Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn: Sự hợp nhất của hai liên minh tầm cỡ, định hình một khuôn khổ không thể đảo ngược

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn tới đây là sự kiện quốc tế được trông đợi với sự bắt tay của hai liên minh Mỹ-Hàn và Mỹ-Nhật.

Chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol cần có chính sách khéo léo với cả Trung Quốc và Nga, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng phức tạp. (Nguồn: Reuters)

Chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol cần có chính sách khéo léo với cả Trung Quốc và Nga, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng phức tạp. (Nguồn: Reuters)

Cuộc gặp lịch sử cho dấu mốc lịch sử

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn dự kiến diễn ra tại Trại David, gần thủ đô Washington, D.C của Mỹ vào ngày 18/8 tới sẽ được định vị là thời điểm lịch sử, chứng kiến sự hợp nhất giữa hai liên minh Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn, trở thành một khuôn khổ hợp tác vững chắc và không thể đảo ngược.

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chào đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến thăm Mỹ từ ngày 17-19/8 tới.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo ba nước này tiến hành hội nghị thượng đỉnh ba bên mà không phải nhân dịp tham dự một sự kiện đa phương nào. Trước đó, khi tham dự Hội nghị các nền công nghiệp phát triển (G7) tại thành phố Hiroshima diễn ra hồi tháng 5, Tổng thống Biden đã cùng lãnh đạo hai đồng minh thảo luận về kế hoạch tổ chức hội nghị này.

Cùng với cuộc gặp cấp thượng đỉnh, các cuộc tập trận chung giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản với quân đội Mỹ và Hàn Quốc cũng sẽ được thúc đẩy.

Tháng 4 vừa qua, ba nước đã tiến hành tập trận hàng hải chung với tình huống giả định là vô hiệu hóa mục tiêu một thiết bị không người lái dưới nước của Triều Tiên. Vào tháng 7, ba nước cũng xác nhận sẽ phản ứng chung đối với tên lửa đạn đạo ở biển Nhật Bản.

Ngoài ra, Mỹ-Nhật-Hàn đã chia sẻ dữ liệu thông qua hệ thống kết nối do Mỹ phát triển thông với hai đường dây của Nhật Bản và Hàn Quốc theo thời gian thực, qua đó giúp cải thiện sự nhận biết các điểm phóng, tốc độ, khoảng cách bay của tên lửa.

Trên thực tế, liên minh Mỹ-Nhật và liên minh Mỹ-Hàn có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp trên Bán đảo Triều Tiên, lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản sẽ hỗ trợ liên quân Mỹ-Hàn tại Hàn Quốc ngay lập tức ở tiền tuyến. Khi đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đóng vai trò cung cấp hậu cần, tìm kiếm cứu nạn và bảo dưỡng tàu cho Mỹ và các lực lượng liên quan khác.

Theo hai quan chức cấp cao của Chính quyền Tổng thống Biden, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ công bố kế hoạch mở rộng hợp tác quân sự về phòng thủ tên lửa đạn đạo và phát triển công nghệ trước mối lo ngại ngày càng tăng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Các quan chức giấu tên cho biết các thông báo này là một phần của một loạt sáng kiến sẽ được công bố khi Tổng thống Biden tiếp đón Thủ tướng Kishida và Tổng thống Yoon tại Dãy núi Catoctin (Maryland, Mỹ).

Hội nghị thượng đỉnh lần này là hội nghị đầu tiên mà Tổng thống Biden tổ chức trong nhiệm kỳ tổng thống của mình tại Trại David và diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ phức tạp trong lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang tan băng.

Trước đây, Trại David là nơi diễn ra những khoảnh khắc ngoại giao quan trọng.

Tại đây, Tổng thống Jimmy Carter đã tiếp đón Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin vào tháng 9/1978 để thiết lập khuôn khổ cho một hiệp ước hòa bình lịch sử giữa Israel và Ai Cập vào tháng 3/1979. Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã đưa Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine khi đó là Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Ehud Barak đến Trại David trong một nỗ lực không thành công nhằm có được một thỏa thuận chấm dứt xung đột.

Một quan chức cho biết Nhà Trắng đang tìm cách cải thiện hơn nữa động lực ngoại giao và đặt mục tiêu tận dụng hội nghị thượng đỉnh lần này để “thể chế hóa, làm sâu sắc hơn và củng cố thói quen hợp tác” giữa Mỹ-Nhật-Hàn, khi họ đối mặt với một Thái Bình Dương ngày càng phức tạp.

Mỹ tận dụng tốt thời cơ

Đối với Mỹ, mối quan hệ Nhật-Hàn nồng ấm là tín hiệu tốt lành cho việc triển khai chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Từ năm 2017, Hàn Quốc dưới thời Chính quyền Tổng thống Moon Jae In đã mâu thuẫn sâu sắc với Nhật Bản, nhưng đến thời Chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol, vấn đề lao động thời chiến kéo dài dai dẳng cuối cùng cũng đã đạt được đồng thuận và kèm theo đó là tốc độ cải thiện quan hệ đáng kinh ngạc.

Hai nhà lãnh đạo đã nối lại “ngoại giao con thoi”, thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và xây dựng mối quan hệ tin cậy.

Tận dụng cơ hội này, Mỹ đã gấp rút xây dựng một khuôn khổ hợp tác ba bên đảm bảo sự hợp tác bền vững ngay cả khi có sự thay đổi chính quyền trong tương lai.

Trong một tuyên bố mới đây, Nhà Trắng đã khẳng định: “Chúng tôi tái xác nhận mối quan hệ hữu nghị bền chặt và liên minh bất khả xâm phạm giữa Mỹ và Nhật Bản cũng như giữa Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác ba bên”.

Ông John Kirby, điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) cho biết Tổng thống Biden tin rằng hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là một cuộc gặp lịch sử.

Như vậy, ba bên sẽ mở rộng phạm vi hợp tác ngoài bán đảo Triều Tiên, cùng nhau duy trì trật tự quốc tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng.

Ngoài ra, nhiều nội dung quan trọng khác dự kiến nằm trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh lần này như tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan; tăng cường can dự tại các quốc đảo Thái Bình Dương; củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn và các khoáng sản quan trọng; biến an ninh kinh tế trở thành một lĩnh vực hợp tác mới giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

(theo The Nikkei)

Phương Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-my-nhat-han-su-hop-nhat-cua-hai-lien-minh-tam-co-dinh-hinh-mot-khuon-kho-khong-the-dao-nguoc-238434.html