đặt ra nhiều kỳ vọng thúc đẩy hợp tác nhưng có lẽ việc tìm ra tiếng nói chung cho các điểm nóng đang nổi lên như chính sách đối với cuộc chiến tại Ukraine, đối phó với Trung Quốc hoặc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Trung Đông mới là những vấn đề nổi bật nhất.
Thu hẹp bất đồng trong thương mại
Dau nhiều năm căng thẳng thương mại dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump liên quan đến việc áp thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu, Liên minh Châu Âu và Mỹ đã tạm thời tìm được tiếng nói chung hồi cuối năm 2021 liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, thỏa thuận được thiết lập năm 2021 chỉ dừng lại ở mức Mỹ cho phép nhập khẩu số lượng hạn chế các sản phẩm liên quan đến nhôm-thép của EU vào thị trường này và tiếp tục bảo lưu Chương 232 trong quy định về thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm, vốn được áp dụng từ thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Mỹ muốn giữ lại quy định về thuế quan đối với thép và nhôm như một biện pháp để đảm bảo khối 27 phải tuân thủ bất kỳ hiệp định nào được ký kết trong tương lai. Và việc không đạt được thỏa thuận mới nào tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU diễn ra vào ngày mai có thể dẫn đến việc Mỹ tái khởi động lại thuế nhập khẩu nhôm – thép, trị giá lên tới 10 tỷ USD mỗi năm, cho những mặt hàng sử dụng nguyên liệu này từ Châu Âu. Dự kiến, loại thuế này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2024 nếu song phương không đi đến được một thỏa thuận hiệu quả nào tại hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2.
Điều này có thể là ngòi nổ cho một cuộc chiến thương mại mới, dai dẳng và không hồi kết ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Mỹ-Âu như chúng ta đã chứng kiến trong vài năm qua. Thế nên các ủy viên thương mại của Châu Âu đang gấp rút tiến hành đàm phán nhằm vượt qua các bất đồng để có thể tiến tới một thỏa thuận trong thời gian ngắn nhất. Nhưng những cuộc đàm phán như vậy thường chỉ đạt được thỏa thuận vào phút cuối cùng bởi các quốc gia đều muốn tránh việc phải nhượng bộ và trở thành bên yếu thế hơn.
Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU lần này cũng là dịp để song phương đàm phán về kế hoạch hợp tác để tạo ra một khu vực thuế quan chung nhằm áp dụng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ các nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nước này hiện là nhà sản xuất lớn nhất thế giới đối với cả nhôm và thép, chiếm hơn một nửa sản lượng thép thô toàn cầu.
Theo thỏa thuận được đề xuất tạm thời vào ngày 3 tháng 10, Mỹ và EU đồng ý áp dụng một loại thuế để bảo vệ thị trường nội địa trước thép và nhôm nhập khẩu từ các nguồn cung dư thừa công suất và chi phí thấp. Thuế sẽ ở mức 25% giá thành đối với thép và 10% đối với nhôm.
Theo các chuyên gia, những biến dạng do công suất dư thừa đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các ngành công nghiệp thép và nhôm định hướng thị trường của Liên minh châu Âu và Mỹ, cũng như người lao động trong các ngành này. Điều này đã hối thúc song phương tiến hành đàm phán trong một thời gian dài với mong muốn tìm ra một giải pháp bền vững và khả thi trước cuối năm nay.
Dư luận Mỹ và EU về thượng đỉnh
Lãnh đạo Mỹ và EU kỳ vọng vào hội nghị lần này khi hai bên đều đang cần những “cú hích” quan trọng cả về chính trị lẫn kinh tế. Tại Mỹ, Tổng thống Biden đang cần những điểm cộng trong cuộc chạy đua tiếp tục ở lại Nhà Trắng. Trong khi đó, các nước EU vẫn cần sự ủng hộ của Mỹ cả về ngoại giao lẫn tài chính trước mùa đông sắp tới trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Về các tranh chấp thương mại và hợp tác kinh tế xuyên Đại Tây Dương, nhiều khả năng hai bên sẽ không đạt được các thỏa thuận mang tính toàn diện, chiến lược như trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất mà chỉ thống nhất gia hạn các thỏa thuận hiện có ví dụ như Thỏa thuận về các khoáng sản quan trọng để EU có thể hưởng một số miễn trừ nhất định trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, có thể đạt được một số thỏa thuận mới về công nghệ quan trọng và mới nổi.
Về quan điểm chính sách đối với Trung Quốc, mặc dù hai bên đều xác định đây là đối thủ, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng vẫn còn nhiều mâu thuẫn trong chính sách thương mại, tập trung vào kiểm soát xuất khẩu. Việc EU có tuân theo hoặc xây dựng chính sách theo quan điểm chính sách an ninh kinh tế của Mỹ đối với Ttrung Quốc vẫn còn nhiều thách thức khi mâu thuẫn nội bộ của khối này, giữa các nước lớn như Đức, Pháp, Italia… vẫn còn rất gay gắt và khác nhau. Chính vì thế, hai bên chỉ có thể đưa ra các tuyên bố chung chung, không có chi tiết cụ thể trong chính sách với Trung Quốc.
Liên quan đến Ukraine, đây là vấn đề cả hai bên có thể kỳ vọng nhất nhưng để đạt được các kết quả tích cực cũng là thách thức nhất. Trong thượng đỉnh lần này, chính sách đối với Ukraine có lẽ thu hút sự chú ý nhiều nhất khi hai bên đồng thuận trong chính sách nhưng khó khăn trong tiếp tục viện trợ quân sự vì các lý do khác nhau. Các kết quả cụ thể về viện trợ cho Ukraine có thể còn phải chờ đợi các yếu tố nội bộ từng bên như tranh cãi của đảng Cộng hòa tại Mỹ, bầu cử tại một số nước châu Âu hoặc tiến trình giải quyết mâu thuẫn giữa Ukraine và một số nước về xuất khẩu ngũ cốc. Theo đó, hai bên sẽ tập trung vào khẳng định cam kết ủng hộ Ukraine hơn là các hành động cụ thể, đặc biệt là viện trợ quân sự.
Ngoài việc mong muốn đạt được một thỏa thuận liên quan đến kế hoạch hợp tác để tạo ra một khu vực thuế quan chung nhằm áp dụng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ các nền kinh tế phi thị trường, Liên minh châu Âu còn mong muốn đạt được một thỏa thuận về các khoáng sản thiết yếu cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Điều này liên quan đến việc loại bỏ các yếu tố phân biệt đối xử trong kế hoạch khí hậu lớn của Mỹ (IRA) được bỏ phiếu vào mùa hè năm 2022.
Theo IRA, các công ty phải cung cấp bằng chứng về một tỷ lệ phần trăm khoáng sản nhất định đến từ Mỹ (hoặc các đối tác đã ký kết hiệp định tự do thương mại với Washington) trong pin ô tô điện để có thể hưởng trợ cấp từ kế hoạch này. Một trong những ví dụ tiêu biểu của IRA, đó là việc Nhật Bản và Mỹ đã ký một thỏa thuận tương tự vào cuối tháng 3 liên quan đến chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu và pin cho xe điện, cho phép các công ty Nhật đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp lên tới 7.500 USD mỗi khi người dân Mỹ mua một chiếc xe điện Nhật mới. Thế nên việc đạt được thỏa thuận về khoáng sản thiết yếu sẽ cho phép các công ty EU trở lại vị thế tương đương với các đối thủ cạnh tranh đến từ các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội cho phía Mỹ đàm phán rõ ràng hơn với EU về cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM), mới được khối 27 áp dụng hồi đầu tháng 10 vừa qua. Đây cũng là một cơ chế mới của châu Âu nhằm chống lại các nguyên liệu gây ô nhiễm và đến từ các thị trường có chi phí thấp. Thuế carbon châu Âu sẽ được sử dụng như một hê quy chiếu tham khảo để tiến hành thiết lập khu vực thuế quan chung Mỹ-Âu.
Hơn thế nữa, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đây từng mong muốn được miễn CBAM và lo ngại rằng hàng xuất khẩu của nước này có thể bị ảnh hưởng bởi các khoản thuế của châu Âu. Việc có thể làm rõ những khúc mắc này có thể tạo tiền đề cho việc hâm nóng lại quan hệ song phương vốn căng thẳng từ sau các tranh chấp liên quan đến nhôm và thép. Hai bên cũng có thể xem xét phối hợp chặt chẽ hơn sau cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ và sau khi EU hoàn thiện các quy tắc của mình về thuế nhập khẩu carbon.
Về mặt chính trị, Hội nghị thượng đỉnh năm 2021 diễn ra trong bối cảnh thế giới tương đối hòa bình. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU năm 2023 này, dư luận đang mong chờ song phương phải thể hiện quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ trong phản ứng trước các cuộc xung đột Nga-Ukraine hay Israel-Hamas.
Điều cần thiết lúc này, đó là việc yêu cầu Israel phải tuân thủ luật pháp quốc tế trước khi có bất kỳ hành động nào. Đây cũng không phải là những xung đột, căng thẳng duy nhất thách thức Mỹ và EU. Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ 2 là cơ hội để Mỹ và EU bàn bạc về một giải pháp cho vấn đề khủng bố hiện đang gây nhức nhối cho các quốc gia Châu Âu, cũng như các vấn đề về an ninh mạng.